(Baothanhhoa.vn) - Những ngày qua, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên nhiệt độ tại Thanh Hóa liên tục ở ngưỡng 38 đến 40 độ C. Thậm chí, vào thời điểm giữa trưa, nhiệt độ ngoài trời tại một số khu vực lên đến 41-42 độ C. Thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nắng nóng - cuộc sống người dân bị đảo lộn

Những ngày qua, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên nhiệt độ tại Thanh Hóa liên tục ở ngưỡng 38 đến 40 độ C. Thậm chí, vào thời điểm giữa trưa, nhiệt độ ngoài trời tại một số khu vực lên đến 41-42 độ C. Thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Những ngày nắng nóng lao động tự do khó kiếm việc làm, họ phải tìm những chỗ mát để tránh nắng.

Những ngày này, có đi lại trên đường mới cảm nhận rõ cái nắng khó chịu đến mức nào. Nhưng trên các công trình xây dựng, công nhân lao động vẫn cặm cụi làm việc bất chấp nắng nóng phả liên tục vào mặt. Làm nghề xây dựng gần chục năm, anh Nguyễn Quang Hùng, thị trấn Quán Lào (Yên Định) cho hay: Việc đứng cheo leo giữa giàn giáo chênh vênh trên cao, nếu không quen khó có thể trụ nổi. Điều lo sợ lớn nhất đối với anh và những bạn nghề vẫn là cơn say nắng bất chợt khiến bị choáng. Thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn so với mọi năm, nắng gắt kéo dài nhiều ngày, nếu cứ tiếp tục thế này thì tôi cùng anh em thợ sẽ phải làm tăng ca vào ban đêm mới kịp tiến độ xây dựng.

Mặc cho hơi nóng và bụi đường, khói xe cuốn theo những cơn gió phả vào da người, những người chạy xe ôm vẫn đi dọc các con đường quanh thành phố, khu vực các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết để mưu sinh. Anh Trần Xuân Kiên, lái xe ôm tại thị trấn Hà Trung chia sẻ: trời nắng cũng như trời mưa, với cánh xe ôm thường rất ít khách chọn đi, họ thường chọn xe taxi để di chuyển. Thi thoảng gặp khách nào quen lắm họ mới nể tình mà đi xe ôm. Trời nắng, khách ít, mà chạy xe rất vất vả. Những ngày nắng nóng, những người hành nghề xe ôm như anh Kiên chỉ chạy được trung bình 3 – 4 khách mỗi ngày, thu nhập khoảng 100 - 150 nghìn đồng, thấp hơn một nửa so với ngày thường.

Trong những ngày nắng nóng như “đổ lửa” này, cuộc sống của công nhân trong các khu nhà trọ chật chội càng khốn khổ hơn gấp bội. Giấc ngủ chập chờn vì trời nóng, khiến người lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, “lơ mơ”. Để chống chọi với cái nóng khủng khiếp, họ đã nghĩ ra mọi cách: Tự chế điều hòa hộp xốp, quạt làm mát... nhưng vẫn không lại với thời tiết. 10 giờ 30 phút sáng ngày 3-7, trong cái nóng hầm hập, tôi tìm đến phòng trọ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh, làm công nhân tại Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa). Hai anh chị đang thuê trọ tại phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa). Buổi sáng, anh đi làm, còn chị ở nhà, mệt mỏi nằm dưới sàn với chiếc quạt điện chạy hết công suất nhưng không thể xua đi những luồng hơi nóng hầm hập từ mái nhà lợp tôn phả xuống. Thấy có khách đến, chị rệu rã ngồi dậy với khuôn mặt bơ phờ, mắt thâm quầng. “Chị thông cảm! Cả đêm hôm qua trời nóng quá, em không ngủ được nên giờ người cứ “lơ tơ mơ” như đi trên mây vậy. Không chỉ hôm qua, mấy hôm nắng nóng em đều như vậy” - chị Ánh phân trần.

Dạo một vòng quanh các chợ Điện Biên, Đông Sơn, Trường Thi, Tây Thành... và một số chợ vùng ven TP Thanh Hóa chúng tôi nhận thấy, lượng người mua - bán tại đây giảm rất nhiều, đến khoảng 10 giờ các chợ chỉ còn người bán, hầu như không thấy người đến mua hàng. Tìm hiểu được biết, gần một tuần qua, sức tiêu thụ thực phẩm chậm, người dân đa phần mua những đồ ăn mát như rau, củ, quả và đồ ăn sẵn. Các cửa hàng bán quần áo, tạp hóa, hoa quả tại các chợ cũng chỉ mở bán đến 11 giờ trưa và mở lại vào lúc 16 giờ chiều. Chị Nguyễn Thị Lan, bán hoa quả tại chợ Điện Biên cho biết: “Mấy ngày nắng nóng này tôi chỉ bán đến trưa là đóng cửa về nghỉ, lúc nắng nóng khách không có mà đồ hoa quả bày ra héo hết, lãi chả thấy đâu chỉ thêm mệt người”.

Theo dự báo, nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài một vài ngày nữa, để tránh tác hại do nắng nóng gây ra, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều là đỉnh điểm tác động của tia cực tím, vì vậy người dân nên hạn chế đi ra đường, đặc biệt đối với trẻ em. Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày như sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính... Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]