(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số được xem là giải pháp phát huy thế mạnh của hoạt động du lịch, là hướng đi mới được nhiều địa phương và doanh nghiệp lựa chọn sau đại dịch. Trong khi đó, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực doanh nghiệp. Việc khôi phục trở lại và bắt kịp xu hướng đã và đang là bài toán đặt ra cho không ít doanh nghiệp lĩnh vực này.

Chuyển đổi số và thách thức đối với doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số được xem là giải pháp phát huy thế mạnh của hoạt động du lịch, là hướng đi mới được nhiều địa phương và doanh nghiệp lựa chọn sau đại dịch. Trong khi đó, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực doanh nghiệp. Việc khôi phục trở lại và bắt kịp xu hướng đã và đang là bài toán đặt ra cho không ít doanh nghiệp lĩnh vực này.

Chuyển đổi số và thách thức đối với doanh nghiệp du lịch Thanh HóaQuần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý và kinh doanh dịch vụ du lịch.

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, năm 2020, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) đã được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển du lịch” nhằm đưa các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực du lịch tiệm cận công nghệ 4.0, tìm giải pháp để du lịch Việt Nam bắt kịp với xu hướng mới và duy trì đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19. Trong đó, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng lớn doanh nghiệp tham gia gian hàng và các chương trình hội nghị, hội thảo bàn về các nội dung xoay quanh chủ đề này.

Trong khuôn khổ hội chợ, các doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa đã được tiếp cận với ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” do Tổng cục Du lịch giới thiệu. Ứng dụng này được Tổng cục Du lịch cho ra mắt vào tháng 10-2020, cho phép người dùng được kiểm tra mức độ cảnh báo an toàn, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi...) và cập nhật các thông tin hữu ích khác. Sau khi trải nghiệm, người dùng có thể tương tác, đánh giá chất lượng cũng như tính an toàn của điểm đến đó. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có những biện pháp để tăng cường, đảm bảo việc tuân thủ quy định về an toàn theo tiêu chí đã được ban hành.

Trong khi các ứng dụng trong lĩnh vực du lịch như: công nghệ di động, booking online, thanh toán dịch vụ từ xa... đã và đang được không ít doanh nghiệp du lịch trong cả nước sử dụng một cách phổ biến, thì tại Thanh Hóa, việc triển khai các ứng dụng này trong hoạt động còn rất hạn chế. Bước đầu, mới chỉ có một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội, website. Đối với việc tìm kiếm thông tin, hình ảnh du lịch Thanh Hóa thông qua các website, fan page thì du khách chỉ tiếp cận được một lượng thông tin rất sơ sài từ một số trang thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc một vài đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Đại Dương (TP Thanh Hóa) cho biết: Năm 2017, đơn vị chúng tôi bắt đầu cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến đến khách hàng. Ban đầu, việc kinh doanh trực tuyến gặp khá nhiều khó khăn, cả về việc cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng dẫn đến lượng khách hạn chế. Đến nay, doanh thu từ kênh giao dịch này đã bắt đầu ổn định, chiếm tới 30% tổng doanh thu. Trong đó, tập trung là nhóm đối tượng khách lẻ, khách nước ngoài. Mặc dù thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dịch vụ lữ hành tạm ngừng, song chúng tôi xác định sẽ tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các tính năng giao dịch trên website và fanpage nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đối với lĩnh vực lữ hành, việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động cung cấp dịch vụ trực tuyến, chăm sóc khách hàng bước đầu mới chỉ dừng lại ở một số doanh nghiệp có tiềm lực lớn. Về phía lĩnh vực lưu trú, chủ yếu tập trung ở hệ thống khách sạn 4 - 5 sao như: Mường Thanh, Vinpearl, Central, FLC Sầm Sơn... Hầu hết các cơ sở lưu trú này đã số hóa các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chăm sóc khách hàng, đồng thời tham gia vào hệ thống cung cấp phòng của các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như: Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com... Đây là những kênh giới thiệu sản phẩm với hình thức và nội dung phong phú nhất, cộng thêm việc triển khai thanh toán trực tuyến nên tỷ lệ giao dịch thành công cao.

Ông Lê Đức Sinh, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý và kinh doanh dịch vụ du lịch được Tập đoàn Mường Thanh nói chung, Mường Thanh Thanh Hóa nói riêng đặc biệt chú trọng. Cùng với việc số hóa dữ liệu quản lý công việc, Khách sạn Mường Thanh còn tích cực tham gia các kênh bán hàng OTA (Online Travel Agent). Ngoài ra, khách hàng có thể booking online trên hệ thống booking.muongthanh.com. Tại đây, khách hàng được cung cấp thông tin chi tiết, hình ảnh về các hạng phòng, mức giá, chương trình ưu đãi và tình trạng phòng.

Nhìn nhận thẳng thắn vào những tồn tại, hạn chế, đại diện một số doanh nghiệp du lịch cũng đã chỉ ra rằng, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để giúp du khách tiếp cận với du lịch thông minh, nhưng việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động cung cấp dịch vụ vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ. Với các doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa, đây được xem là “cuộc chơi” đầy thử thách khi đa phần quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, cũng không thể so sánh việc chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa với một số địa phương khác trong cả nước. Bởi, hệ thống cơ sở hạ tầng nền tảng cho việc ứng dụng du lịch thông minh hiện chưa được đầu tư đồng bộ. Trong khi, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch cần có nền tảng công nghệ 4.0 mạnh, hệ thống số hóa thông tin về du lịch, về sản phẩm dịch vụ... để đáp ứng nhu cầu của du khách. Việc số hóa không chỉ cần đầu tư lớn về kinh phí mà sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp và quy trình kinh doanh. Đây là sự thay đổi mà không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng để bước vào “cuộc chơi lớn”.

Theo các chuyên gia lĩnh vực du lịch, ở bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là một hướng đi cơ bản góp phần thúc đẩy du lịch phát triển trở lại trong những năm tới. Đồng thời khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu giúp phục hồi những thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra cho ngành du lịch. Hy vọng, trước những đòi hỏi bức thiết của ngành “công nghiệp không khói”, tỉnh Thanh Hóa sẽ có những bước chuẩn bị nghiêm túc, huy động được sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển sâu rộng trong hoạt động du lịch sau đại dịch.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]