(Baothanhhoa.vn) - Trong tiệc chiêu đãi tại một hội thảo mới đây tôi gặp lại bạn học cũ người Lào. Đó là một người luôn sẵn lòng với các cuộc vui bất cứ giờ nào, được xếp vào hàng không có đối thủ uống rượu ở khu ký túc xá lưu sinh viên trước kia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Điều chỉnh lòng tự trọng

Trong tiệc chiêu đãi tại một hội thảo mới đây tôi gặp lại bạn học cũ người Lào. Đó là một người luôn sẵn lòng với các cuộc vui bất cứ giờ nào, được xếp vào hàng không có đối thủ uống rượu ở khu ký túc xá lưu sinh viên trước kia.

Điều chỉnh lòng tự trọng

Ảnh minh họa.

Đến chúc rượu, tôi bất ngờ khi anh đề nghị thay rượu bằng nước khoáng với lý do còn phải di chuyển trên đường ngay sau đó.

Sau tiệc chiêu đãi lần ấy, tôi không cầm lái nữa sau khi đã uống rượu, bia. Tôi thấy lòng tự trọng của mình được đánh thức từ hành vi của anh bạn học cũ.

Mỗi lần qua những quán bia ồn ào tiếng dô, tiếng leng keng của cốc, ly; từng hàng ô tô, xe máy xếp dài bên ngoài, tôi lại vẩn vơ mong có điều tương tự sẽ đến với những người đang nâng ly trong đó.

Thiết nghĩ, không gì bằng lòng tự trọng của con người. Mọi quy định dù nặng tính răn đe đến mấy mà khi người thực hiện không xuất phát từ lòng mình, thì cũng chỉ là sự miễn cưỡng, đối phó, trước sau rồi cũng quên.

Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang lấy ý kiến cho Dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sau nhiều tai nạn nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia. Theo đó, mức phạt được đề xuất đối với lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn có thể đến 40 triệu đồng, cao gần bằng thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam trong một năm.

Dự thảo nhận được nhiều ý kiến đồng tình, nhưng sự băn khoăn cũng không ít.

Biết rằng pháp luật cần mạnh mẽ, nhưng với việc chỉ tập trung “đánh” mạnh vào kinh tế như thế liệu đã là giải pháp tốt nhất chưa? Phải chăng nên hướng đến những chế tài “đánh” vào lòng tự trọng của con người!?

Chúng ta có khá nhiều kênh giám sát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực giao thông, nhưng chưa bao giờ hết việc phản ánh, phàn nàn về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong xử lý vi phạm. Việc tăng mức phạt có thể sẽ càng sinh ra nhiều “góc khuất” ở mức độ cao hơn.

Chỉ khi nào người tham gia giao thông ý thức được về sự thượng tôn pháp luật, thì việc phạt mới phát huy hết giá trị. Nhược bằng không thì điều gì cũng có thể dẫn đến ngoại lệ mà chúng ta chưa thể dự đoán được.

Điều chỉnh mức phạt là cần thiết, nhưng việc cần điều chỉnh lớn hơn, mang tính bền vững vẫn phải là điều chỉnh được suy nghĩ của người tham gia giao thông. Thực hiện tốt điều đó sẽ không còn phải rơi vào cảnh phải chạy theo để điều chỉnh con số của mức phạt.

An Nhiên


An Nhiên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]