(Baothanhhoa.vn) - Tôi biết đến Ngân Văn Nghĩa - thủ lĩnh đoàn thanh niên xã vùng cao biên giới Na Mèo qua những lời ngợi khen từ các đồng chí ở Huyện đoàn Quan Sơn. Một chàng trai được đánh giá là năng động, nhiệt huyết trong xây dựng, phát triển các phong trào Đoàn, phát hiện bồi dưỡng các đoàn viên cơ sở cũng như xây dựng nhiều hoạt động xã hội hướng đến người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền.

“Mầm xanh” phía chân đồi

Tôi biết đến Ngân Văn Nghĩa - thủ lĩnh đoàn thanh niên xã vùng cao biên giới Na Mèo qua những lời ngợi khen từ các đồng chí ở Huyện đoàn Quan Sơn. Một chàng trai được đánh giá là năng động, nhiệt huyết trong xây dựng, phát triển các phong trào Đoàn, phát hiện bồi dưỡng các đoàn viên cơ sở cũng như xây dựng nhiều hoạt động xã hội hướng đến người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền.

“Mầm xanh” phía chân đồiĐoàn xã Na Mèo làm đồ chơi tự tạo từ tre luồng cho các cháu mầm non xã (Ngân Văn Nghĩa ngoài cùng bên phải). Ảnh: Đình Giang

Những “dấu ấn” phong trào Đoàn

Tảng sáng, huyện vùng cao Quan Sơn hãy còn chìm trong sương lạnh. Ngân Văn Nghĩa, Bí thư Đoàn xã Na Mèo đã tất tả hối thúc các đoàn viên chuẩn bị hành trang ngược bản. Nghĩa dõng dạc: “Các bạn kiểm tra lại xăng xe, đồ đoàn. Nhiệm vụ hôm nay ở 2 bản cách xa nhau, đêm qua trời mưa nên đường đi hôm nay sẽ rất vất vả, nếu không nhanh thì sẽ khó có thể hoàn thành”.

Theo Nghĩa, chương trình “Góc học tập cho em” có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tàn tật trên địa bàn xã do đoàn viên thanh niên xã phát động luôn nhận được sự đồng hành, đánh giá cao của chính quyền địa phương và con em xa quê. Riêng năm 2022, chương trình đã hỗ trợ được 40 bộ bàn ghế học tập và 25 suất quà cho các em trong dịp Tết Trung thu với nguồn kinh phí hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên khi nói về những khó khăn, sự trăn trở từ chương trình, Nghĩa cho rằng: “Nhiều bản làng vùng biên còn khó khăn, nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le, nghèo khó, có nhiều trẻ em mồ côi, tật nguyền cần được hỗ trợ, giúp đỡ,... nhưng nguồn kinh phí xã hội hóa để duy trì là hết sức khó khăn”.

Theo xe đồng chí bí thư đoàn xã, vượt qua những con đường khúc khuỷu trơn trượt, chúng tôi cũng đến được nhà của 2 cháu Lò Việt Cường (học sinh lớp 1) và Lò Đình Tùng (học sinh lớp 4) ở bản Na Mèo. Trường hợp 2 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ là chị Hà Thị Von không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy, thu nhập cũng chẳng được là bao. Thêm vào đó chị Von sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm.

Gia đình chị Von thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay của xã. Trong ngôi nhà lụp xụp, trống huơ trống hoắc, một vài đồ đạc để ngổn ngang chưa được dọn dẹp, căn bếp nhếch nhác với những nồi niêu đen đúa... chị Von cố gắng gượng dậy khỏi chiếc giường ọp ẹp sau 2 ngày sốt cao mê mệt. Chẳng ai bảo ai, các đoàn viên, mỗi người mỗi việc, xắn tay dọn dẹp lại căn nhà, lựa chọn vị trí học tập thích hợp để bố trí bàn ghế.

