(Baothanhhoa.vn) - Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích của trang mạng xã hội facebook đối với cộng đồng xã hội trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, nguồn thông tin trên facebook sẽ là con dao hai lưỡi và nếu người dùng không tỉnh táo sẽ biến thông tin ấy thành điều có hại và tác động tiêu cực đến cuộc sống của mỗi người. Thế nhưng, không phải ai cũng nhận thấy được điều này, trái lại còn sa đà và góp phần ươm trồng những mầm mống hiểm nguy. Đáng chú ý là việc người dùng, đặc biệt là “hội các mẹ bỉm sữa” xem facebook là bệnh viện, còn hội chị em chính là các “chuyên gia y tế”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi facebook trở thành “bệnh viện online”

Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích của trang mạng xã hội facebook đối với cộng đồng xã hội trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, nguồn thông tin trên facebook sẽ là con dao hai lưỡi và nếu người dùng không tỉnh táo sẽ biến thông tin ấy thành điều có hại và tác động tiêu cực đến cuộc sống của mỗi người. Thế nhưng, không phải ai cũng nhận thấy được điều này, trái lại còn sa đà và góp phần ươm trồng những mầm mống hiểm nguy. Đáng chú ý là việc người dùng, đặc biệt là “hội các mẹ bỉm sữa” xem facebook là bệnh viện, còn hội chị em chính là các “chuyên gia y tế”.

Chữa bệnh bằng facebook, tự làm hại chính mình và người thân

Gia đình chị Lê Thị Th., trú tại xã Hóa Quỳ (Như Xuân) vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng khi con gái phải nằm viện điều trị gần một tháng vì bệnh viêm phổi.

Chị Th. kể lại rằng, khi thấy con gái 11 tháng tuổi bị ho kéo dài trong nhiều ngày, chị đã lên Google tìm hiểu cách trị bệnh cho con bằng phương pháp dân gian. Sau một hồi tìm hiểu, chị đã cho con uống mật ong hấp lá húng chanh. Sau hai ngày uống, tình trạng sức khỏe của con không những không tiến triển mà có biểu hiện ho nặng hơn và sốt kéo dài. Lúc này, chị vẫn không cho con đến khám và điều trị tại cơ sở y tế mà lên facebook kể lại tình trạng sức khỏe của con, đồng thời xin ý kiến tư vấn của “hội các mẹ bỉm sữa”. Sau hàng trăm bình luận và mỗi người một ý kiến khác nhau, chị Th. đã điều trị cho con bằng nước lá diếp cá để hạ sốt và nước lê gừng để trị ho, viêm họng. Sau hai ngày, sức khỏe của con vẫn không có chuyển biến, chồng chị quyết định cho con đến khám tại bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân. “Khi đến khám, con mình đã bị viêm phổi nặng và phải nhập viện điều trị. Lúc này mình mới thấy hối hận và cảm thấy có lỗi với con” – chị Th. nói.

Chị Th. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp biến trang mạng xã hội facebook thành “bệnh viện online” và áp dụng những thông tin, những lời tư vấn của người dùng vào việc “bắt bệnh”, chữa bệnh cho bản thân cũng như người thân trong gia đình. Trên thực tế, việc chữa bệnh bằng những thông tin truyền miệng trên facebook đang trở thành một trào lưu đặc biệt nguy hiểm của “hội chị em” khi hằng ngày trên các diễn đàn, fanpage như: “Hội các mẹ bỉm sữa”, “Hội mang thai và nuôi con nhỏ tại Thanh Hóa”..., những dòng trạng thái thường bằng những câu mở đầu: “Các mẹ giúp em với”, “Cả nhà giúp mình với”..., sau đó là nêu ra hàng loạt những biểu hiện của cơ thể, kèm theo hình ảnh của người bệnh... đã trở nên rất quen thuộc. Con sốt, mẹ “lên” facebook hỏi phải làm thế nào vì không muốn cho con dùng kháng sinh; con mắc bệnh lạ về da liễu, mẹ cũng chụp ảnh rồi đăng đàn xin ý kiến; con ăn uống không tiêu, mẹ cũng lên facebook hỏi trước rồi mới tính chuyện chạy chữa cho con... Rõ ràng, những người mẹ này đã biến con mình thành những “con chuột bạch” và hậu quả của việc này thậm chí sẽ phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

Sau những lời xin tư vấn là hàng trăm những lời chia sẻ, chẳng ai giống ai, mỗi người một ý kiến. Nếu như, người cần tư vấn chỉ xem đó là kinh nghiệm để học hỏi trong quá trình điều trị bệnh thì sẽ chẳng có điều gì đáng bàn, nhưng không ít người ngô nghê và liều lĩnh với tính mạng của bản thân cùng những người thân đến mức làm theo y nguyên lời hướng dẫn của những “chuyên gia y tế” trên facebook mà không hề nghĩ rằng, mỗi người có một thể trạng, sức khỏe, biểu hiện bệnh khác nhau, kèm theo đó là những phác đồ điều trị khác nhau. Và, nếu điều trị không đúng cách thì hậu quả là điều không thể lường trước.

