(Baothanhhoa.vn) - Di sản thiên nhiên và văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút riêng cho du lịch mỗi địa phương. Khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng của huyện Bá Thước trong lộ trình phát triển du lịch cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Di sản thiên nhiên và văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút riêng cho du lịch mỗi địa phương. Khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng của huyện Bá Thước trong lộ trình phát triển du lịch cộng đồng.

Lễ hội đua thuyền - tài nguyên trong phát triển du lịch cộng đồng ở Bá Thước.

Kho tàng văn hóa phong phú

15 năm mới có dịp quay trở lại bản Kho Mường, xã Thành Sơn, thay vì ngồi sau chiếc Minsk “khù khờ” của chàng trai bản địa đi trên con đường đá lởm chởm, ngoằn ngoèo một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm và mất gần buổi sáng đi từ phà La Hán mới đến nơi, giờ đây chỉ cần ngồi trong ô tô đi trên con đường bằng phẳng khoảng 45 phút là đến Kho Mường. Nhìn từ trên cao, Kho Mường hiện ra với vẻ đẹp đơn sơ, bình dị và hút hồn du khách đến lạ kỳ. Ôm trọn những ngôi nhà sàn nằm sát chân núi là những cánh rừng già hoang sơ như che chở, bảo vệ bản làng.

Đồng chí Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: Hồn cốt của đồng bào Thái Kho Mường chính là những ngôi nhà sàn, nó không chỉ là nơi ở mà còn là một không gian sinh hoạt tinh thần, chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục lâu đời của người Thái. Vì thế, nhiều gia đình trong bản đã đầu tư xây dựng lại ngôi nhà sàn truyền thống để đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, dã ngoại và trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào. Thời điểm tuyệt vời nhất để khám phá vẻ đẹp Kho Mường là tầm tháng 5 và tháng 10 - vào mùa lúa chín. Khi đó, bản hiện lên với vẻ đẹp trù phú, rực rỡ sắc vàng xen lẫn sắc xanh mượt mà của tán rừng, thấp thoáng những nếp nhà sàn nằm ven đồi tạo nên bức tranh thơ mộng và quyến rũ lòng người.

Trong căn nhà sàn truyền thống của gia đình ông Lò Văn Nam, các thành viên đang dọn dẹp lại nhà cửa để chuẩn bị đón đoàn khách đến nghỉ dưỡng. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình ông đã chủ động tu sửa, xây thêm nhà vệ sinh, mua thêm đồ dùng, thiết bị sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu của du khách. Các thành viên trong gia đình còn phân công nhau đưa du khách đến tham quan hang Dơi, đồng lúa, tắm suối, một số điểm du lịch sinh thái Pù Luông; nấu cho khách thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Đối với ông Nam, ngôi nhà giờ đây vừa là nơi để ở vừa là nơi gia đình phát triển kinh tế từ loại hình du lịch homestay.

Không chỉ có nét văn hóa nhà sàn của đồng bào Mường, Thái mà Bá Thước còn có một kho tàng văn hóa nhân văn khá phong phú, đa dạng, được cấp tỉnh xếp hạng và nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên đã, đang được khai thác, như: Di tích khảo cổ Mái Đá Điều (xã Hạ Trung); Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thác Muốn (xã Điền Quang), hồ Thạch Minh (xã Điền Hạ), thác Hiêu (xã Cổ Lũng), hang Tống Duy Tân (xã Thiết Ống), hang Dơi (xã Thành Sơn)... Bên cạnh đó, Bá Thước còn tự hào là cái nôi của sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường, “Khăm Panh” của người Thái và được coi như vùng đất cổ với những sự tích “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc”; các thể loại thơ ca tục ngữ truyện dân gian, hát ru em, hát đố, đồng dao...; các làn điệu dân ca, dân vũ múa sạp, múa xòe, múa trống chiêng, khặp giao duyên, kin chiêng boọc mạy của đồng bào dân tộc Mường, Thái được biểu diễn trong các lễ hội Mường Khô, Mường Khoòng, Pồn Pôông làm say đắm lòng người. Nơi đây còn có nguồn sản vật phong phú đa dạng từ rừng, hoàn toàn có thể làm hài lòng du khách phương xa với những món ăn dân dã mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hương vị của núi rừng như gà đồi, ốc đá, măng chua, canh đắng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, vịt Cổ Lũng, rượu ngô, rượu cần...

