(Baothanhhoa.vn) - Hiếm có một làng quê nào trên dải đất hình chữ “S” lại có tới 18 người đỗ đầu trong các kỳ thi xuyên suốt các triều đại phong kiến Việt Nam. Từ xa xưa đến tận ngày nay, việc coi trọng sự học đã tạo nên bản sắc cho ngôi làng bên dòng sông Mã - làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa)...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng đại khoa bên dòng sông Mã

Hiếm có một làng quê nào trên dải đất hình chữ “S” lại có tới 18 người đỗ đầu trong các kỳ thi xuyên suốt các triều đại phong kiến Việt Nam. Từ xa xưa đến tận ngày nay, việc coi trọng sự học đã tạo nên bản sắc cho ngôi làng bên dòng sông Mã - làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa)...

Làng Nguyệt Viên nằm dọc theo đoạn cong của bờ tả sông Mã với thế lưu thủy, khoáng đãng.

Thế tinh anh hội tụ...

Không biết tự khi nào, sự học ở làng quê bên bờ tả sông Mã này đã trở nên nổi tiếng, được dân gian ca tụng: “Nguyệt Viên mười tám ông nghè/ Ông cỡi ngựa tía, ông che tán vàng”. Hương ước của làng Nguyệt Viên trong nhiều thời đại phong kiến còn được lưu giữ, đã đề cao sự học và khuyến khích việc học hành. Từ xưa, những chị, những mẹ có công nuôi chồng, nuôi con em học hành đỗ đạt luôn được dân làng nể kính. Khoán ước của làng được soạn lại năm Bảo Đại thứ 9 (năm 1934) còn quy định rõ từng điều khoản ưu tiên với người đang đi học, đề cao trọng vọng và có những ưu đãi đặc biệt với người đã đỗ đạt... Những người con quê hương đã thành danh, làm quan ở xứ người, cũng phải có trách nhiệm, hỗ trợ và có sự quan tâm trở lại với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của làng.

Từ quan niệm coi trọng sự học hành, đỗ đạt ấy, nên ở Nguyệt Viên, vẻ đẹp của người con trai được “áp” vào việc thành công trong khoa cử. Muốn được tôn vinh, mến mộ, đấng nam nhi ở đây phải là người chuyên tâm đèn sách, thông thạo kinh sử, trí tuệ. Từ đó, người phụ nữ ở đây cũng phải đảm đang, tạo điều kiện cho chồng, cho cánh nam nhi trong nhà học hành, thi cử thành tài. Đến nay, tại địa phương, vẫn còn lưu truyền một bài ca về những quan điểm này: “Gái thời giữ việc trong nhà/ Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa/ Trai thời đọc sách ngâm thơ/ Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa/ Mai sau nối được nghiệp nhà/ Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân”. Người đỗ đại khoa cuối cùng trong nền giáo dục phong kiến Việt Nam là cụ Lê Viết Tạo - chính là người con của làng Nguyệt Viên (sau khi đậu tú tài và giải nguyên, đến kỳ thi Hội năm Kỷ Dậu 1909, ông đậu tiến sĩ, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa phái bộ Hình, rồi dần thăng các chức: Hàn lâm viện thừa chỉ, Quang lộc tự khanh). Hiện nay, Trường THPT mang tên Lê Viết Tạo ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa do hậu duệ cụ là giáo sư Lê Viết Ly hỗ trợ xây dựng đang góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục và đào tạo huyện Hoằng Hóa.

Lý giải về sự đỗ đạt của các thế hệ người dân làng cổ nằm ngay trên đoạn uốn cong của bờ sông Mã này, ngoài yếu tố truyền thống, nhiều người còn cho đó là do vị trí, hình sông - thế đất mà thành. “Nguyệt Viên” có nghĩa là trăng đến độ tròn nhất - tên gọi hàm chứa sự thanh cao, viên mãn. Tạo hóa đã ban cho đất này thế tinh anh hội tụ, bởi xa xa có cửa Lạch Trào nơi nhiều con nước hợp lưu. Ngược dòng sông Mã về phía Tây bắc không xa, có núi Hàm Rồng chầu về, có núi Ngọc sừng sững như đài tháp bút, là ngọn nguồn lý giải cho tinh hoa của sự học và đỗ đạt.

