(Baothanhhoa.vn) - Tết Nguyên đán đã cận kề, câu chuyện về giá cả thị trường lại trở nên “nóng” hơn. Trong đó thịt lợn, một trong những thực phẩm thiết yếu đã có sự tăng mạnh về giá, dẫn đến nhiều loại thực phẩm khác như thịt bò, gà, cá, hải sản... cũng tạo đà tăng theo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thị trường thực phẩm - “nóng” hơn những ngày cuối năm

Tết Nguyên đán đã cận kề, câu chuyện về giá cả thị trường lại trở nên “nóng” hơn. Trong đó thịt lợn, một trong những thực phẩm thiết yếu đã có sự tăng mạnh về giá, dẫn đến nhiều loại thực phẩm khác như thịt bò, gà, cá, hải sản... cũng tạo đà tăng theo.

Thị trường thực phẩm - “nóng” hơn những ngày cuối năm

Các mặt hàng thực phẩm đều có dấu hiệu tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

Khảo sát ở các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện nay, giá nhiều loại thực phẩm đã “nhích” lên so với trước. Thịt lợn chiếm vị trí đầu bảng với giá dao động các loại từ 180.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Trong đó, thịt mông sấn 190.000 đồng/kg; sườn 190.000 đồng/kg; ba chỉ 180.000 đồng/kg; thịt nạc thăn: 200.000 đồng/kg. Đây được xem là thời điểm giá thịt lợn đạt “đỉnh” từ trước tới nay. Chị Nguyễn Thị Thủy, tiểu thương bán thịt lợn ở Chợ đầu mối Rau – quả - thực phẩm, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) cho biết: “Giá thịt tăng theo ngày, chưa bao giờ thị trường thịt lợn có giá cao như hiện nay. Điều này khiến cho việc bán hàng của chúng tôi cũng khó khăn hơn và giảm lợi nhuận so với trước do đầu vào tăng cao. Trong khi đó, lượng nhu cầu giảm hẳn, một phần người tiêu dùng e ngại với dịch tả lợn châu Phi, một phần do giá lên cao quá”.

Giá các mặt hàng thực phẩm tăng, đặc biệt là thịt lợn đã khiến cho giá một số sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán như bánh chưng, giò chả, nem cũng liên tục “leo thang”. Khảo sát thị trường, tại thời điểm này cho thấy nhiều địa chỉ niêm yết giá bán bánh chưng đặt riêng vào dịp tết ở mức 60 – 70.000 đồng/chiếc tùy lượng nguyên liệu làm nhân và loại nếp sử dụng để gói bánh. Nếu so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng thì mức giá hiện tại đã chênh lệch ít nhất 10.000 đồng/chiếc. Theo nghề làm bánh chưng đã nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Hà, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cho biết: Giá thịt lợn tăng cao khiến nhiều cơ sở gói bánh chưng lo lắng nên năm nay hầu hết không dám nhận đơn sớm như mọi năm vì không căn được giá và sợ nhu cầu thị trường giảm mạnh. Hiện, giá ba chỉ ngon để làm bánh đang có giá 180.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm ngoái, người làm nghề cũng phải chấp nhận “nhảy” theo giá thị trường. “Càng cận ngày cao điểm gói bánh tết, tôi thường xuyên theo dõi xem giá cả thịt lợn biến động thế nào để biết mà cân đối làm sao cho phù hợp để vừa có lợi nhuận mà vẫn giữ được khách”. Còn chị Trần Thị Mai, hộ chuyên kinh doanh bánh chưng tại thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) cho hay: Dịp này ai đã đặt bánh từ trước thì tôi gọi điện để chốt lại giá rồi mới đặt cơ sở làm số lượng cụ thể. Với lại sát tết, nhu cầu của người dân tiếp tục tăng cao vì đây là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ nên giá bán ra khả năng cao sẽ “nhích” lên nữa.

Ngoài bánh chưng, các mặt hàng khác như giò, chả - những món ăn “quốc dân” ngày tết cũng đã chạm mức giá “khủng”, phổ biến từ 180 – 200.000 đồng/kg/giò nạc; 280-300.000 đồng/kg/giò bò. Chị Trần Thị Huệ - chủ cơ sở làm giò chả ở chợ Phú Thọ, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, mới thấy giá một cân thịt lợn nạc – nguyên liệu chính để làm giò lụa “nhảy” lên 200.000 đồng/kg, bất đắc dĩ cơ sở cũng phải tăng giá bán lên. Năm nay, chắc lượng giò bán ra sẽ giảm nhiều vì giá quá cao, người tiêu dùng sẽ cân nhắc, cắt giảm chi tiêu nên chúng tôi không dám “mạnh tay” sản xuất số lượng lớn”. Các thực phẩm chính ngày tết có giá cao “ngất ngưởng” khiến nhiều người tiêu dùng phải “đau đầu” cân nhắc chi tiêu trong gia đình dịp cuối năm.

Trong khi giá thịt lợn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì giá các mặt hàng thực phẩm khác như: Thịt gà, thịt bò, hải sản... cũng đang rục rịch tăng. Ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ truyền thống như Điện Biên, Đông Thọ, Trường Thi, Tây Thành và một số huyện, thị xã khác thì giá thịt gà đều tăng ít nhất là 20.000 đồng/kg. Cụ thể, gà mái ta có mức giá bán ra là 140.000 đồng/kg - 170.000 đồng/kg trong khi trước đó khoảng hơn một tuần, loại gà này chỉ có giá 120.000 đồng/kg; còn gà trống cũng đã chạm ngưỡng 150.000 - 160.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp cũng tăng lên 85.000 – 95.000 đồng/kg...; giá thịt bò trong những ngày qua cũng đã tăng thêm từ 2-3 giá so với 1 tháng trước. Hiện tại, giá thịt bò dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại; giá tôm, mực, cá khoai cũng đã “đội giá” hơn 20% so với trước. Việc giá cả các mặt hàng thực phẩm có dấu hiệu “nóng” hơn trong những ngày giáp tết đang trở thành nỗi lo thường trực của không ít bà nội trợ, đặc biệt là những gia đình thu nhập thấp vì cùng lúc có nhiều thứ cần phải chi tiêu, mua sắm. Bà Nguyễn Thị Lam, xã Thọ Vực (Triệu Sơn) bày tỏ: “Giờ giá cả các mặt hàng thực phẩm đều đắt đỏ trong khi thu nhập của mình vẫn thế nên bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu, mua ít hơn năm ngoái. Bánh chưng thì sẽ chung với mấy nhà khác trong xóm để gói cho rẻ hơn”. Cùng chung nhận định với bà Lam, chị Nguyễn Thị Lý, một người nội trợ cho hay: “Theo đà này, càng về cận tết, giá thực phẩm chắc sẽ còn tăng nữa. Sợ nhất là thịt lợn khan hiếm sẽ khiến cho các mặt hàng khác tăng theo “hiệu ứng”, khi đó, người tiêu dùng không biết đường nào mà xoay sở”.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm, các sở, ngành, đơn vị có liên quan, chính quyền các địa phương cần theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân; chủ động phương án hoặc đề xuất phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường về giá cả, chất lượng sản phẩm, kiểm tra chống gian lận trong cân, đong, đo, đếm, hàng gian, hàng giả, hàng cấm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật. Tăng cường thông tin, tuyên truyền chính sách, điều hành cũng như thông tin chính xác diễn biến thị trường, tránh thông tin thất thiệt để trục lợi.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài Và Ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]