(Baothanhhoa.vn) - Sự song hành của 3 yếu tố “con người”- “cơ sở vật chất” - “chính sách” tạo ra thế chân kiềng phát triển của ngành du lịch. Trong đó, con người – mà trực tiếp là đội ngũ nhân lực – được xem là nhân tố trọng tâm nhất. Chính vì lẽ đó, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng đang là vấn đề đặt ra cho toàn ngành du lịch, trong đó có du lịch Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cân đối “lượng” – “chất” trong xây dựng đội ngũ nhân lực

Sự song hành của 3 yếu tố “con người”- “cơ sở vật chất” - “chính sách” tạo ra thế chân kiềng phát triển của ngành du lịch. Trong đó, con người – mà trực tiếp là đội ngũ nhân lực – được xem là nhân tố trọng tâm nhất. Chính vì lẽ đó, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng đang là vấn đề đặt ra cho toàn ngành du lịch, trong đó có du lịch Thanh Hóa.

Cân đối “lượng” – “chất” trong xây dựng đội ngũ nhân lực

Du lịch cộng đồng cần có sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Trong ảnh: Người dân bản Hiêu chuẩn bị bữa ăn cho khách du lịch.

Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL), thì tính đến hết năm 2018, tổng số lao động ngành du lịch là 28.400 người. Trong đó, lao động có trình độ đại học là 2.500 người, chiếm 8,8%; trình độ cao đẳng, trung cấp là 8.000 người, chiếm 28,2%; lao động qua đào tạo nghề là 11.320 người, chiếm 39,9% và lao động chưa qua đào tạo là 6.580 người, chiếm 23,2%. Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều đề án liên quan, như Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Thanh Hóa đến năm 2020”; “Nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; “Xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp du lịch, theo mô hình chuẩn quốc tế giai đoạn 2017-2020”...

Theo đó, trong vài năm trở lại đây, ngành VHTT&DL, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch và cán bộ các ngành có liên quan như xuất nhập cảnh, cửa khẩu được bồi dưỡng các kiến thức, nghiệp vụ quản lý chuyên sâu. Đồng thời, các đối tượng là quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên các khu, điểm du lịch cũng được bồi dưỡng kiến thức về quản lý, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ sở có chức năng đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh như Trường Đại học VHTT&DL, Đại học Hồng Đức, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công thương và Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Đồng thời, khung chương trình đào tạo đã và đang từng bước áp dụng theo tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS.

Song song với đó, nhiều doanh nghiệp du lịch lớn cũng đã chủ động tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động tại chỗ. Một số doanh nghiệp đã xây dựng trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lao động; hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học và chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động. Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và văn hóa giao tiếp ứng xử cho cộng đồng dân cư cũng là một nội dung được Sở VHTT&DL cùng một số địa phương trọng điểm du lịch quan tâm. Theo đó, đã có khoảng 80% lao động cộng đồng tham gia kinh doanh dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, được bồi dưỡng kỹ năng nghề du lịch và văn hóa giao tiếp ứng xử trong kinh doanh du lịch.

Theo kế hoạch đến năm 2020 (năm cuối thực hiện chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020), tổng số lao động ngành du lịch sẽ là 40.000 người, trong đó, lao động qua đào tạo chiếm 80%. Nếu dựa trên tốc độ phát triển ngành du lịch hiện nay, thì mục tiêu trên có nhiều khả năng được hiện thực hóa. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, mặc dù có thể đạt được mục tiêu về số lượng hay tỷ lệ đào tạo; vậy còn chất lượng sẽ có sự chuyển biến ra sao? Điều này chỉ có thể được phản ánh thông qua chất lượng các dịch vụ du lịch được cung cấp và sự hài lòng của du khách.

Có một thực tế là, mặc dù chú trọng đến chất lượng nhân lực thông qua việc đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Song, khách quan nhìn nhận, việc đào tạo, bồi dưỡng hiện cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đó là khung chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết; môi trường thực hành cho lao động chưa tương xứng. Đặc biệt, Thanh Hóa hiện vẫn thiếu các chuyên gia, nghệ nhân giỏi trong lĩnh vực du lịch. Điều đó dẫn đến việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng hay truyền nghề, truyền kinh nghiệm cho người lao động chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

Trong khi, đội ngũ quản lý du lịch có trình độ chuyên môn cao, nắm giữ một số nhiệm vụ quan trọng tại các huyện, thị xã, thành phố hoặc các khu điểm du lịch trọng điểm, để thực hiện vai trò quản lý, tham mưu xây dựng chính sách và triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan... hiện vẫn chưa nhiều, nếu không muốn nói là hiếm hoi. Đặc biệt, số lượng lao động du lịch luôn có sự biến động, do hoạt động du lịch vẫn còn mang nặng tính mùa vụ. Ngoài ra, không phải ở đâu và lúc nào, tầm quan trọng của nguồn nhân lực cũng được nhận thức một cách đúng đắn. Do đó, không nhiều địa phương và doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản, ổn định và bền vững.

Cân đối giữa hai yếu tố “lượng” và “chất” trong xây dựng đội ngũ là vấn đề đặt ra cho du lịch Thanh Hóa hiện nay. Từ đó, có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, khen thưởng, nhằm thu hút và giữ chân người lao động có trình độ, năng lực và tay nghề cao vào lĩnh vực du lịch.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]