(Baothanhhoa.vn) - Để đốt 1 hầm than phải chặt khoảng 15 vác củi, mỗi vác nặng khoảng 50 kg. Sau khi ra thành phẩm, một hầm than thu hoạch được khoảng hơn 10 bao than. Khó nhọc để lấy được từng bao than là vậy, nhưng giá thành bán ra chẳng được bao nhiêu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lam lũ bên những hố than

Để đốt 1 hầm than phải chặt khoảng 15 vác củi, mỗi vác nặng khoảng 50 kg. Sau khi ra thành phẩm, một hầm than thu hoạch được khoảng hơn 10 bao than. Khó nhọc để lấy được từng bao than là vậy, nhưng giá thành bán ra chẳng được bao nhiêu.

Nhiều người dân vẫn lam lũ bên những hầm than với mong muốn kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống gia đình.

Công việc vất vả, thu nhập thấp, nguy cơ mất an toàn, thế nhưng nhiều người dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn coi việc đốt củi lấy than để bán là một nghề góp phần trang trải cho cuộc sống gia đình.

Vất vả mưu sinh

Xuân Thái là một trong những xã có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của huyện Như Thanh. Những năm về trước, công việc đốt than củi được nhiều người dân xã Xuân Thái coi như một nghề kiếm sống. Công sức làm ra những bao than thì nhiều, mà thu nhập từ bán than chẳng được bao, nên đến nay, nhiều người đã từ bỏ việc đốt than để tìm kiếm công việc mới. Tuy nhiên, phía sau nhiều ngôi nhà còn nghèo khó ở xã Xuân Thái vẫn còn những hố than trắng khói, tỏa mùi lá, củi rừng. Trong số những hộ dân vẫn còn làm than củi ở xã Xuân Thái có hộ gia đình chị Trịnh Thị Vân, thôn Làng Lúng. Câu chuyện của gia đình chị Vân gắn với công việc làm than suốt bao năm với nhiều thăng trầm như làn khói từ hầm than bay lên, lan vào cả núi rừng.

Cuối tháng sáu, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm gia đình chị Vân đúng lúc chị đang chuẩn bị đồ nghề để tháo dỡ hầm than ngay ở phía sau nhà, vừa được đốt xong. Đeo chiếc khẩu trang cũ, chị Vân luồn vào đôi tay chai sần của mình hai chiếc găng tay bằng vải rất dầy. Đôi găng tay này chủ yếu để chống bỏng, phòng khi những cục than dưới hầm chưa kịp nguội hẳn.

Vừa gạt lớp đất phía trên hầm than, chị Vân tâm sự: Nghề làm than củi được bố mẹ chị làm nhiều năm trước. Sau bao nhiêu năm làm nghề nhưng cuộc sống gia đình chị vẫn rất khó khăn. Có lẽ do nghề đốt than vất vả, cực nhọc đã khiến sức khỏe của bố chị Vân ngày càng yếu, phải bỏ nghề vì đau ốm thường xuyên. Cách đây không lâu, bố chị Vân qua đời. Để có tiền hỗ trợ cuộc sống hiện tại của gia đình, hai vợ chồng chị học và làm lại nghề đốt than củi mà trước đây bố, mẹ mình đã làm. Chị Vân cho biết: Gia đình chị có 1,2 ha đất đồi trồng cây keo. Sau khi thu hoạch keo, chị thu gom những cành củi loại để tận dụng làm than hoặc xin thu gom từ các đồi keo của các gia đình khác ở trong xã. Để làm than, vất vả nhất là khâu chặt củi và vận chuyển củi từ đồi về. Công việc nặng nhọc này chồng chị đảm nhiệm, còn chị ở nhà có nhiệm vụ làm lò để đốt than.

Kéo ống quần dài lên trên đầu gối, anh Thành (chồng chị Vân) chỉ vào vết thương còn đang rỉ máu, cho hay: Ngày hôm qua, khi đang chặt củi về làm than, do bất cẩn nên tôi bị dao bật chém vào chân phải khâu 3 mũi. Để vết thương lành, tôi lại phải nghỉ vài ngày ở nhà không đi lấy củi được. Công việc đốt lò lại phải dừng lại do chưa đủ củi đốt. Để đốt 1 hầm than phải chặt khoảng 15 vác củi, mỗi vác nặng khoảng 50 kg. Sau khi ra thành phẩm, một hầm than thu hoạch được khoảng hơn 10 bao than. Khó nhọc để lấy được từng bao than là vậy, nhưng giá thành bán ra chẳng được bao nhiêu. Giá than hoa (loại than nhỏ, thời gian ủ đốt ngắn), giao động từ 50-55 nghìn đồng/bao, còn than hầm (loại than to, thời gian ủ đốt dài) giá cao hơn, khoảng 80 nghìn đồng/bao.

“Công việc làm than củi cực nhọc lại bụi bặm, lấm lem, thế nhưng do hoàn cảnh, tôi không thể để các em ở nhà để đi làm ăn xa được nên đành lựa chọn làm công việc này. Hai vợ chồng tôi dự định sẽ ở quê vài năm, khi các em lớn, vợ chồng tôi sẽ tìm công việc khác làm cho đỡ vất vả” – chị Vân tâm sự.

