(Baothanhhoa.vn) - Màu xanh mướt mát của cây rừng đang dần khỏa lấp những khoảng trắng sóng gió mênh mông ngoài khơi. Biết bao mầm xanh đang mạnh mẽ vươn mình về phía biển, theo thời gian dệt nên bức tranh sinh động, tràn đầy sức sống về những cánh rừng ngập mặn ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Nổi bật trên nền bức tranh ấy ghi dấu bước chân nhọc nhằn, lặng lẽ mà không kém phần nhiệt thành, tâm huyết của những con người “yêu rừng như lẽ sống”, hết mình với công việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Theo bước chân những người trồng rừng ngập mặn

Màu xanh mướt mát của cây rừng đang dần khỏa lấp những khoảng trắng sóng gió mênh mông ngoài khơi. Biết bao mầm xanh đang mạnh mẽ vươn mình về phía biển, theo thời gian dệt nên bức tranh sinh động, tràn đầy sức sống về những cánh rừng ngập mặn ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Nổi bật trên nền bức tranh ấy ghi dấu bước chân nhọc nhằn, lặng lẽ mà không kém phần nhiệt thành, tâm huyết của những con người “yêu rừng như lẽ sống”, hết mình với công việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển quê hương.

Theo bước chân những người trồng rừng ngập mặn

Dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển của GCF góp phần tạo nên những “bức tường xanh” cho các vùng ven biển Thanh Hóa.

Vẫn là những dòng sông và cửa biển, những cây trang, cây bần chua, sú, vẹt, mắm... và những con sóng nhấp nhô vùng ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn. Với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Trung ương, của tỉnh cùng nỗ lực trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng thông qua các dự án có nguồn tài trợ từ quốc tế, diện mạo và sức sống của những cánh rừng ngập mặn đã khác xưa nhiều. Đặc biệt, khi Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP), trong đó có hợp phần hỗ trợ trồng rừng ngập mặn ven biển được triển khai thực hiện tại tỉnh Thanh Hóa (2018 – 2021) đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, có sức thu hút, lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng. Theo kế hoạch năm 2019, dự án GCF trồng mới 50 ha tại các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn), Hưng Lộc (Hậu Lộc); trồng bổ sung 300 ha tại các xã Nga Tân (Nga Sơn), xã Đa Lộc (Hậu Lộc).

Là xã ven biển của huyện Hậu Lộc thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai; đã từng bị “xóa sổ” toàn bộ tuyến đê biển khi cơn bão số 7 năm 2005 đổ bộ vào khu vực ven biển Bắc bộ và Bắc Trung bộ nước ta nên cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hưng Lộc hiểu hơn ai hết vai trò, giá trị của những cánh rừng ngập mặn trong việc phòng hộ chắn sóng, tác động của triều cường và nước biển dâng, bảo vệ cộng đồng dân cư. Bởi vậy, ngay khi tiếp nhận chủ trương quy hoạch trồng mới 10 ha rừng ngập mặn (chủ yếu là bần chua) được chuyển đổi từ diện tích 51,6 ha nuôi ngao kém hiệu quả trước đây theo nội dung Hợp phần 2 – Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do GCF tài trợ, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hưng Lộc vô cùng phấn khởi, hào hứng bắt tay ngay vào thực hiện công việc. Cử thành viên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, điều kiện, cách thức ươm trồng, chăm sóc, bảo vệ cây rừng do GCF phối hợp tổ chức. Về chương trình phát triển mô hình sinh kế gắn với hiệu quả trồng, phục hồi rừng ngập mặn, Ban quản lý dự án cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh bám sát nhu cầu, nguyện vọng của bà con nhân dân và dựa trên khảo sát thực tế để xây dựng, lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất tại địa phương. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Ban quản lý Dự án GCF tỉnh mở các lớp tập huấn cho bà con nhân dân nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai, quản lý rủi ro vùng ven biển. Nhờ đó, việc tổ chức thực hiện dự án diễn ra rất nhanh chóng, thuận lợi. Chính thức triển khai từ tháng 5 – 2019, đến nay, trên địa bàn xã đã hoàn thành việc trồng mới 9,5 ha rừng ngập mặn (xã Hưng Lộc được quy hoạch 10 ha nhưng bà con nhân dân trong xã đề nghị để lại 0,5 ha ven đê cho thuyền, bè mảng neo đậu). Sau khi dự án được triển khai, xã đã xây dựng được bản đồ cảnh báo thiên tai sớm, chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện trồng mới rừng ngập mặn ven biển theo dự án của GCF, ông Mai Văn Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc chia sẻ: “Vốn là một điểm xung yếu, thường xuyên xảy ra vỡ đê nên hầu hết diện tích rừng ngập mặn ở xã Hưng Lộc đều được trồng ở những nơi sóng lớn. Để có thể đảm bảo điều kiện cho cây rừng mới trồng có thể trụ vững, sinh trưởng và phát triển tốt, dự án phải đầu tư, tiến hành đóng cọc chắn sóng, chắn rác rất khó khăn, vất vả”. Khó khăn, vất vả là thế nhưng bà con nhân dân trong xã ai ai cũng nhiệt tình ủng hộ, chung sức đồng lòng cùng với dự án và cấp ủy, chính quyền địa phương nỗ lực trồng rừng. Nhận định về ý nghĩa to lớn mà dự án mang lại, ông Bền cho biết: “Việc hỗ trợ trồng mới rừng ngập mặn ven biển của GCF có tác động tích cực, hiệu quả trong việc phòng hộ chắn sóng, tác động của triều cường và nước biển dâng, bảo vệ cộng đồng dân cư. Đồng thời, nó góp phần tạo dựng cảnh quan sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm vùng ven biển, tạo thêm sinh kế nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”.

