(Baothanhhoa.vn) - Không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề, trong suốt 2 năm qua, mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch gần như “đóng băng”. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước mở cửa hoạt động du lịch, hướng đến mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Du lịch Thanh Hóa thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới

Bài cuối: Quyết tâm cao, kỳ vọng lớn về sự bứt phá của ngành công nghiệp không khói

Không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề, trong suốt 2 năm qua, mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch gần như “đóng băng”. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước mở cửa hoạt động du lịch, hướng đến mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Bài cuối: Quyết tâm cao, kỳ vọng lớn về sự bứt phá của ngành công nghiệp không khóiViệc các hãng hàng không tăng tần suất các chuyến bay an toàn đi/đến Cảng Hàng không Thọ Xuân được xem là tín hiệu tích cực cho phục hồi du lịch trong tình hình mới. Ảnh: Hoài Anh

Tin liên quan:
  • Bài cuối: Quyết tâm cao, kỳ vọng lớn về sự bứt phá của ngành công nghiệp không khói
    Bài 2: Xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng với tình hình mới

    Với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, trong thời gian qua tỉnh Thanh Hóa thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch an toàn, cao cấp, có tính cạnh tranh cao. Đây được xác định là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực, tính hấp dẫn của điểm đến và thích ứng với tình hình mới.

Ngay từ giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa đã xác định mục tiêu phát triển du lịch cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã khẳng định mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Kết quả là giai đoạn 2015-2019, du lịch Thanh Hóa đã có nhiều bước tiến rõ rệt, uy tín và thương hiệu du lịch dần được khẳng định. Giai đoạn này, các chỉ tiêu kinh tế du lịch có tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng về lượt khách đạt 16,3%/năm; tổng thu du lịch tăng 31,5%/năm. Tính đến năm 2019, Thanh Hóa xếp thứ 4 cả nước về lượt khách và xếp thứ 10 cả nước về tổng thu du lịch.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng, tác động tiêu cực chưa từng có đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trước những khó khăn do tình hình khách quan đem lại, để đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã xác định hướng đi cho ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Trong đó tập trung phát triển du lịch an toàn, linh hoạt “sống chung với COVID-19” và thích ứng với “trạng thái bình thường mới”, từng bước xây dựng và duy trì các “điểm đến xanh”, “hành trình xanh” để thu hút du khách. Đồng thời huy động được sự vào cuộc tích cực, chủ động từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo nguyên tắc “Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”. Với mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra trong quá trình khôi phục, du lịch Thanh Hóa đã từng bước mở cửa theo phương châm “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” và vừa làm vừa hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, triển khai kịch bản khôi phục du lịch của tỉnh theo lộ trình: tập trung thu hút khách nội tỉnh và khách du lịch nội địa, chuẩn bị các điều kiện để đề xuất Chính phủ cho đón khách du lịch quốc tế sau khi thí điểm thành công tại một số địa phương trong cả nước.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động du lịch. Cùng với đó, chủ động, sáng tạo và linh hoạt, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền và tổ chức các sự kiện du lịch. Trong suốt 2 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch cụ thể, là địa phương được đánh giá tiên phong trong việc thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch. Trước mắt, để vực dậy cả thế là lực, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc định hướng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo khởi nghiệp cho doanh nghiệp; triển khai nhanh chóng các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong tỉnh; thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo môi trường minh bạch, thông thoáng; định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn... Nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận và tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, hoạt động du lịch vẫn có những tín hiệu khả quan.

Trong 2 năm 2020 và 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thu hút đầu tư du lịch vẫn rất mạnh mẽ, tỉnh đã khởi công và chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe, điển hình như: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn của Tập đoàn Sun Group; Dự án Flamingo Linh trường Khu B tại huyện Hoằng Hóa của Tập đoàn Flamingo; Khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương) của Tập đoàn Sun Group. Cùng với đó, một số dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành các thủ tục chấp thuận như: Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (Như Thanh) của Tập đoàn Sun Group; Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (Quảng Xương) của Công ty CP ORG; Khu du lịch Hoằng Phụ; Dự án TNG Hà Long Golf & Resort, Nông nghiệp Công nghệ cao TNGreen; Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch ven sông Mã (Tập đoàn FLC); Dự án Khu du lịch Hàm Rồng (Tập đoàn T&T)... Cùng với đó, nhiều sản phẩm du lịch mới, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm không gian trong lành, thoáng đãng dành cho khách du lịch cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm như: bong bóng du lịch của khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, du lịch không chạm tại các khu nghỉ dưỡng sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước).

Tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (tháng 12-2021) về tình hình triển khai các hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Trước yêu cầu phát triển du lịch trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, từng bước khôi phục hoạt động du lịch an toàn, bền vững, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục tập trung ý chí, nguồn lực để nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch. Đồng thời, tận dụng cơ hội, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là xã hội hóa để phát triển du lịch theo hướng an toàn, bền vững; có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có tính cạnh tranh. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: (1) Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; (2) Chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn với những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, nhanh chóng tạo sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh thu hút khách du lịch; (3) Tập trung chỉ đạo các ngành triển khai nhanh các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch; (4) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; (5) Tăng cường liên kết các tỉnh, thành phố kết nối tạo hành lang an toàn thu hút khách du lịch; (6) Chỉ đạo tập trung các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch, hợp tác với các hãng hàng không mở lại, mở mới đường bay an toàn.

Có thể nói, trong suốt 2 năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều thời điểm hoạt động du lịch gần như “tê liệt”, các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch đạt được cũng khá khiêm tốn do lượng khách đến Thanh Hóa giảm đáng kể. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và cả cộng đồng, doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá quan trọng, qua đó vừa quảng bá hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, vừa góp phần kích cầu du lịch. Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch vẫn rất mạnh mẽ, với nhiều dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe cao cấp của các tập đoàn lớn đã được khởi công và chấp thuận đầu tư. Đây là tiền đề, là cơ sở quan trọng để tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng vào sự bứt phá của ngành “công nghiệp không khói” trong bối cảnh bình thường mới.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]