(Baothanhhoa.vn) - Sắp đến thời khắc lên xuồng để bám theo tàu HQ... rời đảo nổi Trường Sa Đông thì có hai lính trẻ níu lấy áo tôi - cháu nhờ chú một việc...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lại bồi hồi nỗi Trường Sa

Sắp đến thời khắc lên xuồng để bám theo tàu HQ... rời đảo nổi Trường Sa Đông thì có hai lính trẻ níu lấy áo tôi - cháu nhờ chú một việc...

Lại bồi hồi nỗi Trường Sa

Mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thi ở Trường Sa Đông.

Anh giới thiệu tên là Sáu, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Đi cùng Sáu là Chi, Thượng úy quê ở Hậu Lộc.

Cũng xin nói thêm, tại vị trí đắc địa nhất đảo nổi Trường Sa Đông kề với lối đi lên xuống chỗ tàu cập bến nghĩa là mặt tiền của hòn đảo bé xíu này có 3 ngôi mộ được xây rất nghiêm cẩn. Có bia khắc trang trọng rõ ràng. Ngôi thứ nhất tính thứ tự từ ngoài bể vào là Quách Hoàng Lâm quê ở TP Hồ Chí Minh. Thứ hai là Vương Viết Mão, sinh năm 1975, hy sinh tháng giêng năm 2004, quê ở Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An. Ngôi thứ 3 Nguyễn Văn Thi sinh năm 1975, quê ở xã Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Hy sinh tháng 4-2001.

Tất thảy các anh đầu đều quay về hướng Bắc, chân xoải theo chiều Nam. Các anh hy sinh trong những thời điểm khác nhau trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Nhớ bữa ghé Trường Sa Đông anh em chúng tôi trong đoàn công tác, động thái đầu tiên là ghé qua 3 phần mộ trân trọng kính cẩn thắp hương. Tôi nhận thấy ba ngôi mộ đều được chăm sóc chu đáo sạch sẽ, chân hương khá dầy có nhiều cái mới chứng tỏ anh em ở đảo thường xuyên đến đây hương khói.

Nghĩ là anh Sáu, anh Chi, tuy khác huyện nhưng đồng hương Thanh Hóa với liệt sĩ thì hẳn rồi và chắc vào hải quân cùng đợt? Hóa ra không phải... liệt sĩ Nguyễn Văn Thi nhập ngũ trước khá lâu. Sáu với Chi cho tôi hay, phần mộ liệt sĩ Thi để ở đảo đã lâu. Gia đình liệt sĩ ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa chắc chỉ biết con mình hy sinh ở một hòn đảo của Trường Sa chứ không biết cụ thể là ở Trường Sa Đông. Thêm nữa khó có điều kiện để ra đây thăm viếng được. Nghe tôi giọng xứ Thanh, hai anh nhờ chụp cho mấy kiểu ảnh. Những tấm ảnh chụp này khi đến đất liền nếu có điều kiện thì chuyển tận tay gia đình được thì tốt, hoặc gửi những tấm ảnh này theo đường bưu điện về cho gia đình liệt sĩ.

Vậy mà hồi nãy thấy anh Sáu níu áo, tôi những tưởng các anh nhờ mang thư vào đất liền để bỏ vào thùng thư. Nghĩa cử của các anh, tất nhiên tôi sẽ đáp ứng. Nhưng mấy anh em nhà báo chúng tôi tận giờ vẫn chưa hết ngạc nhiên và cảm động! Đầu bạc quá nửa mà không thể nghĩ ra động thái nghĩa tình đồng đội luôn nồng nàn thường trực ở những người lính giữ đảo này!

Sau khi chụp ảnh các anh bên mộ 3 liệt sĩ, chúng tôi ngồi với nhau. Tôi biết Sáu có con trai ở quê mà chưa biết mặt bố. Ngó vẻ phong sương già dặn của Sáu, tôi thấy anh chững chạc hơn cái tuổi của mình rất nhiều. Chuyện tình cảm gia đình, Sáu cho biết vẫn thường xuyên biết tin nhà nhờ cái sóng Viettel nên cũng chả đến nỗi... Vời xa nhưng không mù tịt như trước!

