(Baothanhhoa.vn) - Nếu như suối cá thần Cẩm Lương đã nổi tiếng trong và ngoài nước, thì cách đó chưa đầy 10 km, tại thôn Ngọc Dùng thuộc xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy) còn có một suối “cá thần” mà chưa hẳn đã có nhiều người biết đến. Tuy số lượng cá không lớn, song được gắn với một truyền thuyết đậm màu linh thiêng huyền bí, suối cá Mó Đóng, thôn Ngọc Dùng hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch nếu được quan tâm đầu tư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Còn một suối “cá thần” ở miền Tây xứ Thanh

Nếu như suối cá thần Cẩm Lương đã nổi tiếng trong và ngoài nước, thì cách đó chưa đầy 10 km, tại thôn Ngọc Dùng thuộc xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy) còn có một suối “cá thần” mà chưa hẳn đã có nhiều người biết đến. Tuy số lượng cá không lớn, song được gắn với một truyền thuyết đậm màu linh thiêng huyền bí, suối cá Mó Đóng, thôn Ngọc Dùng hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch nếu được quan tâm đầu tư.

Còn một suối “cá thần” ở miền Tây xứ Thanh

Suối cá Mó Đóng với khung cảnh sơn thủy, hữu tình.

Suối cá nơi sơn thủy, hữu tình

Chỉ mất chừng 20 phút đi ô tô từ Quốc lộ 217 trên con đường liên xã kiên cố, chúng tôi đã đến được suối cá Mó Đóng. Tiếng suối chảy róc rách từ một miệng hang rộng chừng 1m2 ăn sâu vào lòng núi chính là nguồn nước nuôi dưỡng đàn cá từ bao đời nay. Phần cuối con suối được người dân địa phương đắp ngăn lại, tạo thành một vùng nước sâu khoảng 1m, tựa cái ao để đàn cá tung tăng bơi lội. Anh Hà Văn Long, cán bộ văn hóa xã Cẩm Liên – người đồng hành cùng chúng tôi tung nắm cỏ vừa bứt bên đường, hàng chục con cá lớn lao tới đớp mồi làm náo động một vùng nước. Đây chính là giống cá Dốc, mồm giống cá chép có viền môi đỏ, nhưng thân lại giống cá trắm. Đàn cá tỏ ra rất thân thiện với con người, luôn bơi gần để “đòi” ăn mỗi khi có bóng người hoặc những bàn tay khuấy nước. Theo người dân địa phương, số lượng cá ở đây hiện có hàng trăm con; trong đó, có khoảng 40 con cá lớn, có trọng lượng từ 3 đến 6 kg. Những con cá nhỏ cũng bằng cán dao, cổ tay người lớn, nhưng không dạn người, thấy bóng người thường trốn vào hang.

Do nằm ngay dưới chân núi với hệ thống thực vật um tùm, mọc chen với đá núi nên cảnh quan quanh suối cá này rất nên thơ. Quanh suối cá có nhiều cây lớn, tỏa bóng mát rượi, khiến khách lạ đến đây thêm phần thư thái. Những ngày hè nóng nực, người dân địa phương thường ngồi mát, nghỉ trưa quanh suối này. Vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây còn được tôn thêm bởi cách suối cá chỉ chừng 50m, có một hang động đẹp, với chiều rộng lòng hang khoảng 15m, trần hang khoảng 20m, sâu tới 400m, thông sang một triền núi khác. Hang động có nhiều nhũ đá óng ánh, màu sắc khá đẹp này, gần đây được nhiều người khám phá mỗi khi đến thăm suối cá.

Gắn với truyền thuyết linh thiêng, huyền bí

Với đồng bào Mường, Thái địa phương, suối cá là tài sản quý, mang ý nghĩa tinh thần to lớn. Mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ đàn cá, không ai dám đánh bắt. “Từ năm 1976, khi gia đình tôi đến đây ở, những con cá to nhất cũng chỉ lớn như vậy, cũng không ai đánh bắt cả. Nay dân làng cử một người địa phương là cựu chiến binh có trách nhiệm trông coi suối cá, ngày ngày hái cỏ và rau muống cho cá ăn” – ông Phạm Văn Lưu, trưởng thôn Ngọc Dùng cho biết. Quan niệm về sự linh thiêng của suối cá xuất phát từ một câu chuyện truyền thuyết nửa thực, nửa hư, mang tính huyền bí, linh thiêng.

