“Đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chí thu nhập là “đòn bẩy” trong XDNTM nâng cao. Vì vậy, cùng với việc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) luôn coi trọng phát triển các ngành nghề nông thôn. Nhờ đó, từ một xã thuần nông với xuất phát điểm thấp, đến nay, xã Thiệu Giao đã trở thành xã NTM và đang trong lộ trình về đích xã NTM nâng cao.
Kinh tế phát triển, giúp các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ, đạt tiêu chí NTM nâng cao.
Đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của gia đình anh Lê Đình Phú, thôn Giao Đông, chúng tôi thật sự bất ngờ và cảm phục bởi khát vọng và ý chí muốn làm giàu từ đồng đất quê hương của cặp vợ chồng trẻ này. Anh Phú cho biết: Thời điểm trước năm 2016, đất canh tác của địa phương bị bỏ hoang rất nhiều do người dân đi làm ăn xa. Nhìn những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang, vợ chồng tôi quyết định thuê lại để đầu tư, sản xuất theo hướng quy mô lớn. Được xã tạo điều kiện về mặt pháp lý, năm 2018 gia đình tôi đã thuê được 15ha của các hộ có đất cho thuê".
Từ diện tích đất thuê được, vợ chồng anh Phú đã đầu tư, cải tạo lại bờ vùng, bờ thửa. Đồng thời, mua sắm các loại máy cày, bừa, máy cấy và cả máy bơm thuốc trừ sâu... với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất cũng như đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, như Bắc Thơm, Bắc Thịnh, Thái Xuyên 111..., vụ đầu tiên thu hoạch, sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh thu về 200 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, gia đình anh đã liên kết với Công ty TNHH Giống cây trồng Việt Thành (thị xã Nghi Sơn) trong việc bao tiêu sản phẩm, giúp đầu ra và giá trị thu nhập ổn định hơn, mỗi năm đem lại lợi nhuận 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Bảy, Chủ tịch UBND xã Thiệu Giao cho biết: Tuy là xã thuần nông với diện tích đất canh tác 390ha, trong đó có 370ha đất lúa. Song, do làm nông nghiệp không mấy hiệu quả nên nhiều hộ trong xã bỏ ruộng, tìm kiếm việc làm khác đem lại hiệu quả hơn. Vì vậy, có thời điểm diện tích đất bỏ hoang lên đến hàng trăm ha. Xuất phát từ thực tế đó, địa phương đã động viên và tạo điều kiện cho những hộ gia đình có nhu cầu tích tụ ruộng đất và những hộ có đất cho thuê cam kết hợp đồng có sự chứng kiến của UBND xã và HTX dịch vụ nông nghiệp. Cách làm này, đến nay gần như toàn bộ diện tích đất lúa của địa phương đã có 30 hộ có điều kiện sản xuất theo quy mô lớn tham gia ký hợp đồng. Trong đó, hộ nhiều có diện tích từ 20 - 30ha, hộ ít cũng có diện tích từ 10 - 20ha. Việc tích tụ này đã tạo điều kiện để các hộ đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung ứng, bao tiêu sản phẩm. Hiện đã có 2 doanh nghiệp đó là Công ty TNHH Giống cây trồng Việt Thành (thị xã Nghi Sơn) và Công ty TNHH Thực phẩm CNC Tâm Phú Hưng (Thiệu Hóa) ký hợp đồng với các hộ này trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Từ việc tích tụ và liên kết này, đưa giá trị thu nhập hiện nay trên ha đất canh tác của địa phương lên 90 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, đi làm ăn xa hiện được xem là nghề đem lại hiệu quả thu nhập vượt trội. Toàn xã hiện có khoảng gần 4.000 khẩu/7.000 khẩu đi làm ăn xa tập trung ở các tỉnh phía Nam với các ngành nghề như thu mua phế liệu và làm vệ sinh môi trường. Trong đó, có nhiều người đã thành lập được công ty với số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng như: Công ty Xử lý môi trường Huệ Phương của ông Lê Thiện Loát (tỉnh Tây Ninh), Công ty Xử lý môi trường Việt Khải của ông Phạm Văn Bảy (tỉnh Bình Dương và Bình Phước), Công ty Xử lý môi trường Sao Đỏ của ông Đỗ Huy Hà (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Ngoài đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam, Thiệu Giao còn có khoảng 50 - 70 lao động đi làm ăn ở nước CHDCND Lào với các nghề kinh doanh nhà hàng và thu mua phế liệu. Việc đi làm ăn xa của các hộ gia đình, không chỉ giúp cho kinh tế của gia đình trở nên khá giả, các hộ còn tham gia đóng góp xây dựng quê hương, như: ủng hộ các hộ nghèo trên địa bàn xã xây dựng nhà kiên cố, làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, xây tượng đài liệt sĩ. Điển hình có các ông: Lê Thiện Loát đã ủng hộ xây dựng tượng đài liệt sĩ trên 3 tỷ đồng; ông Phạm Văn Bảy ủng hộ xây dựng đường giao thông nông thôn trên 1 tỷ đồng..., góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có đường giao thông nông thôn với 100% đã được bê tông hóa, trong đó có 5,5km được rải thảm nhựa Asphal.
Ngoài ra, các ngành nghề khác ngay tại địa phương như nghề làm nem, nghề làm bánh đa nem và nghề mộc... cũng đem lại hiệu quả, thu nhập cao cho các hộ, đồng thời mỗi cơ sở đã tạo việc làm cho người dân trong xã.
Hiệu quả từ việc phát triển đa dạng các ngành nghề, đến nay thu nhập của người dân trong xã đạt 64 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 0,66% thuộc đối tượng bảo trợ. Kinh tế phát triển, tạo điều kiện để Thiệu Giao hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Hiện xã đang chờ Hội đồng thẩm định NTM tỉnh về thẩm định đạt NTM nâng cao trong tháng 3 tới.
Bài và ảnh: Minh Lý
{name} - {time}
-
2025-01-04 13:47:00
Đổi thay ở Mường Lát
-
2025-01-04 12:45:00
Xã vùng biên Tam Lư huy động nguồn lực XDNTM nâng cao
-
2024-02-26 10:12:00
Xây dựng nông thôn mới ở thị xã Nghi Sơn
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 1 huyện, 17 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới
Hoằng Thịnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Xã nông thôn mới kiểu mẫu Hoa Lộc
Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vùng triều ven sông Mã
Về xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Hoằng Tiến
Hoằng Quỳ khơi nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn mới
Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới
Yên Định nỗ lực xây dựng huyện NTM nâng cao