(Baothanhhoa.vn) - Gạt qua những ngại ngùng và mặc cảm, nhiều người đàn ông tìm đến với nghề buôn bán ngoài chợ để kiếm sống. Vất vả với trăm thứ việc lặt vặt nhưng để lo toan cho cuộc sống gia đình, họ sẵn sàng chấp nhận công việc vốn thường chỉ dành cho phụ nữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi đàn ông chạy chợ

Gạt qua những ngại ngùng và mặc cảm, nhiều người đàn ông tìm đến với nghề buôn bán ngoài chợ để kiếm sống. Vất vả với trăm thứ việc lặt vặt nhưng để lo toan cho cuộc sống gia đình, họ sẵn sàng chấp nhận công việc vốn thường chỉ dành cho phụ nữ.

Khi đàn ông chạy chợ

Góc mưu sinh của anh Lê Văn Chiến tại dãy bán hoa quả bên trong Chợ Đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa).

Nhiều lý do để đàn ông chạy chợ

Thức dậy từ 2 giờ sáng, anh Lê Văn Chiến, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) sửa soạn dắt xe, buộc chiếc sọt bằng sắt về phía đằng sau, kiểm tra lại kỹ lưỡng cân, kéo, túi nilon rồi nhanh chóng lên đường tiến về phía Chợ Đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương để bắt đầu cho một ngày làm việc kiếm sống.

Công việc của anh Chiến, ngày nào cũng như ngày nào, sáng sớm chạy ra chợ để đón hàng từ những quầy hoa quả bán buôn để có hàng bày bán trong ngày. Lấy hàng lâu năm, đã quen mối, anh không phải chọn lựa nhiều, chỉ cần nói với chủ hàng loại mình cần mua là loại quả gì, hàng loại 1 hay loại 2, 3 thì họ sẽ chỉ cho mà khuân từng thùng sang 1 bên. Mỗi loại vài thùng, một mình xoay sở cũng bở cả hơi tai mới chuyển được khối hàng lớn về vị trí bán hàng của mình.

Nơi anh Chiến mưu sinh chẳng phải là sạp hàng hoa quả đẹp mắt hay bày phía cổng chợ mà đơn giản chỉ là một khu đất nhỏ nằm giữa hàng chục hàng hoa quả khác nơi phía sâu bên trong chợ. Lúi húi chải tấm bạt bằng nilon ra nền đất ẩm ướt, anh lựa từng loại quả để sát vào nhau xuống nền, rồi thì chọn lựa những quả to, căng mẩy và đẹp nhất bày lên trên làm hàng cho bắt mắt. Vừa làm, anh Chiến vừa tếu táo với mấy bạn hàng xung quanh: “Đàn ông sức dài vai rộng là đây chứ đâu. Mỗi ngày khiêng hàng mấy tạ hàng rồi thì chường mặt ra bán, cũng chào mời, thêm bớt như ai. Về khoản này, phụ nữ các cô chưa chắc đã giỏi bằng tôi ấy chứ!”. Và cứ thế, người nói qua, người đáp lại, tiếng cười đùa, trêu nhau làm rộn rã cả góc chợ khiến những mệt mỏi như tan biến.

Trước đây anh Chiến không phải là dân “chợ búa” mà là một thợ xây chính hiệu. Những ngày ít việc, anh lại ra chợ phụ vợ bày hàng. Dần dần thấy có mình đỡ đần vợ cũng đỡ vất vả, thu nhập từ việc bán hàng lại cao, ổn định hơn, anh bỏ nghề thợ xây vất vả và nhiều rủi ro để trở thành chân chạy chợ “chuyên nghiệp” luôn. Ban đầu anh Chiến cũng ngại, nhưng không phải ngại vì vất vả mà vì bị mang tiếng là “đàn ông đi chợ”, bị các bà, các chị trêu ghẹo. Nhưng lâu rồi thành quen, chẳng còn ngượng ngập hay e dè gì cả, anh Chiến lại thấy vui vì cả ngày được trò chuyện, tiếp xúc với nhiều người và nhất là khi hết hàng, được ngồi thảnh thơi đếm tiền, biết lời lãi kha khá, anh lại thấy mình có thêm động lực để tiếp tục chạy chợ vào buổi sáng mai.

