(Baothanhhoa.vn) - Không ai biết, nghề bánh đa làng Chòm (xã Thiệu Châu, nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với tên làng. Nhưng với bao biến cố, thăng trầm nét độc đáo của làng nghề vẫn được lưu mãi cùng thời gian.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nức thơm bánh đa làng Chòm

Nức thơm bánh đa làng Chòm

Nghề bánh đa làng Chòm, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) được gìn giữ qua hàng trăm năm.

Không ai biết, nghề bánh đa làng Chòm (xã Thiệu Châu, nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với tên làng. Nhưng với bao biến cố, thăng trầm nét độc đáo của làng nghề vẫn được lưu mãi cùng thời gian.

Theo các cụ cao niên làng Chòm (nay còn gọi là làng Đắc Châu), ngay từ thời xa xưa khi cỏ cây còn rậm rạp, dọc theo triền sông Chu đất đai màu mỡ thuận lợi cho việc trồng trọt, vì vậy một nhóm người từ phương Bắc đã ở lại sinh sống thành một chòm. Rồi mỗi ngày, theo dòng chảy của thời gian dân cư thêm đông đúc và nghề làm bánh đa cũng phát triển theo sự sinh sôi ấy. Cứ thế, nghề thêm hưng vượng, dân số sinh sôi nảy nở, từ chòm lên xóm, lên làng rồi thành xã Tân Châu như ngày nay. Dù tên gọi đã thay đổi theo thời gian, đất đai, con người cũng nhiều đổi khác, thế nhưng người dân nơi đây vẫn yêu, vẫn thương và gìn giữ mảnh hồn làng bằng cái tên làng Chòm như từ thuở lập địa.

Là người có hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị Lê Thị Huệ, thôn Đắc Châu 1, cho biết: “Tôi gắn bó với nghề này từ lúc 14, 15 tuổi. Cũng chẳng biết nghề có từ bao giờ nhưng khi sinh ra tôi đã thấy ông bà, bố mẹ làm bánh rồi. Trung bình mỗi ngày tôi thường tráng được khoảng 1.000 chiếc bánh. Hôm nào đơn hàng nhiều thì chồng tôi cũng tráng phụ thêm. Ở những gia đình làm nghề truyền thống này, phụ nữ hay đàn ông đều thành thạo việc làm bánh”.

Theo những người làm nghề ở đây, bánh đa làng Chòm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống và có phần cầu kỳ hơn các nơi khác. Từ xa xưa, người dân thường dùng cối đá để xay bột, thanh niên nam nữ là những người đảm nhận công việc này, bởi nó khó nhọc và tốn rất nhiều thời gian. Từ tờ mờ sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì người dân làng Đắc Châu đã phải thức dậy để phơi những mẻ bánh còn chưa kịp khô hẳn từ hôm trước và cũng là để bắt tay vào chuẩn bị làm mẻ bánh tiếp theo của ngày hôm nay.

Chị Đỗ Thị Loan, thôn Đắc Châu 1 tâm sự: “Để có bánh đa ngon cần rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là bột để tráng bánh. Bột càng xay được bằng tay, càng thơm càng dẻo nhưng mà vất vả và kém năng suất lắm. Trước kia, người dân vẫn xay bột nước từ cối đá nhưng những năm gần đây, do kỹ thuật phát triển nên những chiếc máy xay bột bằng điện đã được thay cho sức người, vì vậy, người làm nghề có phần đỡ vất vả hơn. Công việc của chúng tôi thường bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc vào khoảng 13h chiều mỗi ngày”, chị Loan cho biết.