Cái thời điểm anh lính trẻ giữ đảo Trường Sa Đông Nguyễn Văn Thi ngã xuống trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, Thượng úy Chi và Sáu đây không có mặt. Và các anh cũng chưa bao giờ biết mặt liệt sĩ Thi. Hôm qua tôi cũng thử gạn chuyện với ban chỉ huy đảo nhưng đơn giản, lứa cán bộ, chiến sĩ sau liệt sĩ Thi gần 10 năm ấy cũng chưa ai tường hoàn cảnh của liệt sĩ Thi cũng như hai liệt sĩ nằm kề. Nhưng qua câu chuyện của các anh, tôi hình dung được Trường Sa Đông những năm tháng ấy bao nhiêu là gian nan thiếu thốn khác xa so với thời điểm năm 2019 này.

Đảo Trường Sa Đông là rạn san hô vòng, cách Cam Ranh, Khánh Hòa khoảng 260 hải lý. Đảo nằm trên bãi san hô ngập nước, bề mặt san hô không bằng phẳng, nên độ nông sâu thất thường dễ gây nguy hiểm cho tàu ra vào. Đảo có chiều dài khoảng 200m, nơi rộng nhất khoảng 60m.

Rưng rưng khi nghe chuyện những năm xa ấy do điều kiện thời tiết phương tiện ra đảo chưa hiện đại như bây giờ nên việc tiếp tế khó khăn. Lứa cán bộ, chiến sĩ giữ đảo như liệt sĩ Thi có thời gian hằng tuần liền không có rau xanh phải dùng đồ khô dự trữ. Trong cái khó ló cái khôn, các anh đã mày mò tìm cách trồng rau, chăn nuôi ngan, vịt... Kinh nghiệm luân canh gối vụ của những con em nông dân vùng Thanh - Nghệ, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã hình thành những vườn rau cải, rau muống mang tên thanh niên độc đáo hiệu quả như bây giờ. Được tản bộ trong bóng mát của dừa, của bàng do công sức của cán bộ, chiến sĩ thế hệ liệt sĩ Thi trồng và chăm. Thỏa sức đùa nghịch với vô số chú cẩu lanh lợi tinh khôn nhưng rất lành mà anh em nuôi trên đảo... Chạnh nhớ năm xa ấy lứa chiến sĩ thời anh Thi đã công phu đưa... viễn tổ chúng từ đất liền ra chăm chút. Lẩn mẩn nghĩ thêm có thứ viễn tổ cẩu nào mà lính đảo Trường Sa đưa chúng từ xứ Thanh ra không nhỉ? Thú vị khi nghe chuyện các chiến sĩ giữ đảo đã có sáng kiến luân chuyển các cẩu từ đảo này sang đảo khác để tránh hiện tượng cẩu cận huyết sinh con dị dạng què quặt.

Cứ chiểu theo nguồn tài liệu, Trường Sa Đông là đảo có lớp mùn san hô mỏng, nên chất đất cằn cỗi, rất khó trồng cây xanh. Thế nhưng các thế hệ giữ đảo đã miệt mài gian nan chăm bẵm hằng bao năm như thế đã gây dựng được cả một hệ thống thực vật một mảng xanh bình yên những dừa, bàng, sa kê... và dưới là rau thì đủ biết lính đảo nhà mình với tố chất của người Việt yêu màu xanh hòa bình đã từng mát tay như thế nào?

Đất có tuần nhân có vận. Trường Sa Đông lại thêm vận hội mới về ngư trường. Về khoản hải sản thì ở khu vực này khá phong phú về số lượng và chủng loại cá ngừ, hải sâm, rùa biển và nhiều loại ốc... Có ngư trường thuận lợi về khai thác, nên hàng năm nhiều ngư dân ở các vùng Nam – Trung bộ ra đánh bắt hải sản. Vài năm gần đây, khi quần đảo Trường Sa đã được Nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp các âu tàu ở một số đảo lân cận, tạo thuận lợi nơi tránh, trú bão cho tàu được an toàn, đi kèm theo đó là các chính sách quan tâm, ưu đãi cho ngư dân như khám, chữa bệnh, cung cấp nước ngọt, sửa chữa tàu hư hỏng không tính tiền, giá bán dầu chỉ tính bằng ở đất liền... nên số lượng tàu ngư dân khai thác ở khu vực Trường Sa Đông đã tăng lên nhiều lần.

