(Baothanhhoa.vn) - Từ thuở xa xưa, dòng sông Chếu Bạch chảy sát chân núi Chiếu Bạch đã tạo nên phong cảnh hữu tình, “hội sơn tụ thủy” trên mảnh đất Hà Lâm (nay là xã Yến Sơn), Hà Trung. Trong đó, cụm di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh Bình Lâm đã trở thành nét độc đáo, tiêu biểu, là niềm tự hào của đất và người nơi đây. Trải qua biến thiên thời gian và những  thăng trầm lịch sử, cụm di tích vẫn luôn được các thế hệ cháu con trân trọng, gìn giữ, phát huy.

Cụm di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh Bình Lâm: Biểu tượng của truyền thống lịch sử - văn hóa – cách mạng quê hương

Từ thuở xa xưa, dòng sông Chếu Bạch chảy sát chân núi Chiếu Bạch đã tạo nên phong cảnh hữu tình, “hội sơn tụ thủy” trên mảnh đất Hà Lâm (nay là xã Yến Sơn), Hà Trung. Trong đó, cụm di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh Bình Lâm đã trở thành nét độc đáo, tiêu biểu, là niềm tự hào của đất và người nơi đây. Trải qua biến thiên thời gian và những thăng trầm lịch sử, cụm di tích vẫn luôn được các thế hệ cháu con trân trọng, gìn giữ, phát huy.

Cụm di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh Bình Lâm: Biểu tượng của truyền thống lịch sử - văn hóa – cách mạng quê hươngCảnh sắc thiên nhiên trên núi Chiếu Bạch.

Vùng đất Hoa Lâm xưa (xã Hà Lâm cũ, sau sáp nhập thành xã Yến Sơn) vốn là nơi có nhiều cảnh đẹp, có bề dày truyền thống, vị trí giao thông thuận lợi. Đây cũng là nơi “đất thần – phật có tầm cỡ” của xứ Thanh (Văn bia trùng tu danh lam Chiếu Bạch), từng là nơi đặt lỵ sở của phủ - huyện Hà Trung thời Nguyễn. Giữa không gian ấy, cụm di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh Bình Lâm như nét chấm phá, góp phần làm danh giá cho mảnh đất này. Cụm di tích bao gồm: đình Phúc, đền thờ Lê Phụng Hiểu, bia đề thơ của các vị Vua Lê, núi Yến Sơn – Chiếu Bạch, động Bà Chúa.

Về núi Chiếu Bạch, sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: Núi Chiếu Bạch đằng trước trông ra sông Chiếu Bạch, non nước thanh u, trên núi có đền thờ Lê Phụng Hiểu, những bài thơ đề vịnh của văn nhân đời trước vẫn còn dấu vết. Nổi tiếng nhất là hai bài thơ của các Vua Lê khắc trên đá.

Năm Tân Dậu (1501), niên hiệu Cảnh Thống thứ tư, Vua Lê Hiến tông từ kinh đô Thăng Long trở về thăm đất tổ, sau khi bái yết sơn lăng đã đến đất Bình Lâm vãn cảnh núi sông Chiếu Bạch đúng vào ngày tết Thanh Minh. Trước một vùng non nước “sơn kỳ thủy tú”, vua đã cảm tác bài thơ “Ngự chế đề Chiếu Bạch sơn” khắc vào đá:

“Vua đi muôn dặm về quê hương

Sông đẹp, thuyền rồng biếc, sáng vươn

Gió lặng, mây nhàn, hoa muốn nói,

Triều êm trời rộng, én mây vờn

Tùng xanh vi vút reo nui núi

Nước chảy đàn ngân, câu, lưới buông

Đạo báo, núi thiêng thuần thác báu

Đẹp như mưa thấm khắp nguồn cơn”.

Ai đã một lần ghé thăm núi Chiếu Bạch, hẳn sẽ đồng cảm sâu sắc với cảm hứng thơ của Vua Lê Hiến tông thuở nào. Một không gian rừng núi xanh mướt mát, rợp bóng cây hòa cùng tiếng chim chóc lích chích trên những vòm lá khiến lòng người xao xuyến, luyến lưu. Đó cũng chính là mạch nguồn cảm hứng để mùa xuân năm Hồng Thuận thứ 6 (1514), Vua Lê Dục Đức đã tức cảnh đề thơ trên núi Chiếu Bạch:

Ngọn triều cuồn cuộn sát ngang trời,

Đá cũ nguy nga soi nước trôi

Cây cổ như xưa trùm mát núi;

Hoa tươi từng nở đượm hương người.

Ung dung dạo bước thơ thanh nhã.

Sảng khoái ngâm nga đạo tuyệt vời...

Cùng với núi Chiếu Bạch, khu di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh Bình Lâm còn có các núi đá khác như: Hinh Sơn, Yến Sơn dệt nên phong cảnh hữu tình, tươi đẹp.

Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, núi Chiếu Bạch được biết đến là nơi lưu kỷ niệm một thời của Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu – công thần thời Lý.