Như thời gian gần đây, những câu chuyện về kháng kháng sinh, trào lưu sinh con thuận tự nhiên hay không chữa bệnh ung thư bằng tây y... như là cơn ác mộng của giới y khoa và khiến nhiều người hoang mang. Việc này khiến người ta viện thêm lý do dùng mẹo dân gian hay cây cỏ chữa bệnh vì nghĩ chắc hẳn sẽ “ăn thua” hơn rất nhiều. Thế nên mới có chuyện vừa nghe người này “phao” tin về phương pháp chữa bệnh tự nhiên nào đó là không ít người đổ xô đi tìm kiếm, áp dụng mà không biết thực hư ra sao, không cần tới chẩn đoán của bác sĩ. Hoặc, một bộ phận lớn người dân liều lĩnh theo kiểu “Cứ thấy có triệu chứng na ná thì “mượn” nhau cái đơn thuốc đi mua cho nhanh, chứ xếp hàng chờ khám mất thời gian lắm” đang là suy nghĩ của không ít người. Và cũng từ đó mới có những câu chuyện đau lòng như trẻ mù mắt vì mẹ nhỏ sữa vào mắt, phụ nữ mất mạng vì detox giảm cân...

Sự vô trách nhiệm của những “bác sĩ facebook”

Trong khi nhiều người dùng facebook mù quáng tin tưởng tuyệt đối vào những lời tư vấn thiếu căn cứ khoa học trên mạng xã hội thì cũng nhiều người, chỉ cần một vài thông tin gắn mác “bí quyết gia truyền, lần đầu chia sẻ”, “đã làm theo và hiệu quả tức thì”... được đưa lên mạng facebook thì sau vài giờ đăng tải, thông tin ấy lập tức được chia sẻ ào ào, nhiều người vội “tag” nhau vào, xem đó như một kinh nghiệm “chữa bệnh” quý báu cần nhân rộng. Không ai ý thức được rằng những phương thuốc được cho là “dân gian”, “gia truyền” đó phần nhiều là những thông tin vô căn cứ, đôi khi là bị “cắt gọt”, “thổi phồng” trước khi được tung lên mạng xã hội với mục đích câu view, bán hàng online... Vậy mà người ta vẫn tin và làm theo, bất chấp những nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.

Mặc dù, việc chia sẻ kinh nghiệm cho người khác là điều đáng quý, vì việc quyết định có áp dụng theo những chia sẻ đó hay không là ở người tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, điều đáng nói, nhiều người vì để kiếm lời từ việc kinh doanh online các loại thuốc nam gắn mác “gia truyền”, dù không rõ nguồn gốc, thành phần, công dụng... nhưng lại tỏ ra mình là người am hiểu về y học và thổi phồng công dụng của thuốc cùng những lời cam kết “chắc như đinh đóng cột” là “100% sẽ khỏi bệnh và nếu không khỏi sẽ hoàn lại tiền”. Điều này cho thấy, sức khỏe, tính mạng của con người đang bị xem thường và facebook đang dần trở thành “bệnh viện online” tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bác sĩ Lê Văn Tráng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho rằng: Tình trạng nhiều người dân hiện nay đã và đang tự chữa bệnh cho mình và người thân trong gia đình bằng cách áp dụng những kinh nghiệm của người khác trên mạng xã hội là điều hết sức nguy hiểm. Bởi những điều này có tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của bản thân cũng như những người xung quanh. Đồng thời, việc một bộ phận lớn người dùng facebook lợi dụng lòng tin của người khác để tư vấn và bán thuốc nam không rõ nguồn gốc để kiếm lời cũng thể hiện sự thiếu đạo đức và vô trách nhiệm với cộng đồng. Do vậy, mọi người không nên tự ý chữa bệnh từ các thông tin trên mạng xã hội mà nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bày bán trên mạng.

Đã đến lúc chúng ta phải biết “sợ” và gạt bỏ thói quen chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc gia truyền của các “bác sĩ facebook”, các phương pháp truyền miệng thiếu căn cứ khoa học. Thay vì máy móc làm theo những mẹo truyền miệng này thì nên tỉnh táo đến gặp bác sĩ để có được phương pháp chữa trị an toàn, tốt nhất, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Bài và ảnh: Lê Tình


Bài Và Ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]