Nhìn góc học tập ấm cúng khi hoàn thành với bộ bàn ghế mới, Tùng, Cường vui ra mặt. Không vui sao được khi từ trước đến nay các em không có được một góc học tập. Tiện đâu lôi sách học đó, khi thì nằm trên giường, lúc thì trải chiếc chiếu giữa nhà nằm viết. Giờ có góc học tập, có bàn ghế mới để ngồi, có đèn học chiếu sáng... hai đứa hứa với các anh chị đoàn viên sẽ cố gắng học tập.

Qua những bản nghèo, chứng kiến những hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, những đứa trẻ không được thụ hưởng đầy đủ điều kiện để học tập, sinh hoạt mới thấy được ý nghĩa, giá trị nhân văn từ những chương trình do các bạn trẻ đoàn viên ở xã vùng biên này đang triển khai. Cũng chỉ 500 nghìn đồng cho một góc học tập với bàn ghế, đèn điện, hay mỗi suất quà trong ngày lễ, tết, dịp trung thu đến với các em học sinh nghèo, học sinh tàn tật đã là cả một sự sẻ chia to lớn. Theo chia sẻ của Nghĩa, thì do khó khăn về nguồn kinh phí, nên các phong trào của đoàn viên thanh niên xã chủ yếu gắn với sự hỗ trợ ngày công giúp người dân trong việc xây dựng nhà cửa, dọn dẹp môi trường, làm đồ chơi tự tạo cho trẻ trường mầm non từ những vật dụng chai lọ hay tre, luồng...

Đặc biệt 2 năm qua, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đoàn thanh niên xã đã không ngại khó, ngại khổ đi từng bản, gõ từng nhà dân để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nghĩa cho biết, là xã biên giới có 9 bản làng, trong đó có nhiều bản xa xôi, cách trở như: bản Son, bản Cha Khót, Na Poọng... việc sử dụng loa phóng thanh hay công tác tuyên truyền qua các mạng xã hội không phát huy hết được hiệu quả. Từ thực tiễn đó, Ban Chấp hành Đoàn xã Na Mèo đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, lực lượng công an, quân sự, công chức văn hóa xã thường xuyên ra quân tuyên truyền lưu động, cấp phát khẩu trang, tờ rơi cũng như nhắc nhở bà con trong công tác phòng dịch. “Có những cụ ông, cụ bà người Thái, người Mông không sõi tiếng Kinh, đoàn viên, thanh niên lại phải chuyển sang tuyên truyền bằng tiếng Thái, tiếng Mông nhắc nhở bà con việc đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài, tiếp xúc người lạ” - Nghĩa cho biết.

Đến thủ lĩnh đoàn năng nổ, nhiệt huyết

Không chỉ được đánh giá cao trong các phong trào đoàn xã, đoàn huyện, chàng thanh niên người Thái - Ngân Văn Nghĩa còn được bản làng yêu quý vì tinh thần ham học. Tháng 6-2014, sau khi tốt nghiệp Khoa Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nghĩa trở về quê tập trung phát triển kinh tế gia đình, tham gia phong trào Đoàn tại bản Na Mèo. Với năng lực và sự nhiệt huyết, nhanh chóng Nghĩa được bầu làm là bí thư chi đoàn bản Na Mèo rồi bí thư đoàn xã. Với cương vị là thủ lĩnh Đoàn, Nghĩa quyết tâm trở thành cán bộ thực sự gương mẫu, tận tụy với công việc, tiên phong trong phát triển kinh tế để làm gương cho đoàn viên, thanh niên. Năm 2015, chàng thanh niên bắt đầu khởi nghiệp nuôi bò. Nghĩa dùng hết số tiền tích góp của hai vợ chồng mua được một cặp bò sinh sản. Với 2 con bò ban đầu, đến nay đàn bò của Nghĩa luôn duy trì khoảng hơn 10 con.