Những công đoạn làm bánh được người dân thực hiện rất nhịp nhàng, trong gia đình mỗi người một việc. Tráng bánh đa rất vất vả, khó nhọc vì phải nhanh mắt, nhanh tay và dường như toàn bộ cơ thể đều phải làm việc. Người phụ nữ làng Chòm thạo nghề, mỗi ngày có thể tráng được cả nghìn chiếc bánh. Vợ tráng đến đâu, chồng và con lo việc phơi bánh đến đó. Xưa tráng bánh thường đun bằng củi, giờ thì đun bằng than rồi bằng điện vừa nhanh vừa tiện, năng suất hơn nhiều, nhưng cần phải biết điều tiết độ nóng để bánh chín tới không non quá hoặc già quá. Và chỉ những người có kinh nghiệm mới có thể làm được điều này. Công việc phơi bánh cũng vất vả, nặng nhọc không kém bởi người phơi bánh phải nhớ từng trành, từng khu vực để mà trở cho bánh khô đều, sau đó ép cho bánh thành chồng để cất trữ... Chỉ cần xem họ tráng bánh cũng đủ biết cái gian truân, vất vả của nghề. Qua mỗi chiếc bánh đa, người dân làng Chòm như muốn gửi gắm cái tâm, cái tình của mình trong đó.

Với những người làm nghề nơi đây, họ chỉ mong những ngày trời trong, mây trắng, nắng to bởi ở làng này mọi không gian đều được dành cho việc phơi bánh. Bánh phơi trên giàn trước nhà trước ngõ, phơi trên mái ngói, phơi trên nóc nhà cao tầng... Ngày nắng đẹp, đứng từ trên cao nhìn xuống làng Chòm sẽ thấy bạt ngàn những vòng tròn, đi dưới giàn phơi nhìn lên trời chỉ là những khe với các hình giao thoa kết nối rộng dài vô tận. Và khi bất chợt bắt gặp những nụ cười rạng rỡ trong những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ chúng tôi đều hiểu rằng, với người dân nơi đây nghề làm bánh đa đã trở thành nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình.

Đến làng Chòm không khó để tìm được những hộ gia đình có truyền thống làm bánh từ 3-4 đời. Không chỉ làm nghề kiếm kế sinh nhai, với họ, làm bánh đa còn là cách để giữ gìn mảnh hồn làng, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp lâu đời của ông cha để lại. Nói đến nghề bánh đa ở Việt Nam thì có nhiều, nhưng bánh đa ở đây lại có những nét riêng không nơi nào có được, bởi nguyên liệu làm bánh hoàn toàn tự nhiên như: Bột gạo, vừng và muối.

Theo các cụ cao niên, làm bánh đa như vậy mới đúng chuẩn và sau khi quạt bánh mới giữ được độ giòn và thơm hơn dù có để lâu trong không khí. Bánh đa có đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách người ta quạt bánh khi nướng bánh. Người thợ phải giữ lửa thật đều tay, giữ cho bánh được chín đều và có một màu vàng tự nhiên hấp dẫn. Để nướng được chiếc bánh ngon, đúng vị, than nướng bánh phải là than hoa gốc, và loại than chỉ những gốc cây to mới có.

Bánh đa làng Chòm tròn đều, dày vừa phải, khi quạt nướng lên mùi thơm của gạo mới trộn với vừng làm người ta ngây ngất. Bánh thường được ăn kèm với hến xào ở sông Chu, cũng là một món đặc sản truyền thống của ngôi làng này. Hến phải là loại nhỏ được xào đầy đủ với gia vị rồi được bày ra đĩa kèm theo một ít rau thơm để trang trí. Ngoài ra, bánh đa sống còn có thể được cắt thành từng miếng nhỏ để xào cùng với thịt lươn, ếch, ốc hoặc ba ba. Khi miếng bánh đa đã xào chín sẽ cho người ăn một hương vị đặc biệt khó quên...

Theo thời gian, bánh đa làng Chòm theo du khách, theo thương lái và theo cả những người con quê hương đi khắp muôn nơi trên mọi miền Tổ quốc. Hương vị của mỗi chiếc bánh đa là hương vị của quê hương, xứ sở, là công sức của ông cha đã hun đúc bao đời và cứ thế còn mãi với thời gian!.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]