(Baothanhhoa.vn) - Đời người sinh ra có hai điều quý giá nhất, đó là quê hương, bản quán và ngôi nhà thân yêu, nơi bỏ lại phía sau cánh cửa mọi buồn phiền, nhọc nhằn, giông bão. Thế nhưng, lên đại ngàn, bên những sườn đồi, sườn núi, ven sông, suối vẫn cheo leo, bấp bênh những phận đời, phận người sống cảnh chật vật, khó khăn đi qua mỗi mùa mưa bão, mơ giấc “an cư”. “An cư lạc nghiệp” - đó vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đối với đồng bào miền thượng du.

Chuyện an cư vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi - Nhìn từ các khu tái định cư: Bài 1: An cư để lạc nghiệp

Đời người sinh ra có hai điều quý giá nhất, đó là quê hương, bản quán và ngôi nhà thân yêu, nơi bỏ lại phía sau cánh cửa mọi buồn phiền, nhọc nhằn, giông bão. Thế nhưng, lên đại ngàn, bên những sườn đồi, sườn núi, ven sông, suối vẫn cheo leo, bấp bênh những phận đời, phận người sống cảnh chật vật, khó khăn đi qua mỗi mùa mưa bão, mơ giấc “an cư”. “An cư lạc nghiệp” - đó vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đối với đồng bào miền thượng du.

Chuyện an cư vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi - Nhìn từ các khu tái định cư: Bài 1: An cư để lạc nghiệp

Cuộc sống yên bình của người dân tại khu tái định cư bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát). Ảnh: Hương Thảo

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, nhất là ở khu vực miền núi cao vẫn luôn phải oằn mình gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Những trận lũ quét, sạt lở đất đã tàn phá nhiều huyện miền núi với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cũng như môi trường sinh thái. Từ đầu năm 2022 đến nay, riêng đợt mưa lớn ngày 7 và 8-6-2022, trên địa bàn huyện Quan Sơn đã phải di dời khẩn cấp 7 hộ với 27 nhân khẩu; huyện Mường Lát đã phải sơ tán tạm thời 45 hộ với 288 nhân khẩu tại bản Ún, xã Mường Lý có nguy cơ bị sạt lở cao đến nơi an toàn...

Nhằm mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn về tính mạng con người, tài sản, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống cho Nhân dân, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, bố trí nguồn lực xây dựng các khu tái định cư (TĐC) theo hình thức đầu tư khẩn cấp.

Con đường từ trung tâm thị trấn Mường Lát lên đến khu TĐC bản Poọng, xã Tam Chung phải đi qua nơi ở cũ - vùng đất khoảng 4 năm về trước (cuối tháng 8-2018) đã từng đối mặt với hoang tàn, đổ nát, tang thương bởi cơn lũ kinh hoàng càn quét qua bản như cơn ác mộng. Nước trên thượng nguồn kéo theo đất đá, cây rừng ào ào đổ về, nhấn chìm bản làng trong nước lũ. Giờ đây, khu vực mà người dân bản Poọng đã định cư nhiều đời nằm trơ sỏi đá, chỉ còn lại một số ngôi nhà xiêu vẹo, bỏ hoang lạnh vắng hơi người. Người dân bản Poọng đã di dời, sinh sống ổn định trong khu TĐC tốt hơn nơi ở cũ. Ký ức kinh hoàng về trận lũ ngày ấy cũng đã phần nào vơi bớt ám ảnh trong tâm trí, từng bước ổn định đời sống. Nhìn khu TĐC hòa mình vào nắng sớm, giữa cảnh sắc núi rừng xanh thăm thẳm, mỗi người như càng thấm thía hơn giá trị của hai chữ “an cư” đối với cuộc sống của đồng bào nơi đây.