Cũng làm nghề đốt than hoa nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Minh Lâm, xã Trường Lâm (Tĩnh Gia), cho biết: Thôn Minh Lâm có ít diện tích đất nông nghiệp, trong khi đó việc canh tác sản xuất lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên do khan hiếm nguồn nước. Vì vậy, người dân nơi đây chỉ trồng được 2 vụ (1 vụ lúa, 1 vụ màu). Để có nguồn thu nhập, từ năm 1977, sau khi định cư ở vùng đất này người dân Minh Lâm đã sống bằng nghề làm than củi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nhiều người dân không còn tha thiết với công việc này nữa mà đi tìm công việc khác nhẹ nhàng hơn, có thu nhập cao hơn. Trò chuyện với tôi nhưng tay chị Nga vẫn thoăn thoắt nhặt từng miếng than củi bỏ vào bao tải. Khuôn mặt được che kín bằng chiếc khẩu trang đã nhuộm màu đen của bụi than, chị Nga nói: “Cái nghề này là vậy đó, lúc nào cũng lấm lem, đen nhẻm... Nhưng cũng vì cuộc sống khó khăn, tôi vẫn phải duy trì công việc vất vả này”.

Hướng người dân tìm công việc mới

Quy trình làm than củi thủ công ở đây được bắt đầu từ việc lấy nguyên liệu. Sau đó phải làm lò, hầm để đốt than. Nói là lò, chứ thực chất là đào một cái hố sâu rồi xếp củi xuống và châm lửa đốt. Sau đó phủ một lớp đất lên ủ từ 3 đến 5 ngày tùy vào từng loại củi dùng đốt than. Để chuẩn bị cho một lò than, người dân phải chuẩn bị trước từ 2 đến 3 ngày đối với than hoa, còn than hầm khoảng 6 đến 7 ngày. Công việc vất vả, thu nhập thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng, ô nhiễm môi trường do khói bụi từ các hầm đốt than... nên đây là công việc không được khuyến khích phát triển.

Anh Đỗ Thế Minh, trưởng thôn Minh Lâm, xã Trường Lâm (Tĩnh Gia), cho biết: Thôn Minh Lâm trước đây có đến 70% hộ dân làm nghề than củi nhưng những năm gần đây số người làm đã giảm nhiều. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế tại huyện Tĩnh Gia có nhiều phát triển, nhiều nhà máy, khu công nghiệp được xây dựng trên địa bàn. Người dân ở độ tuổi lao động có cơ hội làm công nhân trong các nhà máy và các khu công nghiệp với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/tháng; hoặc có người đi làm lao động tự do theo mùa vụ cũng với mức tiền công từ 200 nghìn đồng/ngày. Hiện nay, toàn thôn Minh Lâm còn khoảng 30 hộ dân làm nghề đốt than củi. Những hộ này phần lớn đều là những hộ có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Anh Minh cũng cho biết thêm: “Người dân ở đây chủ yếu khai thác nguyên liệu làm than từ các khu rừng được giao khoán cho các hộ dân quản lý. Việc đào hầm đốt than cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng, ô nhiễm khói bụi... do chưa có quy hoạch khu vực đốt than. Người dân chủ yếu đốt tự do ở các khu vực đất trống ở bìa rừng. Cũng đã từng có vụ cháy rừng xảy ra do người dân đốt than bất cẩn không dọn lá khô xung quanh lò khiến lửa bén gây hỏa hoạn. Chính vì vậy mà hàng năm, chính quyền thôn đều tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống cháy rừng, nhất là vào mùa hanh khô để người dân nâng cao ý thức về bảo vệ rừng. Đồng thời, khuyến khích người dân chuyển công việc mới để đảm bảo đời sống, hạn chế những rủi ro do công việc làm than củi mang lại”.

Còn ông Nguyễn Hữu Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái (Như Thanh), cho biết: Nhiều năm nay, tại xã Xuân Thái không còn tình trạng người dân vào rừng tự nhiên lấy củi về đốt than do sự quản lý nghiêm ngặt của lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng. Vì vậy, người dân thường khai thác củi làm than ở khu rừng giao khoán cho các hộ dân trồng keo. Hiện nay, trong xã có khoảng 20 hộ còn duy trì công việc làm than củi. Để phòng, chống cháy rừng, các cấp, ngành địa phương đã nghiêm cấm người dân không được vào rừng đốt than. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền đến người dân về công tác bảo vệ rừng; yêu cầu người dân ký cam kết phòng, chống cháy rừng. Công việc làm than củi vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn... nên địa phương không khuyến khích phát triển. Xã Xuân Thái có điều kiện để phát triển cây lâm nghiệp, vì vậy, các cấp, chính quyền địa phương cũng thường xuyên động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế bằng việc trồng rừng, kết hợp với bảo vệ và khai thác phụ phẩm từ rừng... giúp người dân từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trong nhiều câu chuyện của những người sống ven rừng, làm nghề đốt củi lấy than thủ công thì hầu hết những người đang còn gắn bó với nghề chỉ vì muốn tận dụng những nguyên liệu sẵn có trong rừng, cố gắng kiếm thêm một chút tiền để trang trải cuộc sống. Họ luôn mong có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương để chuyển đổi công việc, hoặc chuyển đổi công việc làm than thủ công có nhiều nguy cơ không an toàn sang làm than có quy mô, quy hoạch, xây hầm lò để tận dụng nguyên liệu có sẵn từ việc trồng rừng...


Bài và ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]