Lê Phụng Hiểu mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ trong một túp lều dưới chân núi Bưng làm nghề đốn củi độ nhật. Lâu dần, củi núi Bưng cũng dần ít đi, Lê Phụng Hiểu phải lội qua sông sang vùng rừng núi Hoa Lâm nổi tiếng hùm thiêng rắn độc. Vùng Hoa Lâm có đến 20 ngọn núi đất và đá tạo thành hình thế trùng điệp. Chủ Sơn Hoa Lâm là núi Chiếu Bạch bên sông Chiếu Bạch, ngàn cây tươi tốt, non nước thanh u, một thắng cảnh của phủ Hà Trung thời Lê Nguyễn (Thanh Hóa với nhà Lý: Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu).

Ngay từ khi còn trẻ, ông đã chứng tỏ được tư chất, sức mạnh hơn người, được Vua Lý Thái tông trọng dụng, ban chức võ vệ tướng quân. Không phụ lòng vua, Lê Phụng Hiểu một lòng trung quân ái quốc, phò vua giúp nước, lập nhiều công trạng nên được phong chức Đô thống Thượng tướng quân. Khi mất, ông được dựng đền thờ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; các triều đại đều có sắc phong.

Tại Hoa Lâm, trên núi Chiếu Bạch – nơi đã lưu dấu nhiều kỷ niệm, gắn bó với Đô thống Thượng tướng quân một thời cũng xây dựng một ngôi đền thờ ông nhằm bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thành kính, tri ân sâu sắc của các thế hệ con cháu nơi đây.

Đền thờ Lê Phụng Hiểu còn gọi là đền Chiếu Bạch sơn thần hoặc nghè thánh Bưng. Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục”, thì các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc có 14 nơi thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu, riêng huyện Hà Trung chỉ có làng Bình Lâm là nơi duy nhất có đền thờ ông. Đạo sắc phong của các triều đại đều dành nhiều lời ngợi ca sự linh ứng, công trạng của ông: Vị thần Băng Sơn – Chiếu Bạch nổi tiếng, linh thiêng, ứng nghiệm cứu dân, giúp nước...

Đền được xây dựng từ thời Lý, ngay sau khi Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu mất. Đến triều Hoàng Định, thời Vua Lê Kính tông, triều đình đốc thúc việc tu sửa lại đền và giao cho chính quyền, Nhân dân địa phương trông coi, phụng thờ. Trước kia, đền có 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung, hướng về phía sông Chiếu Bạch. Tương truyền, ở trước đền có tảng đá in rõ dấu chân khổng lồ dài gần 2 thước, rộng 7 tấc.

Đến nay, ngôi đền cũ đã không còn. Năm 2006, đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu được phục dựng lại dưới chân núi Chiếu Bạch, ngay trong khuôn viên chùa Chiếu Bạch. Tuy nhiên, đền mới được xây dựng chưa thực sự xứng tầm với quy mô đền cũ, vị thế, công trạng của Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu trong lịch sử dân tộc.

Nếu núi Chiếu Bạch hấp dẫn bước chân du khách bởi nét phóng khoáng của cảnh sắc thiên nhiên, đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và những dấu tích lưu lại nơi này nhắc nhớ về bậc tiền nhân hiển hách thì đình Phúc mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị mà không kém phần ý nghĩa.

Là ngôi đình được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ V (1845), giáp sông Lèn, đình Phúc có cấu trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm: một nhà tiền đường 5 gian 2 chái, nhà hậu cung 3 gian. Hậu cung thờ thần thành hoàng làng. Nằm trong cụm di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh Bình Lâm, đình Phúc là một trong số ngôi đình lớn, minh chứng sinh động, thuyết phục cho câu ca quen thuộc: “Đình huyện Tống, trống huyện Nga”.

Trước đây, đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa của phủ lỵ Hà Trung gắn liền với tín ngưỡng thờ thành hoàng của làng, xã. Các vị thành hoàng làng ấy chính là những bậc anh hùng hào kiệt, lưu danh sử sách như: Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu, Đại Tư mã Thái quận công Nguyễn Thất Lý, thần Cao Sơn... Hằng năm, vào các ngày trị thần hay tế xuân – thu, kỳ phúc... Nhân dân khắp nơi trong huyện tựu về đây tham dự lễ hội với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, mang đậm tính truyền thống. Vào những ngày đó, ngoài việc tế lễ theo nghi thức cung đình còn có các hoạt động văn hóa tiêu biểu như: hát đúm, đua thuyền...

Ngoài ý nghĩa về mặt văn hóa – tín ngưỡng, đình Phúc còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện cách mạng tiêu biểu của làng, xã và huyện Hà Trung. Năm 1945, trong cuộc Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, đình Phúc chính là nơi chứng kiến sự kiện tri phủ Hà Trung – Tạ Quang Đệ đã giao toàn bộ ấn tín và giấy tờ cho chính quyền cách mạng lâm thời để kết thúc chế độ thực dân phong kiến trên đất Hà Trung. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Phúc trở thành trung tâm nuôi dưỡng bộ đội Sư đoàn 320 sau khi chiến đấu ở Phát Diệm – Ninh Bình trở về.

Theo thời gian, cụm di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh Bình Lâm đã không còn giữ được nguyên vẹn diện mạo, kiến trúc như xưa nhưng vẻ đẹp, giá trị của nó vẫn luôn được gìn giữ, phát huy, trở thành biểu tượng, niềm tự hào của các thế hệ con cháu nơi đây.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]