(Baothanhhoa.vn) - Trải qua hơn 6 thế kỷ tồn tại, ngoài bốn bức tường thành còn khá nguyên vẹn, còn lại hầu hết các công trình gắn liền với di sản đã vùi sâu dưới lòng đất hoặc hoàn toàn biến mất. Chính vì lẽ đó, công tác bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã và đang là “đề tài mở” cho giới chuyên gia, nhằm tìm ra cách thức bảo tồn phù hợp với yêu cầu của UNESCO cũng như với chính di sản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ – “đề tài mở” cho giới chuyên gia

Trải qua hơn 6 thế kỷ tồn tại, ngoài bốn bức tường thành còn khá nguyên vẹn, còn lại hầu hết các công trình gắn liền với di sản đã vùi sâu dưới lòng đất hoặc hoàn toàn biến mất. Chính vì lẽ đó, công tác bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã và đang là “đề tài mở” cho giới chuyên gia, nhằm tìm ra cách thức bảo tồn phù hợp với yêu cầu của UNESCO cũng như với chính di sản.

Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ – “đề tài mở” cho giới chuyên gia

Hiện trạng hố khai quật trong khu vực Nội thành Di sản Thành Nhà Hồ.

Còn nhớ cách đây 10 năm, vào những ngày đầu năm Tân Mão 2011, tỉnh Thanh Hóa đón đoàn ngoại giao của 21 quốc gia thường trực Ủy ban Di sản thế giới đến thăm Thành Nhà Hồ. Đây là thời điểm hết sức “nhạy cảm”, bởi ý kiến của các thành viên đoàn ngoại giao sẽ góp tiếng nói quyết định đến “tương lai” của di sản. Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam lúc bấy giờ, bà Ca-thê-lin Mu-lơ Ma-rin, không chỉ ghi nhận sự độc đáo và giá trị của tòa thành, mà còn đặc biệt nhấn mạnh đến công tác bảo tồn và nhất là các cơ chế chính sách của Việt Nam nếu Thành Nhà Hồ được UNESCO phê duyệt trở thành di sản văn hóa thế giới. Như vậy, không phải đến bây giờ, mà ngay trước thời điểm Thành Nhà Hồ chính thức bước chân vào “ngôi đền di sản” của nhân loại, thì vấn đề bảo tồn di sản đã được đặt ra.

Là một trong những người gắn bó với công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ Thành Nhà Hồ, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã có nhiều chia sẻ hết sức thú vị và ý nghĩa liên quan đến cách thức bảo tồn di sản. Theo ông, muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trước hết phải bắt đầu bằng việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu và quản lý, bảo vệ di sản một cách hợp lý. Phải quản lý như thế nào để di sản không bị xuống cấp, phá hoại; đồng thời gìn giữ được môi trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp và quan trọng hơn là làm sao để người dân sống cạnh di sản tham gia bảo vệ di sản. Nhiều giá trị của tòa thành hiện vẫn còn ẩn sâu dưới lòng đất, cho nên việc nghiên cứu cần vươn đến các giá trị còn tiềm ẩn ấy, nhằm làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn hay phục dựng khi có đủ cơ sở và điều kiện cho phép. Đây là một kế hoạch tổng thể, lâu dài và không hề dễ dàng, song vẫn có thể được hiện thực hóa nếu được làm một cách bài bản, khoa học và có sự quan tâm đầu tư nguồn lực thỏa đáng.

Để khởi động cho công cuộc bảo tồn các giá trị của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án khai quật khảo cổ học tổng thể khu di sản giai đoạn 2013-2020, với diện tích khai quật là 56.000m2, tổng kinh phí hơn 87 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là tập trung nghiên cứu, tìm hiểu dấu tích Chính điện trung tâm kinh đô (khu vực Nội thành); phát lộ toàn bộ dấu tích con đường Hoàng Gia nhằm làm rõ trục trung tâm của quy hoạch kinh đô trong sự kết nối với Chính điện trung tâm. Đối với 4 cửa thành và cấu trúc của các trục giao thông chính trong nội thành, việc khai quật nhằm tìm lại các sân nền, đường đi để phục vụ quy hoạch đón khách tham quan và tôn tạo 4 cửa thành kết hợp với tiêu thoát nước trong thành. Đối với Hào thành, việc khai quật nhằm tìm lại quy mô cấu trúc các đoạn hào đã bị san lấp, từ đó cung cấp tư liệu khôi phục lại Hào thành... Theo đó, trong các năm 2015, 2016, 2018, 2019, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành khai quật 12.000m2 Hào thành phía Nam, Bắc, Đông, Tây. Đồng thời, phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện nghiên cứu khai quật khu vực Chính điện Thành nội và các khu vực xung quanh, nhằm dò tìm dấu tích Chính điện, Đông Thái miếu, Tây Thái miếu.

