(Baothanhhoa.vn) - Không ngừng kết nối các nhà hảo tâm, mạnh thường quân với những mảnh đời khó khăn, thầy Lâm Thanh Tình, giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 2, thị xã Nghi Sơn, bị nói là “rảnh, vác tù và hàng tổng” nhưng thầy chẳng lấy làm buồn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người thầy xông pha thiện nguyện

Người thầy xông pha thiện nguyện

Nhóm thiện nguyện “Sống – để yêu thương” tổ chức vệ sinh, lau chùi phần mộ các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Nghi Sơn.

Không ngừng kết nối các nhà hảo tâm, mạnh thường quân với những mảnh đời khó khăn, thầy Lâm Thanh Tình, giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 2, thị xã Nghi Sơn, bị nói là “rảnh, vác tù và hàng tổng” nhưng thầy chẳng lấy làm buồn.

Vừa dạy học vừa đi “xin”

Trưa một ngày cuối năm 2020, công việc bận rộn nhưng thầy Tình vẫn đến nhà bà Nguyệt ở xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn trao quà tết. Bà Nguyệt mời thầy Tình nán lại ăn bữa cơm gia đình nhưng thầy từ chối vì phải về để kịp giờ lên lớp. Theo lời thầy Tình, những ngày cận tết, các mạnh thường quân bận không trao tận tay những món quà cho người dân, học sinh do COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì thế, họ chuyển đến và nhờ thầy gửi giúp. Tùy theo mức độ khó khăn của từng trường hợp, giá trị mỗi phần quà từ 200 đến 500 nghìn đồng cùng các nhu yếu phẩm, như: sữa, gạo, dầu ăn....

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc phường Quảng Phú, TP Thanh Hóa, hơn ai hết thầy Tình thấu hiểu và đồng cảm với những mảnh đời kém may mắn. Vì thế ngay khi còn là sinh viên Phân hiệu Đại học Huế ở Quảng Trị, thầy đã tích cực tham gia vào các chương trình thiện nguyện. Những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa, được tiếp xúc với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, quanh năm làm lụng vất vả cũng không đủ ăn; những cụ ông, cụ bà phải đi thu gom sắt vụn để mưu sinh..., thầy Tình đã ấp ủ một kế hoạch cho riêng mình. Đó là vận động các cá nhân, anh em, bạn bè, các thế hệ học sinh cùng chung tay giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

Năm 2015, sau khi ổn định công tác tại Trường THPT Tĩnh Gia 1 (sau này chuyển đến Trường THPT Tĩnh Gia 2), thầy Tình đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện “Sống - để yêu thương” với rất nhiều thành phần tham gia, như: học sinh đã ra trường, học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường và các anh, em, bạn bè, đồng nghiệp. Họ tập hợp, cùng nhau tham gia các công việc thiện nguyện với quan điểm bất kể việc gì tốt sẽ làm, tùy thuộc hoàn cảnh, bắt gặp ở đâu, ai cần giúp đỡ, thì sẽ giúp. Những ngày đầu, nhóm mới thành lập chưa có kinh phí, thầy và các thành viên trong nhóm đến tận nhà các gia đình chính sách, gia đình thuộc diện khó khăn, cụ ông, cụ bà sống neo đơn, để thăm hỏi, sửa chữa nhà, làm vệ sinh sân vườn... Ngoài ra, nhóm còn tổ chức làm vệ sinh môi trường vùng biển Hải Hòa; dọn dẹp vệ sinh, nhổ cỏ, lau chùi phần mộ các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Nghi Sơn.

Sau một thời gian hoạt động và được nhiều cá nhân, tổ chức biết đến, liên tiếp những hoàn cảnh khó khăn thông qua nhóm thiện nguyện “Sống - để yêu thương” đã nhận được sự hỗ trợ về kinh tế. Để những bài kêu gọi được thuyết phục hơn, thầy và những thành viên trong nhóm đích thân đến từng nơi để xác thực, chụp ảnh, miêu tả chính xác hoàn cảnh của từng cá nhân, gia đình. Ngoài nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân, nhóm còn tự tổ chức các hoạt động tăng thêm kinh phí, như: làm thiệp, bán hoa trong các ngày lễ, làm đồ lưu niệm,... Em Cao Hoàng Gia, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Hồng Đức, thành viên trong nhóm thiện nguyện “Sống - để yêu thương”, cho biết: “Tham gia nhóm thiện nguyện, làm những công việc ý nghĩa, em học được ở thầy lòng nhân đạo, tinh thần nhiệt huyết và ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh”.

Cho yêu thương để nhận lại yêu thương

Nhờ sự tận tình, tận tâm, chân thật, trong những năm qua, mỗi lần tổ chức thiện nguyện, thầy Tình đã được đông đảo đồng nghiệp, học sinh và các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tinh thần và vật chất để có được những món quà giúp đỡ người nghèo. Đặc biệt, gia đình và nhà trường nơi thầy công tác rất ủng hộ việc làm của thầy vì đó là những việc làm có ý nghĩa đối với cuộc sống. “Điều quan trọng nhất đối với người làm thiện nguyện là cái tâm và sự minh bạch trong vấn đề kinh tế. Người ta trao tiền cho mình cũng chính là trao lòng tin, mình phải làm sao để cái lòng tin ấy được vẹn tròn, sáng rõ” - thầy Tình chia sẻ.

