(Baothanhhoa.vn) - Ý thức, tính chuyên nghiệp của lao động địa phương luôn là vấn đề làm “đau đầu” các chủ sử dụng lao động. Từ thói quen nhỏ cho đến những “tật” cố hữu đã khiến đối tượng này đang tự làm “mất giá” trên thị trường việc làm. Câu chuyện ý thức kém của người lao động (NLĐ) thì đã rõ và hậu quả cũng chưa ai đo - đếm được, nhưng xét một cách khách quan, lỗi không chỉ thuộc về riêng NLĐ... và để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng ý thức kỷ luật cho lao động phổ thông: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Ý thức, tính chuyên nghiệp của lao động địa phương luôn là vấn đề làm “đau đầu” các chủ sử dụng lao động. Từ thói quen nhỏ cho đến những “tật” cố hữu đã khiến đối tượng này đang tự làm “mất giá” trên thị trường việc làm. Câu chuyện ý thức kém của người lao động (NLĐ) thì đã rõ và hậu quả cũng chưa ai đo - đếm được, nhưng xét một cách khách quan, lỗi không chỉ thuộc về riêng NLĐ... và để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Giờ thực hành của học sinh, sinh viên khoa cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: Trần Hằng

Thiếu ý thức tổ chức kỷ luật

Xưởng sản xuất giây da xuất khẩu của Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam, đóng trên địa bàn xã Định Liên (Yên Định) bắt đầu làm việc lúc 7h, khi quản đốc đi kiểm tra nhân lực thì phát hiện một vài vị trí trống. Vì sản xuất theo dây chuyền nên chưa đủ người thì không thể tiến hành, buộc quản lý phải bố trí người khác thay thế vào. Quá thời gian làm việc 15 đến 30 phút mới thấy những người đó đến công ty với một vài lý do như: “gia đình có chút việc”, “hỏng xe”, “con ốm”... Chị Nguyễn Thị Thu, chủ tịch công đoàn công ty cho biết: “Mặc dù ý thức của công nhân đã được nâng lên, nhưng việc lao động đi muộn, về sớm không báo trước vẫn còn diễn ra. Đó là chưa kể trong thời gian làm việc, nhiều công nhân không chú tâm, lo làm việc riêng, nói chuyện ồn ào ảnh hưởng đến tiến độ công việc và các bộ phận xung quanh”.

Cùng chung nhận định với chị Thu, hầu hết các chủ doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN tư nhân, đều cho rằng ý thức chấp hành kỷ luật của lao động phổ thông còn kém. Bên cạnh việc vi phạm giờ giấc làm việc, tình trạng mất cắp vặt, lãng phí nguyên vật liệu vẫn diễn ra tại các nhà máy, xí nghiệp sản xuất. Một số công nhân, lao động thường lợi dụng giờ nghỉ trưa hoặc giao ca, giấu nguyên vật liệu hoặc thành phẩm trong người để mang ra ngoài. Dù nhiều công ty cũng có những biện pháp như kiểm tra trước khi tan ca, nhưng chỉ mang tính hình thức cảnh báo và chỉ hạn chế được phần nào. Bên cạnh ý thức kém, việc thiếu nhân lực trong một số ngành do lao động không gắn bó với công việc đã khiến DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất.

Ông Khương Văn Tài, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Cẩm Hoàng, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) chia sẻ: “Với khoảng 90% lao động nữ, phần lớn trình độ học vấn không cao, kiến thức và sự va chạm xã hội hạn chế nên ý thức trách nhiệm là cả một vấn đề. Chưa kể đến, các chị em ở độ tuổi 18-20 (đang trong giai đoạn học nghề) thì thường bị tình cảm chi phối, ảnh hưởng lớn đến công việc; những chị em ở độ tuổi lớn hơn, tay nghề vững hơn thì lại lập gia đình, vướng bận con cái nên sẵn sàng bỏ việc để ở nhà. Do vậy, nhân lực luôn là vấn đề mà chúng tôi gặp phải trong quá trình sản xuất, đặc biệt là sau các dịp nghỉ lễ, tết”.

Đâu là nguyên nhân?

