(Baothanhhoa.vn) - Đứng bên ngôi nhà 2 tầng đang xây dựng khang trang, anh Hà Văn Tùng, ở bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) vui mừng cho biết: “Sau gần 5 năm chịu khó làm việc ở Hàn Quốc, tôi trở về địa phương và đã trả hết số tiền vay của ngân hàng trước đó. Ngoài ra, tôi còn tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng để xây nhà và mua sắm các vật dụng khác trong gia đình. Hiện tại, tôi đang học thêm tiếng Hàn để tiếp tục thi tuyển đi lao động tại Hàn Quốc. Không chỉ tôi mà còn có khoảng 20 người nữa ở địa phương cũng đang theo học lớp tiếng Hàn để thi tuyển đi lao động tại Hàn Quốc và các nước khác”.

Mường Lát đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Đứng bên ngôi nhà 2 tầng đang xây dựng khang trang, anh Hà Văn Tùng, ở bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) vui mừng cho biết: “Sau gần 5 năm chịu khó làm việc ở Hàn Quốc, tôi trở về địa phương và đã trả hết số tiền vay của ngân hàng trước đó. Ngoài ra, tôi còn tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng để xây nhà và mua sắm các vật dụng khác trong gia đình. Hiện tại, tôi đang học thêm tiếng Hàn để tiếp tục thi tuyển đi lao động tại Hàn Quốc. Không chỉ tôi mà còn có khoảng 20 người nữa ở địa phương cũng đang theo học lớp tiếng Hàn để thi tuyển đi lao động tại Hàn Quốc và các nước khác”.

Mường Lát đẩy mạnh xuất khẩu lao độngNgôi nhà của anh Hà Văn Tùng, ở bản Pọng, xã Quang Chiểu được xây dựng bằng nguồn tiền đi XKLĐ tại Hàn Quốc.

Trao đổi với chúng tôi về công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở địa phương, ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu chia sẻ: Là xã vùng cao biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đông nên công tác XKLĐ được coi là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, những năm gần đây nhiều người dân trong xã đã lựa chọn hình thức XKLĐ để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho gia đình. Trung bình mỗi lao động đi XKLĐ gửi về nước từ 10 - 15 triệu đồng/tháng; thậm chí một số lao động ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc gửi về mức cao hơn từ 15 - 30 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động có công việc ổn định, chỉ chưa đầy một năm sau đã trả xong số tiền vay ngân hàng và còn gửi tiền về cho gia đình. Số người đi XKLĐ trong xã không ngừng tăng là do hiệu quả kinh tế từ XKLĐ mang lại. Riêng năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn xã có 113 trường hợp XKLĐ ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Rumani và Liên bang Nga. Để đạt được kết quả trên là do những năm qua, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được đi XKLĐ. Người trẻ tuổi, có sức khỏe tốt tham gia XKLĐ sau 3 năm hết thời hạn tiếp tục ký hợp đồng gia hạn thêm 22 tháng. Khi trở về, những người lao động vừa có được một công việc phù hợp, tích lũy thêm được những kinh nghiệm, nâng cao tay nghề khi đã làm ở nước sở tại, vừa dành dụm được một khoản tiền để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Không chỉ xã Quang Chiểu mà hiện nay hầu hết các xã trên địa bàn huyện Mường Lát có số người đi XKLĐ tăng theo từng năm. Ông Trương Văn Bình, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND, ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh về “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2021”. Theo đó, huyện cũng đã triển khai, áp dụng Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND cho tất cả người dân đi XKLĐ với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Với cơ chế, chính sách này, số lượng người dân tại huyện Mường Lát đi XKLĐ tăng lên theo từng năm. Cụ thể, năm 2016 mới có 21 người đi làm việc tại nước ngoài thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 50 người; năm 2020 là 110 và năm 2021 có gần 200 người lao động; riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 67 lao động hợp đồng đi XKLĐ nước ngoài. Người dân tại địa phương đi XKLĐ chủ yếu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên chính sách hỗ trợ 100% lãi suất trong 24 tháng của tỉnh đã tạo động lực để bà con đi XKLĐ nhiều hơn. Tuy nhiên, những năm số lượng người đi XKLĐ tăng thì lại tập trung ở các thị trường có mức thu nhập thấp như: Ả Rập Xê Út, Angieri, Rumani và Đài Loan, với các đơn hàng chủ yếu là giúp việc gia đình. Các thị trường mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản số lượng người đi XKLĐ hằng năm chỉ đạt trên dưới vài chục người. Riêng thị trường Nhật Bản mới được triển khai thực hiện ở huyện Mường Lát trong vài năm trở lại đây có mức thu nhập bình quân là 30 triệu đồng/người/tháng, nhưng mức phí đi XKLĐ ở thị trường này lại cao, khoảng trên 130 triệu đồng/người, đồng thời cũng khó gia hạn và tái xuất cảnh... Vì thế, để hoạt động XKLĐ tại địa phương đạt kết quả cao hơn nữa, thời gian tới huyện sẽ đề nghị các ngành chức năng tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt tại thị trường Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Thực tế cho thấy, XKLĐ đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân huyện Mường Lát, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thời gian tới, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh và sự quan tâm của các sở, ban, ngành... nhiều lao động trên địa bàn huyện Mường Lát sẽ tiếp tục đăng ký đi XKLĐ ở các thị trường có nhu cầu tuyển lao động, mở rộng hơn nữa sang các nước phát triển. Đây cũng là cơ hội để lao động học hỏi, trau dồi và tích lũy kiến thức về nghề đã được đào tạo; nâng cao trình độ, dễ dàng tìm kiếm những việc làm phù hợp sau khi trở về nước với mức thu nhập cao, ổn định đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bài và ảnh: Ngọc Tiến



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]