(Baothanhhoa.vn) - Lương thấp, lao động vất vả lại tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc. Thế nhưng, tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, hàng năm vẫn có hàng chục người lựa chọn con đường này để mưu sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lao động “chui” tại Trung Quốc: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Lương thấp, lao động vất vả lại tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc. Thế nhưng, tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, hàng năm vẫn có hàng chục người lựa chọn con đường này để mưu sinh.

Lao động “chui” tại Trung Quốc: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Lực lượng công an huyện Quảng Xương tuyên truyền, vận động, thuyết phục công dân không xuất cảnh trái phép. Ảnh: Hà Mai.

Những hiểm họa khôn lường

Theo báo cáo của UBND xã Quảng Nham, năm 2018, toàn xã có 78 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc. Hiện nay, có 51 người trở về địa phương trước Tết Nguyên đán, còn lại 27 người vẫn đang lao động trái phép tại nước bạn. Công việc của các lao động này chủ yếu là làm trong các xưởng sản xuất đồ nhôm, ví da với mức lương từ 5 triệu – 10 triệu đồng/tháng.

Thôn Đông, xã Quảng Nham là một trong những thôn có số người đi xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc đông với 12 người (năm 2018). Hiện có 10 người đã trở về địa phương dịp trước Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019.

Lao động “chui” tại Trung Quốc: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Điều kiện kinh tế khó khăn khiến nhiều người dân xã Quảng Nham bất chấp những rủi ro để xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc.

Từng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc, rồi bị Công an Trung Quốc bắt giữ, anh Đ.V.S (SN 1991), thôn Đông, nhớ lại: “Tháng 6-2018, nghe theo lời rủ rê của bạn, sang Trung Quốc làm thuê được trả tiền công cao, tôi đã cùng bạn vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Chúng tôi bắt xe ra khu vực gần cửa khẩu Móng Cái, rồi có người chỉ dẫn xuống thuyền đi sang bên kia biên giới. Phía bên Trung Quốc có người đón rồi đưa chúng tôi đến làm việc tại một xưởng làm ví da ở tỉnh Quảng Đông với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng (chưa kể tăng ca).

Theo anh S, công việc cũng khá vất vả vì phải làm cả ngày, có những hôm tăng ca đến 2h sáng rồi 8h lại phải tiếp tục làm việc. Nơi ở thì chật chội, bữa ăn không đảm bảo với vài miếng thịt bèo nhèo cùng bát canh rau. Làm được 5 ngày thì bất ngờ anh S bị cảnh sát Trung Quốc bắt vì cư trú bất hợp pháp và giam giữ suốt 75 ngày mới được trả về nước mà không một đồng dính túi. Sau khi cầu cứu gia đình, anh S mới có tiền bắt xe về quê. “Cứ tưởng đi để giúp gia đình có thêm thu nhập, ai ngờ tiền mất tật mang, gia đình lại gánh thêm khoản nợ. Sau chuyến đi nhớ đời ấy, tôi trở về làm nghề biển. Hiện tôi đã làm hồ sơ để xin việc tại một công ty điện tử trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” – Anh Đ.V.S. tâm sự.

Lao động “chui” tại Trung Quốc: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Một góc thôn Đông, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương.

Chị L.T.Th (SN 1994, vợ anh Đ.V.S), cũng chia sẻ: Sợ gia đình lo lắng nên khi đi chồng tôi chỉ nói đi làm ăn xa cùng bạn. Khi sang đến Trung Quốc mới gọi điện về báo với gia đình. Biết chồng đi sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp, tôi ở nhà rất lo lắng. Khi nghe tin anh S bị bắt, mọi người trong gia đình “đứng ngồi không yên”, chỉ sợ có chuyện chẳng lành xảy ra. Những ngày anh ấy bị giam giữ, gia đình tôi luôn sống trong sợ hãi, không tin tức, không thể liên lạc… Sau lần ấy, tôi không muốn anh ấy đi làm ăn xa nữa. Cuộc sống còn khó khăn, nhưng tôi tin nếu chịu khó làm việc, trong nước cũng có nhiều nhà máy, công ty tạo cơ hội để chúng tôi thay đổi cuộc sống.