Tạm chia tay cánh rừng ngập mặn tại xã Hưng Lộc; men theo con đường làng quanh co, nhỏ hẹp vốn đã trở thành nét đặc trưng của các xã ven biển, chúng tôi tìm về xã Đa Lộc, lắng lòng nghe câu chuyện kể về sự tâm huyết, nhiệt tình, gắn bó của những con người nơi đây với công tác trồng, phục hồi rừng ven biển. Bà Bùi Thị Dìn (68 tuổi, thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc) gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ. Người đàn bà có vóc dáng khỏe mạnh, nước da nhuộm màu nắng gió ven biển, nụ cười tươi, sáng và nét mặt hiền hậu, chân chất đã dành trọn 21 năm tuổi trẻ của mình cống hiến cho ngành lâm nghiệp. Là con gái bản Mường (Hòa Bình), nghe theo tiếng gọi của tình yêu, bà Dìn về làm dâu sông Mã khi mới hơn 20 tuổi. Vốn tốt nghiệp khoa trồng rừng của Trường Cao đẳng Lâm nghiệp Hòa Bình, đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp nên khi về Thanh Hóa, bà Dìn xin vào công tác ở Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng (Như Xuân); sau đó tham gia Đoàn quy hoạch lâm nghiệp Thanh Hóa. Vì nhiều lý do khác nhau mà bà Dìn xin nghỉ việc, về quê hương mẹ Tơm (xã Đa Lộc, Hậu Lộc) đảm nhận công việc của hội phụ nữ xã. Tuy nhiên, tình yêu với cây rừng cùng những kinh nghiệm mà bà Dìn có được trong suốt hàng chục năm gắn bó trong ngành lâm nghiệp đã trở thành mối lương duyên, tiếp tục đưa bà đến với dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển của GCF. Bà bảo: “Mình yêu cây rừng nên nghe đến việc có liên quan đến trồng, phục hồi, phát triển rừng là mình thích lắm, muốn được làm việc ngay”. Tiếp nhận chủ trương triển khai dự án, hội phụ nữ và hội nông dân là 2 tổ chức được UBND xã Đa Lộc giới thiệu tham gia hoạt động trồng rừng của dự án. Bà Dìn được hội phụ nữ “chọn mặt gửi vàng”, tham gia thực hiện dự án từ những ngày đầu. Năm 2019, theo kế hoạch, xã Đa Lộc trồng bổ sung 215,2 ha rừng ngập mặn. Dự án mới chính thức triển khai từ đầu tháng 7 – 2019 đến nay đã hoàn thành.