Gần đây nhất, cuộc khai quật năm 2020 có quy mô tương đối lớn, đã thu được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Đây là lần đầu tiên, giới chuyên gia có thể nhận diện tương đối rõ nhiều di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau thuộc Vương triều Hồ tại Thành Nhà Hồ. Đồng thời, cuộc khai quật cũng phát hiện thêm một số dấu tích kiến trúc thuộc thời Lê sơ (thế kỷ XV), thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVI, XVII) minh chứng cho quá trình sử dụng lâu dài Thành Nhà Hồ trong lịch sử. Qua đó, góp thêm nhiều tư liệu mới phục vụ dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc tòa thành. Nhiều kết quả nghiên cứu cũng đã thống nhất rằng, trong Thành Nhà Hồ, ngoài Chính điện, Đông Thái miếu, Tây Thái miếu, thì chính sử còn ghi có nhiều cung điện khác như cung Phù Cực, cung Nhân Thọ... Song, để nhìn nhận rõ thêm diện mạo tổng thể của Khu Di sản Thành Nhà Hồ thì cần rất nhiều đợt khai quật, nghiên cứu công phu. Theo như kinh nghiệm của một số nước trong việc bảo tồn các di sản văn hóa thế giới, chẳng hạn như Italia “thiên về bảo tồn thay vì làm mới”, Singapo thì “giữ lại tối đa, phục hồi nhanh chóng, sửa chữa cẩn thận”... Còn với Việt Nam, đây vẫn là vấn đề tương đối mới và hầu hết đang dừng lại ở việc nghiên cứu để cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước tìm ra phương pháp bảo tồn các di sản một cách tối ưu. Riêng với Thành Nhà Hồ, một số nhận định cho rằng, trước hết cần giữ gìn nguyên trạng, tiếp đó nếu được sự đồng thuận cao thì có thể phục hồi một số đoạn, một số kiến trúc.

Di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận có vùng đệm trải dài trên nhiều khu vực bao gồm 8 xã và 1 thị trấn nên việc khảo sát, nghiên cứu và thu thập các thông tin phục vụ công tác khoanh vùng, chia ranh giới các di tích, hang động đòi hỏi thời gian lâu dài, kinh phí lớn và cần có sự phối hợp của các địa phương, đơn vị để thực hiện. Bên cạnh đó, do di sản nằm giữa khu vực dân cư sinh sống đông đúc, diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân địa phương chưa được thu hồi, nên việc sản xuất nông nghiệp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên, cũng như công tác quản lý của ngành chức năng. Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn, bảo vệ Di sản Thành Nhà Hồ đang đặt ra yêu cầu đó là bảo đảm các yếu tố “toàn vẹn” và “xác thực”. Trong khi các làng, xã cạnh di sản không thể “bê” đi nơi khác và nâng cao đời sống người dân lại thường gắn với phát triển kinh tế, đô thị hóa, gia tăng dân số... Để hài hòa được vấn đề có tính mâu thuẫn này, thì khơi dậy niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của người dân mới là điều kiện cần; còn điều kiện đủ phải là phát huy được giá trị di sản gắn với lợi ích cộng đồng, để người dân địa phương gắn bó và bảo vệ di sản.

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ được vinh danh năm 2011 trên cơ sở 2 tiêu chí nổi bật toàn cầu; trong đó có tiêu chí về giá trị kiến trúc cảnh quan vĩ đại và độc đáo bậc nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. UNESCO cho rằng, việc ghi nhận giá trị di sản thế giới của Thành Nhà Hồ chủ yếu là công nhận tòa thành đá kỳ vĩ. Trong khi, những giá trị của di sản còn thiếu sẽ minh chứng cho sự tồn tại của các di tích kiến trúc của tòa thành. Do vậy UNESCO khuyến cáo cần đẩy mạnh công tác khai quật khảo cổ. Những kết quả bước đầu từ việc khai quật, nghiên cứu khảo cổ đã minh chứng tiềm năng to lớn của di sản dưới lòng đất của Thành Nhà Hồ. Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam qua quá trình khai quật khảo cổ năm 2020, thì trong tương lai, nếu từng bước nghiên cứu, có thể dần dần khôi phục được hầu hết mặt bằng của kinh đô như kiểu di sản thế giới Nara (Nhật Bản). Qua đó, tiếp tục minh chứng và làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thành Nhà Hồ. Đồng thời, di sản này có thể sẽ dần trở thành một loại hình Di tích có dấu tích mặt bằng tổng thể tương đối toàn diện, độc đáo và có giá trị hàng đầu ở Việt Nam và khu vực.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]