Nhìn thấy mô hình nuôi bò cho thu nhập của Nghĩa, đoàn viên, thanh niên trong xã cũng mạnh dạn làm đơn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi với ước mơ thoát nghèo. Nghĩa cho biết, với cương vị là bí thư đoàn xã, Nghĩa đã giúp một số thanh niên trong bản tiếp cận được với nguồn vốn vay theo chương trình Quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với nguồn vốn vay trên nhiều thanh niên trong bản đã duy trì được mô hình kinh tế cho thu nhập. Có thể kể đến trường hợp của đoàn viên Hoàng Văn Thúc, bản Na Mèo với mô hình nuôi dúi rừng. Mô hình này cho thu nhập cao, cả trăm triệu đồng mỗi năm. Hay trường hợp đoàn viên Thao Văn Dế, bí thư chi đoàn bản Ché Lầu vay vốn nuôi bò, phát triển kinh tế đồi rừng...

“Mầm xanh” phía chân đồiBí thư đoàn xã Ngân Văn Nghĩa bên “Góc học tập cho em".

Cùng với mô hình nuôi bò, Nghĩa còn đảm nhận 3 ha đất đồi để trồng vầu. Đồi vầu của Nghĩa hợp đất, phát triển nhanh, sau gần 4 năm trồng, nay đã sắp đến kỳ thu hoạch. Mỗi ha vầu cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng. Nghĩa nhớ, ban đầu chỉ có 5 hộ đoàn viên cùng Nghĩa trồng vầu, phát triển kinh tế, nhưng đến nay phong trào trồng vầu đã được nhân rộng, tận dụng hết những quỹ đất xấu, trồng lúa không hiệu quả. Nhà ít cũng vài ba ha vầu, nhà nhiều lên đến cả chục ha. “Nhìn những đồi vầu cứ ngày một vươn cao, xanh tốt bản thân rất vui. Hy vọng vào một ngày không xa những đồi vầu trên vùng đất cằn cỗi này sẽ giúp bà con dân bản “đuổi” được nghèo” - Nghĩa tâm sự.

Sau gần 10 năm hoạt động với cương vị là Bí thư Chi đoàn bản Na Mèo rồi đến Bí thư Đoàn xã Na Mèo, kỷ niệm mà Nghĩa nhớ nhất, đó là vào tháng 5-2020, ngày nhận nhiệm vụ bí thư đoàn xã cũng là lúc Nghĩa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bà con xây dựng bản nông thôn mới ở Sa Ná. Nghĩa cùng các đoàn viên trong xã mang theo tinh thần xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ đến với vùng đất lũ Sa Ná. Sau 1 tháng ròng ở Sa Ná, đội của Nghĩa dọn dẹp, trồng cây, dọn vệ sinh rồi đổ đường bê tông vào bản. Khi những con đường bê tông được hình thành, khu vườn của bà con bắt đầu gieo hạt giống mới, đó mới là lúc màu áo xanh của các đoàn viên rời Sa Ná.

Ông Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, cho biết: Ngân Văn Nghĩa là bí thư đoàn nhiệt huyết, tận tụy với công việc. Với khả năng của mình, đồng chí đã cùng các đoàn viên, thanh niên khác trong xã thực hiện nhiều chương trình, phong trào xã hội thiết thực, có ý nghĩa. Bên cạnh đó, Nghĩa còn hăng hái tham gia phát triển kinh tế, cùng các đoàn viên khác trong xã khởi nghiệp với nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, thu nhập cao. Năm 2022, đoàn xã đã giới thiệu được 16 quần chúng đi học lớp nhận thức bồi dưỡng cảm tình Đảng và kết nạp mới được 6 đảng viên.

Bà Lương Thị Hương, Bí thư Huyện đoàn Quan Sơn, đánh giá cao sự năng nổ, tích cực của Bí thư Đoàn xã Na Mèo Ngân Văn Nghĩa. Những nhân tố như Nghĩa sẽ là những “mầm xanh”, “hạt giống đỏ” góp phần đắc lực trong các phong trào xung kích của đoàn thanh niên huyện vùng biên Quan Sơn, xứng đáng với khẩu hiệu “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]