Bữa đến đảo Đá Tây, thứ cuốn hút tôi ngay từ đầu là một tấm bản đồ treo ở phòng ngủ một sĩ quan của đảo. Tấm bản đồ không có gì đặc biệt thuộc diện bí mật quân sự và chắc chả khó kiếm chi lắm trong đất liền. Tấm bản đồ Quần đảo Trường Sa và phụ cận mà từ khi bắt đầu chuyến đi tôi đã lưu tâm để tìm nhưng không thấy. Thế mà nó lại hiển hiện chình ình ở một nơi cùng trời cuối biển của Tổ quốc này. Tấm bản đồ khá chi tiết và rất ấn tượng về những độ sâu quanh những hòn đảo nổi đảo chìm. Không thể tưởng tượng được qua cái ranh giới vô hình là màu nước lam kia của hòn đảo mà tôi đang đứng đây, phập một phát là độ sâu tới non 2 cây số. Rồi trong cơn nửa ngủ nửa thức tối hôm qua trên hải trình, tàu của mình đã mong manh nhích từng thước biển với tốc độ tối đa 8 hải lý (khoảng gần 15 km/h) trên cái tầng thăm thẳm sâu cỡ ngàn tám ngàn chín thước nước! Ngắm ngó chán, tôi để ý thấy một vệt đỏ khoanh tròn trên bản đồ nhìn kỹ hóa ra là Côn Đảo. Tôi lấy ngón tay di di trên bản đồ từ vị trí hòn đảo giữa trùng khơi này dịch xuống phía Côn Đảo một hồi cũng đã thấy mệt. Còn di để làm gì thì như một phản ứng tự nhiên cứ lấy điểm chuẩn mình đang ngồi ở đây mà chuyển dịch ngón tay hoặc tầm mắt lên những địa danh mình từng ở từng qua vậy thôi! Nhưng thật bất ngờ sau này hỏi chuyện chủ nhân của tấm bản đồ, anh Trịnh Xuân Đặng quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa, tôi mới hay vợ Đặng đang công tác ở Côn Đảo. Vợ Đặng đã non chục năm ở Côn Đảo cùng hai cháu nhỏ. Vợ chồng con cái họa hoằn cả năm có khi hơn mới được gặp nhau. May mà bây giờ có sóng Viettel di động. Đặng chưa bao giờ về được với vợ con theo hải trình kiểu như tôi di ngón tay cái hồi nãy. Mà phải đi tàu hải quân về TP Hồ Chí Minh rồi mới đi tàu bay hoặc tàu thủy ra Côn Đảo. Chao ôi, đường đất cứ thăm thẳm những ngày đàng gang nước. Hơn ngàn cây số mà 2/3 là nước! Đặng cười, treo cái bản đồ ấy lên vừa phục vụ cho công tác vừa để nhớ vợ con... Nghe Đặng, tôi giật thột ý nghĩ rằng, có nhiều ca khúc về những nỗi nhớ sự chờ mong giữa một bên đất liền và biển đảo. Nhưng hình như chưa có bài hát nào về những mong chờ thương nhớ giữa đảo với đảo?

Mười năm. Bao nhiêu thế hệ các chiến sĩ đất liền trong đó có quê xứ Thanh đã thay nhau ra canh giữ những hòn đảo chủ quyền của Trường Sa trong đó có đảo nhỏ Trường Sa Đông, như Đá Tây!

Và những tấm ảnh chụp mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thi đã được gửi về Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa gần... mười năm nay rồi.

Không rõ thân nhân của liệt sĩ Thi có nhận được hay chưa mà cho đến tận bây giờ người gửi là tôi vẫn chưa nhận được hồi âm? Không dám chắc nhưng cố tưởng tượng ra thời điểm nào đó người thân của liệt sĩ Thi đã đến được Trường Sa Đông? Mỗi khi chợt nhớ đến chuyến ra Trường Sa mười năm trước lại bồi hồi... Và cả chút ân hận day dứt là khi còn khoe khỏe mình lại dùng dắng không làm một chuyến ghé quê liệt sĩ Thi ở Hoằng Minh, Hoằng Hóa?

Xuân Ba


Xuân Ba

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]