(Baothanhhoa.vn) - Trường Tiểu học (TH) Quảng Ngọc, tiền thân là Trường Sơ học Xuân Mộc được thành lập vào năm 1920 do một số thân hào nho sĩ, có chức sắc tiến bộ ở địa phương đứng ra thành lập, lấy tên là trường Xuân Mộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường Tiểu học Quảng Ngọc: Một thế kỷ xây dựng và phát triển

Trường Tiểu học Quảng Ngọc: Một thế kỷ xây dựng và phát triển

Gia đình Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Tiến sĩ Lê Bích Thắng (hậu duệ cố nhà giáo Lê Xuân Lan) ủng hộ hơn 200 triệu đồng cho Qũy Khuyến học Lê Xuân Lan Trường Tiểu học Quảng Ngọc.

Trường Tiểu học (TH) Quảng Ngọc, tiền thân là Trường Sơ học Xuân Mộc được thành lập vào năm 1920 do một số thân hào nho sĩ, có chức sắc tiến bộ ở địa phương đứng ra thành lập, lấy tên là trường Xuân Mộc.

Trường nằm ở làng Xuân Mộc, tổng Ngọc Đới, huyện Ngọc Sơn, nay thuộc xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, được chính quyền lúc bấy giờ chuẩn y vào năm 1921. Từ đó, trường Xuân Mộc đã đi vào lịch sử phát triển quê hương, đất nước cùng với trường Bùi Thôn, xã Quảng Giao góp phần không nhỏ cho nền giáo dục đầu tiên của huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới hệ thống, năm 1994, Trường TH Quảng Ngọc được tách ra và phát triển cho đến ngày nay.

Trên chặng đường 100 năm hình thành và phát triển, các thế hệ nhà giáo của trường đã tận tâm, tận lực vì học sinh thân yêu, đoàn kết gắn bó với sự nghiệp giáo dục, luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dù khó khăn đến đâu, cũng phải thi đua, dạy thật tốt, học thật tốt”. Các thầy cô luôn có lối sống giản dị mẫu mực, có tác phong sư phạm, phương pháp giảng dạy vững vàng. Đó là những nhà quản lý giỏi, giáo viên giỏi. Tiêu biểu như: có thầy phát huy tốt, phấn đấu vươn lên đã trở thành cán bộ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục như: thầy Lê Xuân Lan sau Cách mạng Tháng Tám về làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Hoằng Hóa, thầy Phạm Xuân Lan sau về làm Phó ty Giáo dục Hà Tĩnh, thầy Nguyễn Duy Tiêu làm Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

Giáo dục trong những năm chiến tranh, là giai đoạn hết sức gian khổ, trường nhiều lần phải chuyển dời để tránh bom đạn, nhưng các thầy, các cô vẫn bám trường, bám lớp để đảm bảo chất lượng. Nhiều chiến sĩ cách mạng ở các xã trong vùng đã thành đạt từ ngôi trường này và nhiều người đã đóng góp tích cực cho công cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Tiêu biểu có các ông Nguyễn Văn Thông làng Gia Đại, sau Cách mạng Tháng Tám ông làm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời xã Quảng Ngọc, ông Lê Quốc Bảo làng Kỳ Vĩ xung phong đi Nam tiến 1946... Nhiều học sinh đã vận dụng kiến thức được học dưới mái trường, cùng với lòng hiếu học, áp dụng sáng tạo vào đời sống thực tiễn và đã thành đạt trên các lĩnh vực khác nhau, một số trở thành cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước, thành sĩ quan cao cấp trong quân đội. Thật vinh dự và tự hào, cựu học sinh của chúng ta có 3 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, có 4 người là đại biểu Quốc hội; có 2 người mang quân hàm cấp tướng, 2 giáo sư, 9 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ, hơn 40 người là sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, tất cả đã và đang công tác ở các cương vị khác nhau từ Trung ương đến địa phương. Tiêu biểu như: ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; thầy giáo Nguyễn Văn Huê, Anh hùng Lao động trong ngành giáo dục – nguyên Chủ tịch Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam; Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới – nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel; thiếu tướng Bùi Ngọc Yến, nguyên Trưởng Ban cơ yếu Trung ương; Đại tá Lê Hữu Kiển, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; ông Lê Hữu Hinh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Đỗ Ánh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp 2... Và rất nhiều nhà doanh nghiệp giỏi như: ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Nhà máy Ô tô Vinaxuki; ông Lê Dũng, doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh..., nhiều người hiện nay là công chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị khác nhau trong cả nước, các học sinh, sinh viên giỏi đang học tập ở các trường đại học, cao đẳng. Tất cả đang cùng tô thắm, viết tiếp thêm những trang sử, truyền thống vẻ vang của nhà trường và làm rạng danh cho quê hương Quảng Ngọc anh hùng.

Từ trường tiên tiến thời chống Mỹ cứu nước, đến tổ đội lao động XHCN thời hòa bình thống nhất, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động suất sắc” thời đổi mới, trường đã thể hiện được phương châm “Học đi đôi với hành”, “Nhà trường gắn liền với hoạt động xã hội” trong việc giáo dục Đức – Trí – Thể - Mỹ cho học sinh, theo nội dung “Dạy chữ - dạy người và dạy nghề” mà Đảng ta đã đề ra trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Sau 25 năm đổi mới phong trào thi đua nhà trường luôn được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu của giáo dục Quảng Xương. Nhà trường không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào thi đua “Hai tốt”, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện tốt các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”. Thành tích nổi bật của nhà trường là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi luôn được xếp tốp đầu ở các trường trong huyện, đến nay đã có 10 huy chương các loại, 6 huy chương cấp quốc gia tiêu biểu có em Lê Tuấn Anh đạt Huy chương Bạc Toán tuổi thơ toàn quốc tại Lào Cai năm 2011, em Lê Mạnh Tùng đạt Huy chương Đồng năm 2012 tại Cà Mau, em Đàm Trần Ngọc Đức Huy chương Đồng năm 2014 tại Đắc Lắc; em Trần Mai Trang Huy chương Bạc năm 2017 tại Lào Cai; có 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng cấp tỉnh về thi Olympic Toán tuổi thơ các huyện đồng bằng ven biển lần thứ nhất được tổ chức tại Quảng Xương; hơn 100 học sinh giỏi cấp tỉnh, hàng ngàn học sinh giỏi cấp huyện. Đây là thành tích rất đáng tự hào của một ngôi trường vùng quê có bề dày lịch sử với truyền thống hiếu học.