Theo các cụ cao niên trong làng truyền miệng, ngày xưa có một gia đình ông quan Đóng, nhà gần suối cá, chỉ sinh hạ được một người con gái tên là Ánh Đóng. Cha mẹ không cho nàng đi làm, chỉ suốt ngày ở nhà, dệt vải. Một hôm mưa to gió lớn, cha mẹ đi làm đồng, cô ở nhà dệt vải rồi đánh rơi hột khúc (nút để cài vào khuyết, giống khuy áo ngày nay – PV) xuống sân. Một chú gà trống trắng ở đâu đến, tha hạt khúc ra phía suối Mó Đóng. Nàng đuổi theo gà đến bờ suối, bỗng nước dâng cao cuốn trôi nàng. Khi ông bà quan Đóng về nhà không thấy con gái, liền đi tìm khắp nơi. Đứng trước dòng suối khóc lóc, ông bà thấy một cô gái tóc dài xuất hiện ở cửa hang rồi biến mất. Đêm hôm đó, ông bà khấn vái Lâm Vương sao nỡ bắt con gái của mình, nhà có mỗi một mụn con, sau không ai thay mình cày cấy. Đêm mộng thấy Lâm Vương báo, con gái đã bị vua Thủy Tề cướp về làm vợ, nhưng nhà ông không lo, chỉ cần dựng cây nêu là sẽ có người giúp cày bừa. Từ đó, mỗi đêm, đàn cá và ba ba từ suối ra vùng vẫy phẳng mặt ruộng, sáng ra thấy mặt ruộng như mới có người cày bừa. Từ đó, ông quan Đóng chăm sóc đàn cá. Mỗi khi trời mưa bão, có con “cá thần” nào ra đồng không lên được, ông phải làm võng bằng vải đưa cá trở lại suối. Nếu những con cá bị chết, phải bọc vải trắng, khâm liệm chôn cất tử tế. Sau này ông bà quan Đóng mất đi, vào những năm đầu thế kỷ XX, gia đình ông Ậu Lý đến làm nhà trên đất đó ở, nhưng 10 người con liên tục ốm đau, phải cúng vái xin phù hộ mới khỏi. Hiện gia đình Ậu Lý vẫn còn một người sinh sống, nay đã trên dưới 80 tuổi. Sự tích nửa thực, nửa hư ấy chính là niềm tin để người dân Ngọc Dùng luôn quan tâm bảo vệ và chăm sóc “cá thần”.

Tiềm năng du lịch

Phong cảnh, địa danh đẹp, nhưng muốn phát triển thành điểm tham quan du lịch thường phải gắn với một câu chuyện truyền thuyết, một sự tích nào đó. Về điều này, suối “cá thần” Mó Đóng thôn Ngọc Dùng đã hội tụ đủ. Địa danh có cảnh trí nên thơ này chỉ cách đường Hồ Chí Minh 12 km, cách Hà Nội khoảng 130 km, hoàn toàn có thể phát triển thành điểm du lịch trong tương lai. Khi trao đổi với phóng viên, nhân dân địa phương đều bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều người biết đến suối cá và được các ngành, các cấp đầu tư phát triển du lịch để kích cầu kinh tế địa phương.

Ông Vũ Xuân Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Suối cá ở thôn Ngọc Dùng có rừng, lại nằm trong dãy núi đá nguyên sơ mát rượi. Quanh vùng có ruộng bậc thang, có đồi Hích, có hồ Thạch Minh rất đẹp. Nơi đây, đồng bào Mường, Thái vẫn còn lưu giữ nhiều điệu múa, điệu xường cổ truyền thống, có nhiều món ăn dân tộc đặc trưng. Tiềm năng du lịch ở đây rất lớn, huyện đã khảo sát, dự kiến sẽ quy hoạch khu du lịch rộng 3 ha tại đây. Chúng tôi đang yêu cầu xã Cẩm Liên chuẩn bị các điều kiện để đưa suối cá Mó Đóng vào quy hoạch phát triển du lịch của huyện. Huyện cũng dự kiến xây dựng tua khép kín, gồm: Chùa Rồng (xã Cẩm Thạch), chùa Chặng (xã Cẩm Sơn), suối cá Cẩm Lương và suối cá thôn Ngọc Dùng này. Về lâu dài, huyện sẽ kêu gọi đầu tư, phục dựng lễ hội cồng chiêng thôn Thạch Minh gần đó, gắn với hoạt động du lịch quanh suối cá.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]