(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, lượng khách đến với các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu còn ở mức thấp. Theo nhiều chuyên gia và khách du lịch, thì sản phẩm du lịch biển xứ Thanh vẫn còn khá đơn điệu.

Chú trọng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm du lịch biển

Trong những năm gần đây, lượng khách đến với các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu còn ở mức thấp. Theo nhiều chuyên gia và khách du lịch, thì sản phẩm du lịch biển xứ Thanh vẫn còn khá đơn điệu.

Chú trọng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm du lịch biểnBãi biển Sầm Sơn có nhiều thế mạnh để trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.

Nhiều tiềm năng để trở thành điểm sáng

Với đường bờ biển dài 102km, Thanh Hóa sở hữu nhiều bãi tắm đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Tiên Trang (huyện Quảng Xương), Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn)...

Trong những năm qua, sản phẩm du lịch biển được tỉnh xác định là sản phẩm thế mạnh. Theo đó, để tạo đà cho sản phẩm này tiếp tục phát triển, cùng với việc đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường du lịch, tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá; cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích, tạo điều kiện để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô, dịch vụ du lịch, góp phần đem đến diện mạo mới cho sản phẩm du lịch biển.

Cùng với đó, nhằm thu hút sự quan tâm của du khách, tăng sự hấp dẫn của các điểm đến, nhiều hoạt động, dịch vụ du lịch mới được đầu tư đưa vào phục vụ khách du lịch như: huyện Hoằng Hóa với lễ hội du lịch biển Hải Tiến được tổ chức thường niên, khai thác tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, hình thành các homestay, trải nghiệm du lịch dù lượn; TP Sầm Sơn với lễ hội Tình yêu, làng bích hoạ, dịch vụ mô tô nước, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm. Đặc biệt là lễ hội du lịch biển Sầm Sơn được tổ chức thường niên, với chuỗi hoạt động hấp dẫn như lễ hội ánh sáng, Carnaval đường phố, các giải đấu thể thao...; thị xã Nghi Sơn có lễ hội du lịch biển. Cùng với đó, các địa phương vùng biển còn có lễ hội Cầu Ngư được tổ chức thường niên. Ngoài ra, một số khu du lịch biển mới đang dần hình thành, bước đầu thu hút được sự quan tâm của du khách như: Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn), một số khu ven biển huyện Quảng Xương.

Đến nay, sản phẩm du lịch biển đã từng bước tạo dựng được thương hiệu nổi trội tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch từ trung đến cao cấp. Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, các khu du lịch biển đón được 32 triệu lượt khách (chiếm 75,2% tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh). Đặc biệt, tại Lễ vinh danh và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2017, Sầm Sơn được vinh danh là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu của Việt Nam - giải thưởng đã góp phần khẳng định hình ảnh, vị trí của du lịch biển Sầm Sơn nói riêng và du lịch biển Thanh Hóa nói chung trên bản đồ du lịch Việt Nam, đánh dấu bước đột phá của du lịch biển Thanh Hóa.

Về triển vọng, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, sản phẩm du lịch biển của Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để vươn lên trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn và có vị thế cạnh tranh cao so với các điểm đến trong nước và một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, để làm được điều này, sản phẩm du lịch biển xứ Thanh cần được nâng tầm giá trị, chất lượng sản phẩm, lấy đó làm cơ sở để đẩy mặt bằng giá dịch vụ và tăng khả năng chi tiêu của du khách, đặc biệt là hướng tới dòng khách MICE, khách quốc tế có khả năng chi trả cao.