Nỗ lực… tuyên truyền

Quảng Nham là một trong những địa phương “nóng” về tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc. Tình trạng này thường diễn ra vào dịp sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, hàng năm chính quyền địa phương nơi đây vẫn tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Lao động “chui” tại Trung Quốc: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Anh Nguyễn Văn Đệ, Công an viên xã Quảng Nham, phụ trách địa bàn thôn Đông, đang tuyên truyền cho người dân trong thôn về việc xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc.

Ông Phạm Hồng Thái - Trưởng Công an xã Quảng Nham, cho biết: Quảng Nham là xã vùng biển có dân số đông với hơn 16.000 nhân khẩu/3.582 hộ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề khai thác, chế biển hải sản. Những năm gần đây, nghề biển không thuận lợi; trình độ người dân còn hạn chế, khó tìm xin việc… Vì vậy, những người đi xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc chủ yếu là lao động tự do có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Họ suy nghĩ rất đơn giản, là sau vài năm lao động tại nước ngoài, sẽ có một khoản tiền kha khá để về quê xây nhà, lập trang trại, hoặc mở cửa hàng buôn bán nhỏ... hay trả hết nợ nần.

Song đối với những người lao động xuất cảnh trái phép, họ đang phải “đánh cược” bằng tính mạng của mình. Bởi phần lớn những lao động này đều phải vượt biên trái phép qua đường mòn, lối tắt… tiềm ẩn nhiều hiểm nguy; làm việc trong điều kiện không có chế độ bảo hiểm; các chế độ tiền lương nơi ăn nghỉ… là do họ và chủ thuê lao động tự ý thỏa thuận.

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, xã Quảng Nham đã thường xuyên tuyên truyền, nhất là vào mỗi dịp trước và sau Tết Nguyên đán nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của người dân về xuất cảnh, nhập cảnh, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Cụ thể, tuyên truyền trong các cuộc họp tại thôn, xóm; bố trí công an viên dùng loa di động tuyên truyền ở tất cả các thôn; phát các bài tuyên truyền trên loa phát thanh của xã để người dân chấp hành đúng pháp luật. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng yêu cầu người dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép, không tổ chức, lôi kéo, rủ rê người dân xuất cảnh trái phép lao động tại Trung Quốc. Ngăn chặn không để tăng thêm số lao động xuất cảnh trái phép; đồng thời thông qua số lao động đã trở về nước để kêu gọi số lao động đang sống và làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, vận động người thân trong gia đình có lao động trái phép động viên họ trở về địa phương theo quy định pháp luật.

Thế nhưng, dù được tuyên truyền, vận động nhưng nhiều người dân vẫn cố tình vi phạm. Cụ thể: Tối ngày 08-2-2019 ( tức mùng 4 Tết Kỷ Hợi), phòng An ninh điều tra và công an huyện Quảng Xương đã phối hợp với Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh ngăn chặn kịp thời 11 người đang chuẩn bị lên xe ô tô khách BKS 14B3-023.15 chạy tuyến Nghệ An – Móng Cái để xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Trong số đó có 7 người thuộc xã Quảng Nham (4 người đi nhiều lần và 3 người đi lần đầu). Công an Tỉnh đã xử phạt hành chính đối với những người xuất cảnh trái phép nhiều lần về hành vi “Qua lại biên giới Quốc gia mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh” mức tiền là 4 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Đồng thời nhắc nhở và cho viết cam kết đối với những trường hợp chuẩn bị xuất cảnh trái phép lần đầu nhưng không thành.

Cũng theo ông Thái, tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc là trái pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đến sức khỏe, tính mạng… Tuy nhiên, hiện nay, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Bởi, khi người dân ra khỏi nơi cư trú đi làm ăn xa thường không báo cáo cụ thể với chính quyền địa phương, vì vậy rất khó phát hiện những trường hợp lao động xuất cảnh bất hợp pháp.

Thiếu việc làm, lao động không có tay nghề, khó xin việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc. Vì vậy, bài toán cần thiết nhất hiện nay là đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân môi giới lao động đi làm việc trái phép tại Trung Quốc theo quy định của pháp luật.

Hoàng Giang – Hoài Thu


Hoàng Giang – Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]