Nhìn những cây bần chua trải dài khắp khoảng không gian tựa như dải khăn xanh vắt ngang mặt biển, lao xao đưa mình theo gió, mấy ai biết được những nỗi khó khăn, vất vả của người gieo trồng. Bà Dìn tâm sự: Nói đến trồng rừng đã thấy gian nan. Trước đây, khi ở vùng núi, trồng rừng chỉ thấy khó khăn vì phải leo đèo, lội suối chứ trồng rừng dưới biển thì lắm nỗi truân chuyên. Không chỉ là lội bùn, dầm mình hàng tiếng đồng hồ dưới nước, trồng rừng ngập mặn ven biển là chặng đường hòa lẫn mồ hôi, máu, nước mắt. Trong nhóm trồng rừng chúng tôi, nhiều người bị con hà cứa xuyên qua mấy lớp tất dày, cắt chảy máu chân. Rồi những khi sóng biển dùa, đánh dồn vào ngực gây khó thở. Ngày sóng lớn, mải cúi mặt xuống biển trồng cây, không kịp tránh là sóng tát vào mặt, nước ùa vào mắt, mũi sặc sụa. Đặc biệt, công việc trồng rừng ngập mặn phụ thuộc nhiều vào yếu tố “con nước”, nước xuống thì mới có thể trồng được nên nhóm của bà Dìn thường xuyên phải làm việc vào ban đêm. Có những tuần, cứ khoảng 2-3 giờ sáng, người dân phải tự sắm loại đèn pin có thể đeo trên đầu, í ới gọi nhau từ khắp các đường làng, ngõ xóm tập trung về khu vực trồng rừng ngập mặn của xã để tiếp tục công việc. Bà Dìn nói như khoe, trong nụ cười không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn sự xúc động: “Có thời điểm, cả 6 thôn trên địa bàn xã Đa Lộc “tổng động viên” đi trồng rừng, cạo hà lên tới 700 trăm lao động. Nhiều người dân tạm gác công việc thường ngày để tham gia trồng rừng cùng mọi người. Bởi lẽ, “một khi cây giống đã được mang ra tới biển thì bắt buộc phải trồng ngay, nếu không cây sẽ chết hết”.

Cũng như bà Dìn, ông Phạm Đức Nhuận (62 tuổi, thôn Đông Tân, xã Đa Lộc) đã gắn bó với công việc trồng rừng ngót nghét hơn 20 năm. Từ sau khi đi lính về, ông Nhuận công tác trong hội nông dân xã và có tham gia công tác trồng rừng. Khi triển khai thực hiện dự án của GCF, ông Nhuận được hội nông dân giao nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận cây giống và đưa ra khu vực trồng rừng ngập mặn. Trước khi đảm nhận công việc mà hội giao phó, ông được cử đi tham dự các lớp tập huấn về quy trình, cách thức trồng để đảm bảo kỹ thuật giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt; sau đó ông về phổ biến lại với các thành viên trong nhóm. Đối với ông Nhuận, việc khó khăn nhất trong công tác trồng rừng ngập mặn, ngoài yếu tố phụ thuộc vào con nước và điều kiện làm việc khắc nghiệt thì quá trình vận chuyển cây giống từ vườn ươm ra ngoài khu vực trồng cũng tốn không ít mồ hôi, sức lực. Người dân phải đóng bè xốp, chuyển cây giống lên bè rồi thuận theo dòng nước đẩy bè khoảng hơn 1 km mới đến điểm trồng. Vừa đẩy bè vừa phải lội dưới bùn rất lầy lội khiến bước chân càng thêm nặng nhọc, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc mưa rét. Tuy nhiên, người dân xác định “rừng của mình, phục vụ cho chính mình thì mình phải đi trồng nên ai nấy đều rất hăng hái, nhiệt tình”. Bên cạnh đó, “vào những ngày nắng nóng hay mưa rét, bà con nhân dân phải đi trồng rừng thì cán bộ dự án vẫn luôn có mặt, động viên người dân tích cực hoàn thành công việc nên chúng tôi rất quý mến, tin tưởng” – ông Nhuận cho biết.

“Trồng rừng đã khó nhưng làm sao để có thể chăm sóc, bảo vệ cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt, nhân rộng thành “bức tường xanh”, “lũy thép” hộ đê, cản sóng gió, tạo nguồn sinh kế cho bà con nhân dân nhằm tạo nền tảng vững chắc tăng khả năng chống chịu thiên tai, giảm thiểu tổn thương cộng đồng cư dân ven biển thì không phải là điều dễ dàng, có thể đạt được trong một sớm một chiều” – Đó là những tâm tư, trăn trở mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân các vùng được trực tiếp thụ hưởng cũng như các cán bộ thực hiện dự án hỗ trợ trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển của GCF đều trăn trở, nghĩ suy. Chăm sóc, bảo vệ những cánh rừng ngập mặn ven biển phải xuất phát từ ý thức tự giác, chung sức đồng lòng của cả cộng đồng.

Ghi chép của Hương Thảo


Ghi Chép Của Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Thị Lân - 17:47 25/04/20

 Trả lời

Cho mình xin số Điện thoại của các hộ dân làm cây giống để mình mua cây giống RNM với , mình cám ơn các bạn nhé ĐT của mình 0915277887

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]