(Baothanhhoa.vn) - Trong cái hối hả của những ngày cuối năm, đồng hành cùng cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đến những địa chỉ sử dụng nguồn vốn vay từ NHCSXH, chúng tôi có thêm những cảm nhận về trách nhiệm của những người chung sức đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Mùa xuân no ấm đã về với những hộ nghèo, gia đình chính sách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mang mùa xuân ấm no đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách

Trong cái hối hả của những ngày cuối năm, đồng hành cùng cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đến những địa chỉ sử dụng nguồn vốn vay từ NHCSXH, chúng tôi có thêm những cảm nhận về trách nhiệm của những người chung sức đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Mùa xuân no ấm đã về với những hộ nghèo, gia đình chính sách.

Mang mùa xuân ấm no đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sáchNgười dân huyện miền núi Bá Thước phấn khởi khi được tiếp cận với nguồn vốn chính sách.

Xã Tân Phúc (Lang Chánh) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao so với bình quân chung của cả tỉnh và kết cấu hạ tầng còn khó khăn. Vì vậy, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước rất cần đối với phát triển kinh tế của địa phương, là “đòn bẩy” quan trọng giúp người dân nơi đây có cơ hội thoát nghèo. Nhận 50 triệu đồng được giải ngân nhanh chóng, bà Hà Thị Duyên, ở thôn Tân Phong nhìn cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH Lang Chánh với ánh mắt thầm biết ơn, bởi từ nay gia đình có thêm tiền để đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi. Xuân đất trời hiện diện trên nụ hoa, nhành lá, còn xuân của con người ở những nụ cười, ước mong đời sống ngày một ổn định, phát triển. Không riêng bà Hà Thị Duyên, nhiều người đến với buổi giao dịch tại trụ sở xã Tân Phúc đều nở nụ cười tươi khi được cán bộ NHCSXH huyện trao tận tay đồng vốn. Trước đây, họ phải đến tận ngân hàng để làm thủ tục, nhiều người ở xa đi lại rất mất thời gian. Nay có những điểm giao dịch ngay tại xã, có thời gian làm việc cụ thể được báo trước, người dân có thể chủ động sắp xếp để làm việc với ngân hàng. Đến ngày trả lãi, giải ngân, người dân chỉ cần đến làm việc tại các điểm giao dịch nên mọi thứ đều rất thuận lợi, nhanh chóng.

Chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Xuân, cũng ở thôn Tân Phong khi chị đang chăm sóc con bò sắp sinh được mua từ nguồn vốn chính sách giải ngân năm 2018. Theo cán bộ ngân hàng, gia đình chị Xuân cũng vừa được vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nhằm tạo điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... để thoát nghèo. Mời chúng tôi vào căn nhà khang trang mới xây, chị Xuân phấn khởi khoe: Năm nay được đón tết trong căn nhà mới xây tôi vui lắm. Gia đình tiếp tục dùng đồng vốn của NHCSXH để tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi. Cảm ơn Nhà nước và cán bộ ngân hàng nhiều lắm!

Đến 31-12-2020, tổng dư nợ của NHCSXH Thanh Hóa đạt gần 10.100 tỷ đồng, với 299.622 hộ đang vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo 1.355 tỷ đồng với 32.798 hộ vay vốn; cho vay hộ cận nghèo 2.868 tỷ đồng, với 60.020 hộ được vay vốn; cho vay hộ mới thoát nghèo 1.721 tỷ đồng, với 36.423 hộ được vay vốn; cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 1.286 tỷ đồng với 32.271 khách hàng đang vay vốn... Nguồn vốn chính sách có tác động không nhỏ đến thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân; người dân biết tiết kiệm để đầu tư mở rộng sản xuất.

NHCSXH Thanh Hóa đạt được những thành tích đáng kể đó, trước tiên là bởi luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể đã tạo lực cho nguồn vốn tín dụng ưu đãi tham gia trực tiếp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay đã bám sát nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội...

Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH được khẳng định khi mà các đối tượng thụ hưởng có cơ hội và tiền đề tiếp cận với hệ thống tín dụng, tài chính, với khoa học công nghệ và tư duy làm ăn mới. Từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, xây dựng ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề, dịch vụ... Những kết quả này đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và tạo sự ổn định xã hội trên địa bàn. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoạt động của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác được củng cố và phát triển, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả đến với người dân. Đây là một khối liên kết vững chắc và có tác động tích cực đến việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới.

Mang mùa xuân ấm no đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sáchHộ nghèo xã Hà Châu (Hà Trung) sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Đồng chí Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH Thanh Hóa, cho biết: Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã được phủ rộng đến 100% thôn, bản với 6.911 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 4 tổ chức hội, đoàn thể quản lý. Cùng với nguồn vốn được tăng cường từ ngân sách địa phương, NHCSXH tỉnh đã đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn. Trong thời gian tới, NHCSXH Thanh Hóa tiếp tục tăng cường tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung tham mưu cho UBND các cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH Thanh Hóa để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Bên cạnh đó, tham mưu cho NHCSXH Việt Nam chuyển nguồn vốn ngân sách Trung ương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội làm công tác ủy thác cho vay ở từng địa phương để quản lý đồng vốn có hiệu quả, tiếp tục mở rộng hoạt động, thực hiện mục tiêu của Chính phủ về xóa đói, giảm nghèo theo đúng tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đón xuân Tân Sửu, nhìn lại hành trình 18 năm thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi ở Thanh Hóa rất đáng tự hào, chất lượng tín dụng luôn được củng cố, nâng cao. Toàn bộ hoạt động của NHCSXH đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu, mở lối thoát nghèo cho Nhân dân, giúp địa phương thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh: Minh Hà


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]