...soi rọi cho hậu thế tiếp bước, phấn đấu

Truyền thống hiếu học, khoa cử từ hàng trăm năm qua vẫn tiếp tục soi rọi, như mạch nguồn âm thầm bồi đắp tinh hoa cho các thế hệ người Nguyệt Viên. Theo các thông tin có được từ UBND xã Hoằng Quang, nếu tính từ mốc thời điểm Cách mạng Tháng 8 - 1945 thành công đến nay, làng Nguyệt Viên đã có hàng trăm người được phong học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ và đỗ thạc sĩ. Làng Nguyệt Viên hiện tại gồm các thôn 7, 8, 9 và 10 của xã Hoằng Quang, phân bổ chạy dài khoảng hơn 1 km ven sông. Thống kê từ sổ tay của ông Cao Xuân Hạc, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Quang, từ năm 2004 đến nay, cả 4 thôn của làng đã có 269 em học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, trong đó 191 em đậu đại học. Qua trò chuyện với chúng tôi, người dân ở đây quan niệm, phải đậu đại học, có việc làm thì người làng mới coi là trưởng thành, là thành đạt.

Ở Nguyệt Viên có nhiều dòng họ, nhưng nổi danh khắp cả nước về sự thành đạt nhờ con đường học vấn là dòng tộc Lê Viết. Từ thời đại phong kiến cho đến tận ngày nay, dòng tộc kế thế đăng khoa này luôn đóng góp nhiều nhân tài nổi tiếng cho đất nước. Trong suốt thời kỳ đổi mới của đất nước, các giáo sư, tiến sĩ của dòng tộc như: Lê Viết Lân, Lê Viết Ly, Lê Viết Bình, Lê Viết Kim Phượng, Lê Viết Khuyến, Lê Viết Dư Khương... đều có những đóng góp to lớn cho các ngành khoa học Việt Nam khi công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu... Những tài năng là con cháu của dòng họ còn gặt hái nhiều thành công và thành đạt ở nước ngoài, hiện nhiều người đang giảng dạy và công tác ở các trường đại học của các nước Nga, Pháp.

Hàng chục năm qua, hoạt động khuyến học, khuyến tài ở Nguyệt Viên phát triển mạnh, khiến nhiều làng quê ở các xã lân cận phải nể phục, coi là tấm gương để học tập. Bản quy ước mới của làng văn hóa Nguyệt Viên có sự kế thừa những bản hương ước xưa kia nên quy định rõ những yếu tố bảo đảm phong trào học tập cho các thế hệ học sinh. Hàng năm, mỗi hộ gia đình ở đây đều tự nguyện đóng góp, xây dựng quỹ khuyến học ngày càng lớn mạnh. Ngoài quỹ khuyến học của làng, các dòng họ cũng có quỹ khuyến học riêng, có dòng họ gây dựng được nguồn quỹ hàng chục triệu đồng mỗi năm. Quỹ khuyến học dòng họ Lê Viết từng hỗ trợ huyện Hoằng Hóa xây dựng Trường THPT Lê Viết Tạo. Những người con thành đạt của làng cũng không ngừng phát huy nghĩa cử cao đẹp, hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục địa phương. Từ cách đây hơn chục năm, gia đình giáo sư Lê Viết Ly đã hỗ trợ nhiều tỷ đồng để xây dựng Trường Tiểu học xã Hoằng Quang 2 tầng kiên cố và những trang thiết bị hiện đại thời bấy giờ và hằng năm đều có hỗ trợ vật chất và kinh phí cho việc dạy và học.

Dẫn chúng tôi tham quan Trường Tiểu học xã Hoằng Quang đặt ngay tại làng Nguyệt Viên, hiệu trưởng nhà trường - thầy Lê Đức Thọ, chia sẻ: Từ khi các trường trong vùng còn khó khăn về cơ sở vật chất, trường chúng tôi may mắn được gia đình giáo sư Lê Viết Ly hỗ trợ kinh phí xây dựng khang trang. Nhiều năm nay, nhà trường luôn đạt thành tích cao trong khối giáo dục tiểu học huyện Hoằng Hóa, nay là TP Thanh Hóa. Hiện nhà trường có 13 lớp với 389 học sinh, những năm trước, tỷ lệ học sinh giỏi, được khen thưởng đều đạt hơn 50% tổng số học sinh nhà trường.

Rời Trường Tiểu học xã Hoằng Quang, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng tập đọc vang vọng của những em học sinh lớp 1. Những lứa mầm non của Hoằng Quang, của Nguyệt Viên đang tiếp bước cha anh, mang theo những niềm hy vọng mới trong học tập. Sự quan tâm, dìu dắt của cả cộng đồng, truyền thống gia đình, dòng tộc đang là điểm tựa vững chắc cho các em tích lũy hành trang kiến thức. Thiết nghĩ, sự học ở đây càng được coi trọng, đất ấy càng hưng vượng mãi.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]