Nâng tầm giá trị sản phẩm

So sánh tương quan về tiềm năng, thế mạnh thì biển Thanh Hóa được đánh giá không thua kém một số địa phương trong cả nước như: Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng... Hạ Long hiện là điểm đến hấp dẫn nhờ nỗ lực xây dựng thương hiệu của khu du lịch biển Bãi Cháy nổi tiếng. Với Phú Quốc, các bãi biển như: bãi Trường, bãi Dài, bãi Sao, bãi Khem cũng đã góp phần quan trọng để Phú Quốc trở thành điểm đến nổi tiếng thế giới về du lịch biển. Biển Nha Trang, với bãi tắm đẹp, trong xanh, cát trắng trải dài tít tắp... được đông đảo du khách mệnh danh đẹp tựa thiên đường. Và với biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), nơi đây được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh trong năm 2006. Với cung đường biển uốn lượn hình lưỡi liềm và cùng với vẻ yên tĩnh, thanh bình của bờ biển sau hàng dương, bãi biển Mỹ Khê thu hút hàng triệu khách du lịch hằng năm...

Nhìn lại du lịch biển xứ Thanh, ít nhiều không khỏi chạnh lòng. Bởi, trung tâm du lịch biển Sầm Sơn được mệnh danh là bãi tắm đẹp nhất Đông Dương, được người Pháp đưa vào khai thác từ những năm đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, nếu không kể tên Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, thì các hoạt động chủ yếu của du khách khi đến biển Sầm Sơn chỉ để tắm biển, ăn uống và tham quan một số di tích như đền Độc Cước, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái. Do đó, thời gian lưu trú tập trung chủ yếu vào 2 - 3 ngày cuối tuần, việc chi tiêu phần lớn dành cho việc ăn uống và dịch vụ lưu trú, có chăng khách sử dụng thêm dịch vụ vận tải bằng xe điện.

Không chỉ Sầm Sơn, mà các khu du lịch mới được đầu tư, đưa vào khai thác trong khoảng 10 năm trở lại đây như: Hải Tiến, Hải Hòa, Bãi Đông, Tiên Trang... thị trường khách chủ yếu vẫn là khách nội địa, các hoạt động, trải nghiệm còn trùng lặp, chưa tạo được sự đột phá ở những điểm đến mới.

Cũng khó cho các khu du lịch biển trong việc kéo dài thời gian lưu trú của du khách, khi hiện nay cơ sở vật chất du lịch cao cấp còn hạn chế, các dịch vụ vui chơi, giải trí đi kèm, sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chất lượng dịch vụ chưa cao, một số điểm đến hạ tầng còn hạn chế... Do vậy, mặc dù lượng khách có chiều hướng tăng trưởng mạnh, song phần lớn chỉ tập trung vào các hoạt động tắm biển, tham quan, ăn uống. Trong khi đó, thời gian lưu trú chủ yếu tập trung vào những ngày cuối tuần, khả năng chi tiêu của khách du lịch đến với các khu du lịch biển Thanh Hóa còn ở mức rất thấp.

Theo một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, thay vì cạnh tranh bằng giá, du lịch biển Thanh Hóa nên tập trung nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm du lịch. Bởi, một trong những mục tiêu cụ thể mà hoạt động du lịch đặt ra là tăng trưởng lượng khách, thế nhưng việc tăng khả năng chi tiêu của du khách mới là đích đến cuối cùng, điều đó khẳng định sự hấp dẫn ở dịch vụ, chất lượng của mỗi điểm đến.

Để làm được điều đó, trước hết cần quan tâm, chú trọng đến vấn đề nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm du lịch biển Thanh Hóa, lấy đó làm cơ sở đưa mặt bằng giá lên cao. Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và chú trọng đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: vui chơi giải trí, đồ lưu niệm, các khu thể thao, trung tâm dịch vụ thương mại... nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách. Mặt khác, cần có chiến lược liên kết, đầu tư thâm nhập thị trường khách quốc tế và nội địa từ những trọng điểm đón và phân phối khách lớn trong cả nước, trước hết nhằm đem lại lợi nhuận trong hoạt động du lịch, tiếp đến là học hỏi kinh nghiệm, hướng phát triển và nâng tầm sản phẩm.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]