(Baothanhhoa.vn) - Trong xây dựng, phụ hồ là một nghề rất vất vả, nặng nhọc và phù hợp với nam giới hơn. Nhưng vì mưu sinh, nhiều phụ nữ vẫn phải chọn nghề này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhọc nhằn nữ phụ hồ

Trong xây dựng, phụ hồ là một nghề rất vất vả, nặng nhọc và phù hợp với nam giới hơn. Nhưng vì mưu sinh, nhiều phụ nữ vẫn phải chọn nghề này.

Dù công việc vất vả, nặng nhọc nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều chị em phụ nữ vẫn cố bám trụ với nghề phụ hồ.

Giữa cái nắng chang chang đầu mùa hè, nơi công trình đang thi công, những người phụ nữ vẫn tất bật với công việc thường ngày của mình, từ việc xách nước, cắt sắt, xúc cát, khiêng đá, gạch, trộn vữa,... cho đến trèo lên giàn giáo để đổ sàn. Những công việc đòi hỏi phải có sức mạnh của cơ bắp, vậy mà lại do nhiều phụ nữ đảm nhiệm. Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa..., ở mỗi công trình đều thấy bóng dáng của những người phụ nữ, đa phần phụ nữ chọn nghề phụ hồ là những người ở tuổi trung niên, vì ở tuổi của họ không xin được vào các doanh nghiệp. Chị Lê Thị Gái, 45 tuổi, ở thôn 9, xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), tâm sự: Đã có gần 6 năm trong nghề phụ hồ tại các công trình xây nhà ở tư nhân trên địa bàn TP Thanh Hóa, các huyện lân cận, hễ công trình này làm xong, chị lại đi các công trình khác. Trước đây, gia đình chị làm nông nghiệp và buôn bán nhưng giá cả cứ bấp bênh, thường hay bị lỗ, nên chị theo chồng đi làm phụ hồ. Chị tâm sự: “Lúc đầu mới theo nghề, không quen nên mệt rã cả người. Nhưng phải cố gắng, chứ ở nhà lấy gì mà nuôi 2 đứa nhỏ ăn học. Được ở dưới đất khiêng vác còn đỡ, chứ sợ nhất là phải leo lên giàn giáo, có khi lên đến tầng 3, tầng 4 để đổ sàn, ai không quen bị chóng mặt là chuyện thường”. Chị Lê Thị Thu, dáng người nhỏ nhắn nhưng chị thoăn thoắt xúc cát, bê các bao xi măng đổ ra, rồi trộn hồ tại công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn xã Quảng Yên (Quảng Xương). Lau những giọt mồ hôi đẫm trán, chị vừa trò chuyện với chúng tôi vừa vội vã làm việc vì sợ không kịp đủ hồ cho thợ làm. Chị Thu tâm sự: Nhà tôi ở xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa), không có nhiều đất để canh tác hay trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống gia đình luôn túng thiếu nên tôi chọn cái nghề làm phụ hồ này. Có những hôm phải làm từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, mệt lắm nhưng vì mưu sinh nên tôi phải cố thôi. Thường mức tiền công của phụ hồ nữ dao động từ 150 – 200.000 đồng/ngày, tùy vào khả năng lao động của mỗi người. Nếu trừ chi phí, mỗi tháng cũng tiết kiệm được mấy triệu đồng...

Xây dựng là nghề nguy hiểm, bởi tai nạn luôn rình rập bất cứ khi nào. Nhất là với các nữ phụ hồ thì rủi ro bởi nghề không có gì quá xa lạ. Không chỉ phải đối mặt với sự nguy hiểm do tai nạn lao động mà các nữ phụ hồ còn luôn phải sống trong môi trường lao động ô nhiễm nặng do khói bụi và những chất độc hại khác. Có lẽ vì vậy mà phần lớn người phụ hồ cũng đều mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, mắt hay khớp... Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa) đang phụ hồ tại một công trình trên địa bàn thị trấn Vạn Hà, tâm sự: “Không những rửa gạch, trộn hồ, cắt sắt, khiêng gạch..., tụi tôi phải làm thêm bao nhiêu việc không tên. Nghề này cực, thường xuyên hít bụi xi-măng và hầu như ai cũng mắc bệnh đau lưng. Rồi những sự cố như vấp phải sắt thép, gạch rớt trúng người gây chảy máu, sưng đầu... là chuyện bình thường. Nhiều người mới vào nghề, do chưa quen nên mấy ngày đầu, da bàn tay sưng phồng, ứa máu ngó tội lắm!”. Chị Lê Thị Hậu ở xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) tiếp lời: “Làm nhà ở thường chỉ trong vài tháng là xong, còn các công trình lớn có khi xây vài năm vẫn chưa kết thúc. Tụi tôi “ớn” nhất là tai nạn bất ngờ xảy ra. Nhiều khi leo lên cao, gió thổi muốn bay, nhìn xuống chóng mặt, nhưng để có tiền nuôi con thì phải chấp nhận thôi”.

Còn chị Lê Thị Ngát, ở xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) kể cho chúng tôi những nỗi khó riêng trên công trường. Một nữ phụ hồ đang đội cát lên cao thì bất ngờ đuối sức, cả thúng cát lật ụp vào đầu khiến chị bị trật xương cổ, phải nằm viện điều trị mấy tháng trời, may là giữ được mạng... Mới đây, một nữ phụ hồ khác theo nhóm chị Ngát cũng phải nằm điều trị tại bệnh viện mắt do đá bắn vào mắt khi đứng gần máy trộn bêtông, gia cảnh chị lại khó khăn, nên ai cũng thương cảm.

Gặp gỡ, trò chuyện với những người phụ nữ lam lũ ở các công trường xây dựng, tôi thấy lòng trĩu nặng, trăn trở về những người tần tảo quanh năm kiếm sống, nuôi gia đình bằng nghề nặng nhọc. Nhưng họ đã vượt qua tất cả bằng chính nghị lực của mình, cùng với niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của con cái và gia đình.


Bài và ảnh: Lê Quốc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]