Phát huy truyền thống các thế hệ đi trước, cán bộ, giáo viên nhà trường luôn phấn đấu vươn lên, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, không ngừng đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ năng lực đáp ứng đổi mới giáo dục hiện nay. Kết quả trong những năm qua đã có 50 lượt cán bộ, giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh; 40 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp huyện, hàng chục giáo viên giỏi tỉnh; 2 cán bộ quản lý là đại biểu HĐND các cấp. Bên cạnh đó, việc tự học, tự nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ được phát động mạnh mẽ trong nhà trường, mỗi năm có hàng chục sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại. Ngoài việc nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn đều được quan tâm đúng mức. Nhiều giáo viên đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, say sưa với công tác giảng dạy đã mang lại thành tích chung cho nhà trường tiêu biểu như: Cô Phan Thị Thao, cô Lê Thị Châu, cô Đỗ Thị Thanh, cô Lê Thị Tạo, cô Đỗ Diệu Thúy, thầy Lê Đức Bảo, thầy Hoàng Xuân Dũng...

Nhìn lại những chặng đường đã qua, chúng ta được chứng kiến những học sinh, những đồng chí, người còn, người mất, người nghỉ hưu, người đang công tác, tất cả đều mong muốn Trường TH Quảng Ngọc tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã vun đắp để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến giáo dục, luôn coi giáo dục đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu và xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. Những chủ trương đó đã làm thay đổi, chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và lan tỏa đến toàn xã hội. Sự quan tâm đó đã được mọi tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ và được cha mẹ học sinh tích cực hưởng ứng thể hiện qua những việc làm thiết thực, như đóng góp công sức để xây dựng cơ sở vật chất trường học, tạo nên cảnh quan trường lớp ngày một khang trang, hỗ trợ bổ sung về trang thiết bị cho các em học tập tốt hơn.

Trong những năm qua, nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hóa, biết huy động các nguồn lực ủng hộ để xây dựng cơ sở vật chất, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài nên cơ sở vật chất nhà trường đã có những bước chuyển biến khá mạnh mẽ, xây dựng 8 phòng học kiên cố, 1 khu nhà hiệu bộ, 4 phòng chức năng và một số công trình khuôn viên trường học đã tạo nên diện mạo mới cho nhà trường. Tổng kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng; trong đó phải kể đến sự kêu gọi ủng hộ, góp công của Trung tướng Hoàng Anh Xuân cựu học sinh nhà trường; doanh nhân Hoàng Xuân Chiến tài trợ khu bể bơi hơn 700 triệu đồng. Gia đình Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, TS Lê Bích Thắng (hậu duệ cố nhà giáo Lê Xuân Lan) Chủ tịch HĐQT, Giám đóc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa) tài trợ chính mang tên Quỹ Khuyến học Lê Xuân Lan Trường TH Quảng Ngọc với số tiền hơn 200 triệu đồng. Trong 5 năm qua quỹ khuyến học nhà trường đã tặng thưởng, ủng hộ cho hơn 1.500 lượt học sinh có thành tích trong học tập, học sinh nghèo vượt khó. Quỹ Khuyến học Lê Xuân Lan Trường TH Quảng Ngọc ra đời là dấu mốc truyền thống lịch sử khuyến học, khuyến tài của nhà trường, sẽ là nguồn động viên những học sinh nghèo vươn lên học giỏi, giúp đỡ học sinh tàn tật cô đơn, thắp sáng ước mơ cho thế hệ trẻ, là khởi nguồn cho khuyến học xã nhà phát triển, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Với thành tích đáng tự hào trong những năm qua, chi bộ liên tục đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu được Huyện ủy Quảng Xương tặng giấy khen, trường được công nhận “Trường chuẩn quốc gia”, 15 năm trường đạt tập thể lao động tiên tiến, 4 năm trường đạt tập thể lao động xuất sắc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 2 lần được tặng cờ thi đua dẫn đầu khối TH. Công đoàn liên tục đạt công đoàn vững mạnh xuất sắc được công đoàn các cấp tặng giấy khen, bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen, cờ thi đua...

Với niềm tin về một ngôi trường có bề dày lịch sử, trong đó nhiều năm tháng đã là niềm tự hào của lớp lớp các thế hệ trẻ các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia và 9 xã vùng quê phía Tây Nam huyện Quảng Xương, niềm tự hào to lớn của Đảng bộ Nhân dân xã Quảng Ngọc, toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường TH Quảng Ngọc càng nhận rõ trách nhiệm nặng nề hơn nữa, tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thực hiện mục tiêu của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, với sự quan tâm đắc lực hơn nữa của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm, của Nhân dân trong xã, chúng tôi tin tưởng và chắc chắn rằng Trường TH Quảng Ngọc luôn là điểm sáng của giáo dục Quảng Xương, có bề dày lịch sử tròn 100 năm.

Đinh Trọng Thụ

Nguyên Hiệu trưởng

Trường Tiểu học Quảng Ngọc


Đinh Trọng Thụ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]