Người thầy xông pha thiện nguyện

Thầy Tình trao quà cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.

Theo lời thầy Tình, từ khi thành lập nhóm thiện nguyện “Sống - để yêu thương” đến nay, thầy và các thành viên trong nhóm đã làm hàng trăm chương trình thiện nguyện trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, với nhiều địa điểm vùng sâu, vùng xa trao quà, áo ấm... Đặc biệt, trong trận lũ miền Trung năm 2016, thầy cùng nhóm thiện nguyện “Sống - để yêu thương” đã quyên góp được hơn 1 tỷ đồng gồm tiền mặt và nhiều đồ dùng cần thiết, như: mì tôm, chăn, quần áo, đèn pin... Nói về chuyến đi từ thiện ấy, thầy Tình chia sẻ: “Sau khi nhận sự ủy thác từ các tấm lòng hảo tâm, tôi và một vài thành viên trong nhóm đã thuê xe, thuyền để vận chuyển quà hỗ trợ đến những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do bão lụt của tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Cuộc sống của người dân khi đó rất khó khăn, có những điểm sạt lở mạnh, mọi người phải đi men theo dòng nước để đến nơi phát quà. Được chứng kiến hình ảnh người dân rạng rỡ, phấn khởi khi nhận quà, ai nấy đều xúc động”.

Là một thầy giáo, thầy Tình dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến các em học sinh có hoàn cảnh éo le, như: bố mẹ ly thân, bố hoặc mẹ không may mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động hay qua đời... Sự mất mát, thiếu thốn về tình cảm hay vật chất phần nào sẽ tác động đến việc học tập của các em, nhiều em có nguy cơ bỏ học. Vì thế, khi biết những trường hợp trên, thầy trực tiếp nắm bắt thông tin báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm, chi hội chữ thập đỏ, ban giám hiệu rồi đi vận động bạn bè, đồng nghiệp và kêu gọi trên mạng xã hội... để tìm nguồn kinh phí giúp đỡ các em một cách thiết thực nhất nhằm củng cố và ổn định tinh thần để các em yên tâm học tập. Việc làm này đã giúp hàng chục học sinh không phải bỏ học để lao động trước tuổi.

Điển hình như trường hợp em Lê Thị Hoài, ở phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn. Mẹ mất khi Hoài còn nhỏ, em ở với bà nội già yếu và bố. Bố là lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, vào giữa năm 2019, bố em bị tai nạn lao động rất nặng. Nguy cơ Hoài phải nghỉ học để đi làm lấy tiền chăm sóc bố và bà nội rất cao. Biết được hoàn cảnh của Hoài, thầy Tình đã vận động các mạnh thường quân, kết hợp kêu gọi các nhóm hội thiện nguyện khác cùng tham gia hỗ trợ kinh tế giúp em yên tâm học tiếp. Hiện, Hoài đã là sinh viên năm thứ 2 đại học, em cũng trở thành thành viên tích cực trong nhóm thiện nguyện “Sống - để yêu thương”.

Không chỉ quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà ngay cả với những học sinh biết vươn lên trong học tập để giành những thứ vị cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, thầy Tình cũng kết nối với các mạnh thường quân, cựu học sinh để xin kinh phí khen thưởng và cấp học bổng nhằm khích lệ các em trong dịp bế giảng và phát thưởng cuối năm học.

Với tâm niệm gieo trồng cây nhân ái thì sẽ gặt được quả lành, thầy Tình còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương. Đều đặn mỗi năm 2 lần thầy đều tham gia hiến máu cứu người. Đến nay, thầy đã tham gia hiến máu được hơn 12 lần. Hiện thầy là thành viên hội hiến máu thường trực của hội chữ thập đỏ. Thầy chia sẻ: “Làm thiện nguyện, bản thân mình luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, có nhiều dẫn chứng sinh động về con người, cuộc sống xung quanh để giáo dục các em học sinh biết yêu thương, biết chia sẻ với những người nghèo khổ xung quanh mình”.

Với những đóng góp thường xuyên và có ý nghĩa đó, thầy Lâm Thanh Tình đã được Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thị đoàn Nghi Sơn tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng.

Thầy giáo Lê Việt Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 2, nơi thầy Tình đang công tác, cho biết: “Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, thầy Tình rất nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp trong nhà trường. Những việc làm thiện nguyện của thầy Tình được ban giám hiệu nhà trường và nhiều học sinh cũng như giáo viên ủng hộ. Bởi, nó chính là bài giảng thiết thực nhất cho học sinh toàn trường về lòng nhân đạo, lá lành đùm lá rách”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]