Tài nguyên để phát triển du lịch

Phát huy lợi thế về kho tàng văn hóa nhân văn phong phú cùng với hệ sinh thái rừng đa dạng là điều kiện thuận lợi để huyện Bá Thước khai thác, phát triển du lịch.

Đồng chí Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Sau khi Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu gìn giữ bản sắc văn hóa, môi trường cảnh quan, bảo đảm phát triển bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch của địa phương, tạo ra điểm nhấn riêng biệt. Trong đó, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết tự hào, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng kế hoạch để bảo tồn và giới thiệu những nét đẹp của đồng bào các dân tộc trong huyện đến với du khách thông qua các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng theo hình thức nghỉ dưỡng, tham quan cảnh quan thiên nhiên, du lịch văn hóa – di tích lịch sử, tham gia sinh hoạt của cộng đồng dân cư, thưởng thức phong cách ẩm thực truyền thống, phục vụ khách du lịch tại gia đình (homestay). Hình thành các điểm sản xuất nghề truyền thống (đồ thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm...) để vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, vừa nâng cao thu nhập cho người dân. Các làng nghề du lịch như nghề dệt thổ cẩm tại làng Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm), bản Đôn (xã Thành Lâm), bản Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Tôm (xã Ban Công) đã được khôi phục. Điển hình như mô hình dệt thổ cẩm của phụ nữ thôn Lặn Ngoài đã thu hút 96 thành viên tham gia, bình quân mỗi tháng chị em có thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người. Tương tự, mô hình dệt thổ cẩm ở thôn Tôm, xã Ban Công cũng bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút 40 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác sưu tầm, khôi phục việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào Thái và xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới xin, ma chay, lễ hội...; bảo tồn các làn điệu dân ca, điệu múa, lễ hội trong các hội thi, hội diễn và được đánh giá cao.

Tuy nhiên, qua thời gian phát huy các giá trị nhân văn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, huyện cũng gặp những khó khăn, như: Số lượng nhạc cụ dân gian của đồng bào các dân tộc Thái, Mường (cồng chiêng, sáo ôi, khèn bè...) có chiều hướng giảm dần; số người biết chơi nhạc cụ dân tộc, biết khặp Thái, xường Mường ngày càng ít; kiến trúc dân gian của đồng bào Thái, Mường (nhà sàn truyền thống) ở một số xã đang mất dần; nghề thủ công truyền thống của đồng bào đang dần bị mai một. Một bộ phận thế hệ trẻ không tha thiết với sinh hoạt văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống. Nguồn kinh phí, phương tiện, con người để đầu tư cho lĩnh vực này còn khó khăn. Công tác xã hội hóa về văn hóa, du lịch chưa thu hút được đông đảo nhân dân quan tâm. Một số di tích danh thắng, di tích lịch sử đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo.

Thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên để đảm bảo cuộc sống của họ với thu nhập họ có được qua việc tham gia vào hoạt động phát triển du lịch trên cơ sở khai thác những giá trị tự nhiên và văn hóa đậm đà bản sắc của địa phương. Trước hết, nhận thức này cần được nâng lên ở các “già làng, trưởng bản”, những người có uy tín, ảnh hưởng rộng rãi trong cộng đồng; tăng cường phổ biến, giải thích các quy định hiện hành về bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống đến cộng đồng; mở rộng phong trào văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật trong cộng đồng dân cư, từ đó khơi dậy tiềm năng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; khảo sát điều tra, sưu tầm các giá trị văn hóa về sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian, như: Dân ca, dân vũ, trang phục, hoa văn, nhạc cụ dân tộc; đặc biệt, chú trọng đến văn hóa cồng chiêng, sử thi, tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái. Tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; giữ gìn sắc phục của dân tộc, khuyến khích đồng bào mặc trang phục dân tộc vào các ngày lễ, tết... Khôi phục và nhân rộng các mô hình làng nghề thổ cẩm, nấu rượu cần, mây tre đan... phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cũng như đời sống của nhân dân.


Bài và ảnh: Hương Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]