(Baothanhhoa.vn) - Về thôn Trà La, xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) những ngày tháng 7, con đường đê uốn lượn ven bờ sông Mã mang lại cảm giác bình yên đến lạ. Với địa hình trên núi, dưới sông, phía Đông giáp huyện Hậu Lộc, phía Bắc giáp huyện Hà Trung, phía Tây giáp huyện Yên Định, Thiệu Hóa, vùng đất Trà La nằm cách biệt với các thôn khác trong xã và là thôn xa nhất về phía Tây Bắc của huyện Hoằng Hóa.  Từ điểm dừng chân này, cũng có thể ngắm nhìn vùng Ngã Ba Bông rộng lớn - nơi “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe” với những trầm tích văn hóa - tâm linh truyền đời.

Mùa sim chín ở Trà La

Về thôn Trà La, xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) những ngày tháng 7, con đường đê uốn lượn ven bờ sông Mã mang lại cảm giác bình yên đến lạ. Với địa hình trên núi, dưới sông, phía Đông giáp huyện Hậu Lộc, phía Bắc giáp huyện Hà Trung, phía Tây giáp huyện Yên Định, Thiệu Hóa, vùng đất Trà La nằm cách biệt với các thôn khác trong xã và là thôn xa nhất về phía Tây Bắc của huyện Hoằng Hóa. Từ điểm dừng chân này, cũng có thể ngắm nhìn vùng Ngã Ba Bông rộng lớn - nơi “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe” với những trầm tích văn hóa - tâm linh truyền đời.

Mùa sim chín ở Trà LaĐến mùa sim chín, bà Lê Thị Chuyên, thôn Trà La, xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) lại lên đồi hái sim.

Ở đây có rất nhiều ngọn núi, Nhân dân địa phương quen gọi với những cái tên quen thuộc, như: núi Đồng Bằng, núi Bái, núi Phượng, núi Ổ Gà... Đây cũng từng là vùng chè nổi tiếng của huyện Hoằng Hóa. Một điểm đặc biệt mà ít người biết đến ở vùng bán sơn địa này đó là nơi có những đồi sim tự nhiên mọc xen trong rừng. Sim nở hoa vào độ tháng 3 và bắt đầu chín vào độ tháng 6 âm lịch. Vào mùa sim chín rộ, cứ khoảng 5 giờ sáng mỗi ngày, người dân ở thôn Trà La lại tập trung thành từng nhóm, người xách giỏ, người mang làn, túi bóng lên rừng để hái sim.

Chúng tôi theo chân bà Lê Thị Chuyên, một người phụ nữ lớn tuổi, sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng đất này lên đồi sim. Những bụi sim rải rác ở lưng chừng đồi hiện ra trước mắt tôi. Những cành sim khẳng khiu như dồn hết tinh túy cho mùa quả chín. Quả sim nhỏ bằng đầu ngón tay nhưng no nắng chín lúc lỉu trên cành. Ăn vào có vị ngọt, hơi chát... Món quà quê dân dã, bình dị, ngon lành mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này đã giúp không ít người dân để trang trải cuộc sống.

Vừa hái sim, bà Chuyên vừa kể cho tôi nghe về chuyện của những người dân trong thôn Trà La. Trước đây, vùng đất Hoằng Xuân chỉ là núi đồi hoang dại mọc bạt ngàn cây sim. Cứ vào khoảng tháng 6 âm lịch, quả sim chín mọng trên đồi, người dân trong thôn lại hái mang về thưởng thức như một thức quả “ăn chơi”. Một số ít được mang bán tại các chợ ở các vùng quê trong huyện. Thời ấy, cây sim chưa có giá trị kinh tế nên rừng sim dần dần bị thu hẹp, thay vào đó, người ta trồng keo, bạch đàn... Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều người biết đến công dụng của quả sim nên nó nhanh chóng trở thành hàng hóa, được nhiều người hỏi mua, theo đó số người đi hái sim ở Trà La càng nhiều hơn. Trong thôn, kể ra cũng có tới vài chục người đi hái sim. Một số gia đình huy động 2 - 3 người đi hái sim; nhiều chị em làm công nhân, tranh thủ ngày cuối tuần cũng đi hái sim kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày chỉ vài tiếng đồng hồ, người nào chăm chỉ, nhanh nhẹn có thể hái được 7 - 8kg/ngày, thậm chí nhiều hơn. Sim hiện nay được thu mua với giá dao động khoảng 20.000 đồng/kg nên chỉ cần chịu khó dậy sớm, lên đồi hái sim là có thêm “đồng ra, đồng vào”.

Vào mùa sim chín, những ngọn đồi bình thường thưa vắng người qua lại nay râm ran tiếng trò chuyện, hỏi han, cười nói của những người hái sim. Câu hỏi mà họ chào nhau thường sẽ là: “Bà hái được nhiều chưa?”, “Hôm qua ông hái được mấy cân?”... Rồi có người khiêm tốn trả lời, có người thì hồ hởi khoe thành quả lao động của ngày hôm trước. Lang thang giữa đồi sim, điều tôi cảm nhận được trong câu chuyện của những người đi hái sim đó là không có bon chen, giành giật, hơn thua, ai nấy đều vui vẻ, vô tư, đoàn kết, nhường nhịn, hỗ trợ cho nhau cùng hái sim.

Ông Đặng Văn Lưu, khoảng 60 tuổi, là một trong những người hái sim “năng suất” trong thôn kể: “Muốn hái được nhiều sim phải leo lên tận vùng “bái sim” - nơi sim mọc dày nằm trên đỉnh núi. Song, lên được đến đó cũng khá xa và vất vả, vì không có đường đi, núi dốc, lại dễ bị ong rừng đốt nên chỉ một số người nhanh nhẹn, có kinh nghiệm mới đủ sức leo lên. Những người khỏe mạnh thường lên đó hái còn những bụi sim nằm rải rác ở vùng thấp nhường cho người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ”.

Mùa hái sim ở Trà La chỉ kéo dài trong khoảng tháng 6 âm lịch. Đến tháng bảy mưa ngâu, những lứa sim cuối mùa bỗng dưng hết ngọt, không phổng phao mà thường bị sâu. Người dân ở đây bảo rằng sim ấy ăn chát, ít nhựa mà đặc toàn hạt, ấy là lúc sim bị ngâu nên họ không đi hái nữa. Do vậy, mùa vụ chỉ rộ trong vài tuần nên sim hái được bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu, bà con thu ngay “tiền tươi” sau mỗi buổi hái sim nên ai cũng phấn khởi. Trong xã, có người ở thôn khác cứ khoảng 9 giờ sáng lại đi xe máy chở cả chục thùng xốp trắng đi vào thôn Trà La thu mua sim cho bà con để về làm rượu sim.

Theo đông y, quả sim có vị ngọt, chát, tính bình có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc, thường dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén, người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh. Có lẽ biết được những đặc tính tốt của loại quả này mà vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng sim rừng tăng mạnh.

Trong xã hiện có 1 hộ gia đình sản xuất rượu sim rừng quy mô lớn với tên gọi Rượu Sim rừng Bảo An. Nguồn nguyên liệu để sản xuất loại rượu này chính là sim rừng ở thôn Trà La. Đây cũng là sản phẩm được địa phương lựa chọn tham gia chương trình OCOP của tỉnh và đã được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP năm 2021. Đây là một tín hiệu vui, mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng trong việc phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng như khai thác tốt điều kiện tự nhiên ở vùng đất này.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]