(Baothanhhoa.vn) - Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự đồng thuận của Nhân dân, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở huyện Hoằng Hóa những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao. Tuy nhiên, tình trạng người lao động làm việc tại Hàn Quốc sau khi hết thời hạn hợp đồng vẫn ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp, đã ảnh hưởng lớn đến công tác XKLĐ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự đồng thuận của Nhân dân, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở huyện Hoằng Hóa những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao. Tuy nhiên, tình trạng người lao động làm việc tại Hàn Quốc sau khi hết thời hạn hợp đồng vẫn ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp, đã ảnh hưởng lớn đến công tác XKLĐ.

Tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định

Nhiều hộ dân ở xã Hoằng Châu có con đi XKLĐ thị trường Hàn Quốc gửi tiền về xây được nhà cao tầng.

Thực trạng công tác XKLĐ

Với số lượng lao động có nhu cầu việc làm khoảng 3.000 đến 3.500 người/năm, công tác giải quyết việc làm và XKLĐ luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa quan tâm. Do đó, công tác giải quyết việc làm và XKLĐ hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, XKLĐ luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến tháng 10-2020, toàn huyện có 2.953 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm số tiền người lao động chuyển về cho thân nhân lên đến hàng tỷ USD. Nhiều gia đình có con em đi XKLĐ gửi tiền về đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng trang trại, gia trại, mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều việc làm mới. Kết quả trên đã góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Nếu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 10,67%, thì đến cuối năm 2019 giảm còn 2,03%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì những năm gần đây, xảy ra tình trạng lao động địa phương sau khi hết hạn hợp đồng đã bỏ trốn, tiếp tục ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Người lao động tự ý chuyển đổi nơi làm việc, đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động Hàn Quốc và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tính đến tháng 9-2020, toàn huyện có 121 lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp. Vì có số lao động bất hợp pháp cao, nên Hoằng Hóa tiếp tục là 1 trong 3 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bị phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành nhiều văn bản thông báo tạm dừng tuyển dụng lao động địa phương sang Hàn Quốc làm việc. Vấn đề này đã làm ảnh hưởng đến công tác XKLĐ của huyện, gây tâm lý bức xúc đối với người lao động và gia đình người lao động đang có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động lao động bất hợp pháp về nước, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đông, cho biết: Tính đến tháng 9-2020, xã có tới 40 lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã kiện toàn lại ban chỉ đạo XKLĐ, thành lập đoàn đến từng hộ để tuyên truyền, vận động; điện thoại trực tiếp cho lao động bất hợp pháp... Các gia đình cũng đã ký cam kết và nhiều lao động cũng đồng ý sẽ về nước. Tuy nhiên, cái khó hiện nay đối với lao động bất hợp pháp là vấn đề làm thủ tục, đặc biệt là việc mua vé máy bay. Có những lao động đặt mua vé từ 7 – 8 tháng trước nhưng vẫn chưa có vé về. Một số ít lao động lại đưa ra lý do về nước phải cách ly, phải đóng phí dịch vụ cách ly cao và cơ hội quay lại Hàn Quốc làm việc khó...

Tại xã Hoằng Phụ, tính đến tháng 9-2020 còn 10 lao động bất hợp pháp chưa về nước. Ông Lê Danh Diệu, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Do công tác rà soát, nắm bắt, cập nhật tình hình lao động tại thị trường Hàn Quốc của địa phương có lúc chưa sát sao, kịp thời; công tác phối hợp vận động tuyên truyền chưa quyết liệt. Trong khi ý thức của người lao động và thân nhân người lao động còn kém, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Về phía Hàn Quốc lại chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp và người lao động bất hợp pháp...

Tăng cường các giải pháp hữu hiệu

Nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp, để những người lao động đang có nhu cầu chính đáng được sang Hàn Quốc làm việc, huyện Hoằng Hóa đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến tất cả các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương về chính sách, quyền lợi của người lao động khi về nước đúng thời hạn và lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước. Tuyên truyền về các chính sách ưu đãi của Hàn Quốc và Việt Nam đối với người lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn, cũng như các nguy cơ, rủi ro mà người lao động phải đối mặt khi làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; đồng thời, tạo dư luận phê phán những hành vi vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật của người lao động. Yêu cầu các gia đình ký cam kết vận động con em thực hiện đúng các quy định của pháp luật và cam kết trong hợp đồng, có trách nhiệm vận động con em về nước đúng hạn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 giảm mạnh tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu chính đáng được sang làm việc tại Hàn Quốc. Vừa qua, huyện đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước; Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); HRD Hàn Quốc tại Việt Nam và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Tại hội nghị, các đại biểu đã cung cấp nhiều thông tin về tình hình thị trường lao động; thực trạng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; giải pháp tăng cường kiểm tra, truy quét và trục xuất người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đồng thời, khuyến khích các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước đúng quy định... “Chúng tôi xác định, chỉ khi nào giảm được số lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống dưới mức quy định, thì huyện mới không bị phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển lao động theo chương trình EPS tại thị trường tiềm năng này. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp và chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra” – ông Phúc cho biết thêm.

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]