(Baothanhhoa.vn) - Vừa là “Hạt nhân” đoàn kết ở cơ sở, vừa là “Cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương, mô hình tổ tự quản (TTQ) trên địa bàn huyện Đông Sơn đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả từ xây dựng mô hình tổ tự quản ở huyện Đông Sơn

Vừa là “Hạt nhân” đoàn kết ở cơ sở, vừa là “Cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương, mô hình tổ tự quản (TTQ) trên địa bàn huyện Đông Sơn đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Hiệu quả từ xây dựng mô hình tổ tự quản ở huyện Đông Sơn

Nhân dân thôn Văn Châu, xã Đông Văn hiến đất mở rộng đường xây dựng nông thôn mới.

Điểm sáng ở cơ sở

Về thăm xã Đông Văn - đơn vị vừa được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2020, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là những con đường được bê tông hóa bằng phẳng, sạch sẽ, những hàng cây xanh rợp bóng mát và các loài hoa khoe sắc rực rỡ.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đông Văn Nguyễn Văn Vinh: Đạt chuẩn NTM đã khó, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu lại càng khó hơn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã Đông Văn phải bám vào các TTQ ở địa bàn dân cư. “Nếu không có các TTQ thì địa phương khó có thể hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM” - ông Vinh khẳng định. Như để minh chứng cho điều mình đã nói, ông Vinh cho người đưa chúng tôi xuống từng thôn, xóm, vào từng TTQ. Nơi chúng tôi ghé thăm là thôn Văn Châu, với 105 hộ, gần 500 nhân khẩu và 10 TTQ. Ông Nguyễn Hữu Bốn, Bí thư Chi bộ thôn Văn Châu vui vẻ cho hay: Vừa làm bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn, việc quản lý, bám dân, sát dân gặp khó khăn hơn, nên phải dựa vào các TTQ. Từ công tác vệ sinh môi trường (VSMT), giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), đóng góp quỹ, phí, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ, đến việc phát động cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng NTM... đều do các thành viên trong TTQ làm. Họ có vai trò rất quan trọng trong phong trào xây dựng NTM ở địa phương.

Là tổ trưởng TTQ xóm 9, gồm 12 hộ gia đình, ông Trần Văn Thêm chia sẻ thêm về tầm quan trọng của TTQ trong cộng đồng dân cư là đã giúp các hộ gia đình gắn kết với nhau một cách tự nhiên, gần gũi, những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ gia đình hay giữa các gia đình cũng được hóa giải ngay tại tổ, không cần phải đưa ra thôn hay lên xã. Hàng tháng, tổ họp luân phiên để các gia đình trong tổ tự kiểm điểm về việc giữ gìn vệ sinh, ăn ở, văn hóa ứng xử, nền nếp gia phong trong gia đình. Từ đó, rút kinh nghiệm để xây dựng gia đình văn hóa. Ông Thêm cho hay “Đầu năm 2020, khi địa phương có chủ trương mở rộng các tuyến đường liên thôn, các gia đình đã tự giác hiến đất, đập cổng, lùi bờ rào vào phía trong, với suy nghĩ đường thông, hè thoáng thì Nhân dân được hưởng lợi trước tiên”.

Đến nay thôn Văn Châu đã làm được trên 700m đường hoa, đổ bê tông toàn bộ các tuyến đường liên thôn trị giá gần 1 tỷ đồng, làm đường điện sáng trị giá trên 30 triệu đồng...

Được biết, Đông Văn là một trong những địa phương đi đầu xây dựng mô hình TTQ. Hiện nay, xã có 53 TTQ, với 1.305 thành viên. Hàng tháng, hàng quý, các TTQ tổ chức sinh hoạt để truyền đạt, phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, cập nhật tình hình ANTT thôn, xóm; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi dạy con cái, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Tổng kinh phí xây dựng các công trình trên địa bàn xã, giai đoạn 2012-2020 là gần 640 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đầu tư đóng góp hơn 500 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất, di dời hàng nghìn m2 nhà ở và các công trình phụ trợ để làm đường giao thông, hệ thống đường điện chiếu sáng, xây dựng tường rào thoáng... Có được kết quả trên, một phần là nhờ sự góp sức của các TTQ trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của địa phương.

“Cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Sơn có 932 TTQ, với 20.065 hộ gia đình tham gia. Thông qua các hoạt động của TTQ, nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân được đề cao và chấp hành nghiêm túc.

Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đông Sơn: Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Thành lập TTQ trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Đông Sơn, giai đoạn 2019-2025” mô hình TTQ đã và đang phát huy vai trò là “Cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp được các TTQ tích cực triển khai và tổ chức thực hiện tại khu dân cư, mang lại hiệu quả, nhất là trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và khu dân cư an toàn, văn minh “Sáng, xanh, sạch, đẹp” diễn ra sôi nổi trên địa bàn huyện. Từ công tác tuyên truyền sản xuất, chăn nuôi đảm bảo VSMT, làm đường hoa, xây dựng đường, tường rào mẫu, làm đường điện sáng, tu sửa, nâng cấp các trục đường, rãnh thoát nước... đến vận động Nhân dân chỉnh trang nhà cửa, gắn với các mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu, tường rào xanh” hay “Cột điện nở hoa”, “Con đường bích họa”, với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, “Lấy Nhân dân vận động Nhân dân”. Nhờ vậy, mà các TTQ đã vận động Nhân dân hiến 13.043m2 đất để mở rộng, nâng cấp hơn 25km đường giao thông; xây dựng 29km “Tường rào mẫu”... Bên cạnh đó, các hoạt động tự quản về ANTT, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân được các TTQ quan tâm giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, nên ANTT thôn, xóm ngày càng đảm bảo tốt hơn. Nhiều TTQ đã có cách làm hay, sáng tạo, như đóng góp quỹ thăm hỏi, chia sẻ, giúp đỡ nhau khi có các thành viên ốm đau, hoạn nạn, tình làng, nghĩa xóm được gắn kết hơn. Hiện nay, các TTQ trên địa bàn huyện có quỹ chung, với số tiền trên 4 tỷ đồng. Nhiều tổ duy trì phường, hội giúp nhau không lấy lãi, hỗ trợ cho các thành viên trong tổ cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để khuyến khích và đưa mô hình TTQ đi vào chiều sâu, hàng năm cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động của các TTQ, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể điển hình xuất sắc, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trong đó, đặc biệt coi trọng vai trò, trách nhiệm của tổ trưởng, tổ phó TTQ trong việc hỗ trợ thôn, xóm triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Công Quang


Bài và ảnh: Công Quang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]