(Baothanhhoa.vn) - Theo quy định, các cơ sở kinh doanh phế liệu phải đáp ứng những yêu cầu bắt buộc - ngoài giấy phép kinh doanh, còn phải có giấy cam kết bảo vệ môi trường, có hệ thống phòng chống cháy nổ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiềm ẩn nguy cơ từ các cơ sở kinh doanh phế liệu trong khu dân cư

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh phế liệu phải đáp ứng những yêu cầu bắt buộc - ngoài giấy phép kinh doanh, còn phải có giấy cam kết bảo vệ môi trường, có hệ thống phòng chống cháy nổ...

Một cơ sở thu mua, tái chế phế liệu ở phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa).

Quy định là thế, nhưng thực tế, phần lớn các cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh đều hoạt động khi chưa bảo đảm được các điều kiện nêu trên. Hàng ngày, một lượng lớn phế liệu được thu mua nhỏ, lẻ từ các nơi tập kết về. Đa số những cơ sở thu mua phế liệu thường có điểm tập kết xây dựng, thiết kế sơ sài, nằm lọt trong khu dân cư, cạnh đường giao thông.

Dạo quanh các tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi dễ dàng tìm thấy các điểm thu mua phế liệu nằm xen lẫn trong khu dân cư. Đứng từ ngoài nhìn vào đã có thể thấy sự ngổn ngang, nhếch nhác tại các cơ sở này. Nhiều cơ sở chiếm dụng cả lòng, lề đường làm nơi tập kết, buôn bán phế liệu. Tại một cơ sở thu mua phế liệu ở phố Nam Thành, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) phế liệu chất tràn ra cả lòng đường. Bắt đầu từ khoảng 9 giờ sáng đã có nhiều người đem phế liệu thu mua được đến bán cho cơ sở. Bên cạnh ngổn ngang thau, chậu, ghế nhựa hỏng, dây điện, thiết bị điện tử, sắt vụn... là vỏ chai, vỏ lon bia vứt lăn lóc; bếp gas cũ... chất đống. Một góc khác, những chiếc tủ lạnh, tivi, máy giặt hỏng xếp cạnh nhau. Nhìn qua có thể thấy những thùng carton, thau nhựa, đồ điện đều dễ bắt lửa. Hơn nữa, cơ sở thu mua phế liệu này lại nằm ngay cạnh nhà dân nên khi xảy ra sự cố có thể ảnh hưởng tới những hộ xung quanh. Mặc dù vậy, cơ sở này không trang bị bất kỳ một thiết bị phòng cháy, chữa cháy nào.

Các cơ sở thu mua phế liệu đã góp phần không nhỏ trong việc làm sạch môi trường thông qua việc thu gom rác thải sinh hoạt phân tán rải rác trong các hộ gia đình, hộ kinh doanh, nơi công cộng... Tuy nhiên, không ít cơ sở kinh doanh mặt hàng này lại tạo ra những “bãi rác tập trung” làm xấu đi bộ mặt đô thị, gây tác hại đến môi trường sống. Nhiều tuyến đường đẹp, khu dân cư đã bị các cơ sở thu mua phế liệu làm cho luộm thuộm, nhếch nhác, chưa nói trong đó có thể còn ẩn chứa nhiều nguy cơ hiểm họa, đe dọa đến tính mạng con người. Đáng lo ngại là, vì lợi nhuận và nhận thức còn thấp, lại thêm tâm lý chủ quan nên các chủ cơ sở kinh doanh phế liệu này dễ dàng nhập, mua cả những thứ khi chưa phân biệt đó là vật liệu nổ, vũ khí... Do nằm xen lẫn trong khu dân cư nên nếu chẳng may có sự cố xảy ra thì không chỉ cơ sở bị thiệt hại, mà cả những hộ dân xung quanh cũng khó thoát khỏi tổn thất.

Những vụ cháy nổ ở các cơ sở tập kết, thu mua phế liệu xảy ra trong thời gian qua tại các địa phương khác trên cả nước là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân và cơ quan chức năng. Do đó chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu, nắm rõ các quy định về việc không cất giữ vũ khí, vật liệu nổ. Khi phát hiện những vật liệu nổ cần thông báo đến chính quyền để hạn chế những tai nạn rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt nhằm nâng cao ý thức của người dân, loại trừ mối nguy hại khôn lường từ việc kinh doanh phế liệu, vật liệu có nguy cơ gây cháy nổ.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]