Đã từ lâu, người ta chỉ quen hình ảnh những người đàn ông buôn bán các loại hàng như quần áo, đồ nội thất, điện tử... tại các cửa hàng lớn, còn đàn ông ngồi chợ “buôn thúng, bán mẹt” những mặt hàng rau quả, cá mắm lại vẫn là “hàng hiếm”. Trước thời buổi kinh tế khó khăn, họ có nhiều lý do để đến với chợ. Có người vì công việc khó khăn, túng thiếu nên đành ra chợ kiếm kế mưu sinh. Một số khác thì theo nghề truyền thống của gia đình đi chợ từ bé rồi thành cái nghề gắn bó lâu dài. Còn phần nhiều lại là ra chợ phụ giúp vợ chở hàng, khuân vác đồ, sau rồi lại ngấm nghề, rành việc hơn bất cứ ai. Lúc vợ bận con nhỏ hoặc ốm đau, họ sẵn sàng thay vợ ngồi chợ vài buổi. Cứ thế, vợ chồng cùng nhau san sẻ công việc. Cũng từ đó, cánh mày râu gia nhập đội quân chạy chợ cứ ngày càng nhiều lên.

Vui buồn cảnh chạy chợ

Phụ nữ đi chợ buôn bán là chuyện hết sức bình thường nhưng đàn ông “tay cân, tay túi” lại phải đối diện với nhiều chuyện rắc rối, phức tạp và cả những niềm vui nho nhỏ mà không phải nghề nào cũng có được.

Tâm sự với chúng tôi, anh Vũ Văn Trung, một người buôn bán lâu năm ở khu chợ tạm tại phường Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: Nếu nói không ngại thì không phải bởi việc đi chợ bán hàng không chỉ thường phải dậy sớm lấy hàng vất vả mà môi trường làm việc kiếm sống phần lớn là chỗ đông phụ nữ. Bạn hàng thì hay cạnh tranh thậm chí cãi cọ, giành giật khách. Khách hàng thì đủ mọi thành phần, mỗi người mỗi tính, hết chọn lựa, khen chê, rồi kì kèo thêm bớt, rất khó chịu. Tuy nhiên, vì mục đích chính là bán được hàng nên nhiều lúc cũng phải làm ngơ trước những câu nói ra nói vào của người xung quanh và chấp nhận với những đòi hỏi vô lý của khách hàng.

Rồi thì chuyện nói thách cũng khiến nhiều người thấy rắc rối. Vẫn biết bán hàng chợ thì phải nói cao giá mặt hàng để người mua trả giá thấp xuống là vừa nhưng khi người bán là đàn ông thì họ lại rất ngại dùng chiêu thức này trong buôn bán. Tuy nhiên, dường như đã mặc định trong đầu những bà nội trợ, cứ đi mua là phải trả giá nên dù cho những người bán hàng như anh Chiến, anh Trung có nói đúng giá thì người mua vẫn hoài nghi và đôi co thêm lên bớt xuống.

Dù vậy, đàn ông ngồi chợ buôn bán vẫn có những cái hay. Về tâm lý, các bà, các cô hay thông cảm và tín nhiệm độ chân thực của cánh mày râu nên thường dễ tính khi mua hàng. Đàn ông bán hàng thường ít nói thách, thật thà và không lắm lời nên thường tạo cảm giác dễ chịu hơn cho người mua, cũng vì thế hàng thường “bán chạy”.

Tại chợ Điện Biên (TP Thanh Hóa), chẳng mấy ai không biết đến anh Sáu, chồng chị Ngà, chủ một hàng rau. Người đàn ông thấp đậm, da ngăm đen lúc nào cũng tất bật, hết chọn hàng cho khách lại thoăn thoắt thái hoa chuối và gọt sẵn vài quả dứa xanh. Vừa làm, anh Sáu vừa hỏi han thân tình tạo sự gần gũi với khách, khiến họ có cảm giác dễ chịu khi đến mua hàng. Nói với chúng tôi, anh Sáu chẳng giấu giếm: “Tính tôi hay vui đùa nên thấy khách là mình thường mở lời chào hỏi và tếu táo vài câu, vừa là để không khí mua bán thêm phần vui vẻ cũng vừa là để khách hàng mở lòng mà mua hàng nhanh chóng. Chẳng thế mà mấy bà bên cạnh cứ trêu vợ tôi tốt số, từ khi có chồng chạy chợ cùng thì hàng hóa bán như tôm tươi là gì”.

Đàn ông chạy chợ, nhiều nỗi vất vả nhưng cũng không ít niềm vui, thú vị. Nhưng vượt lên tất cả, dù vui hay buồn thì điều quan trọng nhất là mỗi ngày họ bán hết hàng để trở về bên mái ấm gia đình, nơi có vợ và những đứa con đang đón chờ họ sau một ngày làm việc vất vả.

Bài và ảnh: Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]