Những hạn chế của lao động phổ thông đã gây ra không ít khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các DN. Cần phải nhìn nhận cốt lõi của vấn đề để thấy được những nguyên nhân sâu xa. Ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Điều 82, Bộ luật Lao động quy định rõ: “Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh thể hiện trong nội quy lao động”. Quy định là vậy, nhưng thực tế ở tỉnh ta, không ít DN đang “đau đầu” vì ý thức và tác phong làm việc của người lao động hạn chế. Nguyên nhân là do, hầu hết lao động phổ thông làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường phần lớn xuất thân từ nông dân, quen với nếp làm việc tự do, nên thường xuyên vi phạm kỷ luật lao động. Ngoài ra, nhiều đơn vị hiện nay đang thực hiện quy định công nhân ăn lương theo sản phẩm, chưa đề ra nội quy, quy chế mang tính kỷ luật, ràng buộc cao, trong khi đó, có nhiều lao động lại mang tâm lý đi làm chỉ là công việc phụ, tranh thủ thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập... dẫn đến tình trạng thiếu tác phong công nghiệp trong đội ngũ lao động phổ thông như hiện nay.

Ông Vũ Ngọc Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức thẳng thắn: “Nói đi thì cũng phải nói lại. Thật ra, câu chuyện ý thức của lao động một phần cũng xuất phát từ phía DN. Nếu DN ăn nên làm ra, thực hiện đầy đủ quy định về pháp luật lao động, chế độ đãi ngộ thỏa đáng sẽ tạo động lực cho NLĐ gắn bó, cống hiến. Ngược lại, họ không đảm bảo đời sống tối thiểu cho NLĐ thì việc công nhân rời đi để tìm kiếm cơ hội mới cũng là điều dễ hiểu”.

Có thể nói, bên cạnh nguyên nhân chủ quan thì những nguyên nhân khách quan cũng là yếu tố gây nên tình trạng NLĐ không mặn mà gắn bó với DN. Trong điều kiện kinh tế thị trường biến động hiện nay, nhiều DN rơi vào tình cảnh lao đao, hoạt động cầm chừng, không phát huy được hiệu quả kinh doanh. Cùng với đó, cơ chế quản lý chưa chặt chẽ đã hạn chế phần nào năng lực của DN trong việc tạo việc làm ổn định, ràng buộc NLĐ...

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Tác phong công nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với chính NLĐ. Khi có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề... NLĐ sẽ nâng cao năng suất, tạo uy tín và nâng cao thu nhập cho mình. Tuy nhiên, các DN cần thực hiện nhiều biện pháp xây dựng cho họ tinh thần, tác phong công nghiệp. Điều này phải được thực hiện ngay từ khâu tuyển dụng lao động. Ngoài thông tin cần thiết như: Yêu cầu công việc, mức lương..., DN cần thông tin rõ ràng cho NLĐ những nội quy, quy chế, hình thức xử phạt khi NLĐ vi phạm kỷ luật, hợp đồng lao động. Trong quá trình hoạt động, DN cũng cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, động viên, đề ra các chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng... giúp họ nâng cao ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, gắn bó lâu dài với DN. Bên cạnh đó, chính NLĐ cũng cần nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khẳng định năng lực... để thăng tiến, nâng cao thu nhập và rèn luyện cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển hiện nay.

Ngoài ra, một “công cụ” giúp các DN gắn kết, quản lý công nhân, lao động của mình nhưng hiện nay chưa có điều kiện để phát huy hiệu quả như mong muốn là tổ chức công đoàn. Là bộ phận gần gũi với người trực tiếp sản xuất, công đoàn sẽ là nơi tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, đồng thời, truyền đạt chủ trương, chính sách của DN một cách nhanh chóng, thuyết phục nhất. Tuy nhiên, không phải chủ DN nào cũng nhận thức được điều đó, do đó không nhiều DN có phương án hoạt động cụ thể, hiệu quả cho tổ chức công đoàn. Nỗ lực của bản thân NLĐ, DN, tổ chức công đoàn cũng còn cần đến một “chất xúc tác” khác là sự tạo điều kiện về cơ chế, chính sách từ nhà quản lý. Một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, trong đó DN được tạo điều kiện tối đa để phát triển, đặc biệt là những DN tạo việc làm cho nhiều lao động không chỉ là động lực cho cả DN mà còn tạo môi trường chuyên nghiệp để lao động phổ thông thực sự trưởng thành.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]