Là công trình được xây dựng theo hình thức đầu tư khẩn cấp, thôn Bố, xã Lũng Cao có diện tích đất tự nhiên là 227,27 ha, 179 hộ gia đình với 755 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái, sống rải rác ở các sườn đồi nên luôn nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất. Cuộc sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn, ngay cả trong giấc ngủ cũng không buông được nỗi lo âu, sợ hãi. Ông Hà Minh Quyền - Trưởng thôn Bố, xã Lũng Cao tâm sự: “Những hôm trời mưa to, chính quyền địa phương, ban cán sự thôn và người dân đều thấp thỏm lo sợ, luôn giữ vững tinh thần cảnh giác cao độ, có gì bất thường là báo động để bà con di dời về các khu nhà văn hóa hoặc ở nhà người khác cho đến hết thời điểm mưa bão mới dám trở về. Có những hộ khi đi di dời xong là không dám quay về nơi ở cũ nữa mà dựng cái lán, lều ở tạm tại các khu vực an toàn, thuận tiện đi lại”. Những ngày tháng nơm nớp lo sợ ấy cứ lặp đi lặp lại như một vòng luẩn quẩn chẳng cách nào thoát ra được.

Nhưng giờ đây, cuộc sống của 44 hộ dân trong vùng nguy cơ cao sạt lở đất của thôn Bố đã bước sang một trang mới. Bà con rất hăng say trong lao động sản xuất. Trong ngôi nhà vừa mới dựng xong ở khu TĐC, 4 người trong gia đình anh Hà Văn Dũng (46 tuổi) quây quần bên nhau chuyện trò rôm rả. Họ bàn tính chuyện đầu tư chăn nuôi gia súc, xây khu công trình phụ cho tươm tất. Rồi chuyện cải tạo lại khuôn viên trước nhà, trồng thêm cây cối cho mát, cả mấy khóm hoa nữa... Họ bàn về những câu chuyện cho hiện tại và tương lai, điều mà trước đây họ ít khi nào nghĩ tới.

Trăn trở trước đời sống còn vô vàn khó khăn, khắc nghiệt của đồng bào các dân tộc miền thượng du, để công tác an cư cho người dân khu vực miền núi được quan tâm, huy động tối đa nguồn lực, triển khai đồng bộ, hiệu quả, ngày 1-1-2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND về chương trình công tác năm 2021 của UBND tỉnh. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Bám sát nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT đã khẩn trương phối hợp với 11 huyện miền núi và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình thực tế tại từng thôn, bản trên địa bàn các xã có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tổng hợp, xây dựng các phương án bố trí các hộ dân tại từng thôn, bản phù hợp với các hình thức: TĐC xen ghép, TĐC liền kề, TĐC tập trung. Ngày 1-12-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4845/QĐ-UBND phê duyệt đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Không chỉ riêng khu TĐC bản Poọng (Mường Lát), bản Bố, xã Lũng Cao (Bá Thước), sau nhiều nỗ lực, cố gắng, giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn các huyện miền núi đã và đang thực hiện kế hoạch sắp xếp ổn định cho 2.828 hộ dân tại 54 xã, trong đó có 1.118 hộ TĐC xen ghép, 832 hộ TĐC liền kề, 878 hộ TĐC tập trung. Hiện nay, đã thực hiện cho 151 hộ TĐC tập trung theo lệnh đầu tư khẩn cấp và đã trình HĐND tỉnh 389 hộ TĐC tập trung và liền kề. Đối với các hộ TĐC xen ghép, các địa phương cũng đang khẩn trương để vận động các hộ dân chủ động di dời sớm.

Trước đó, giai đoạn 2016-2020, khi đề án chưa được phê duyệt, việc an cư cho đồng bào vùng nguy cơ cao chủ yếu thực hiện theo Chương trình Bố trí dân cư phê duyệt tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ (hỗ trợ cho các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới an toàn và cộng đồng tiếp nhận dân) và thực hiện các khu tái định cư tập trung khẩn cấp được đầu tư theo chương trình phòng chống thiên tai mà chưa có sự đánh giá tổng thể, xác định vị trí, khu vực thường xuyên ảnh hưởng thiên tai, địa điểm dự kiến bố trí TĐC và chưa xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể hàng năm để thực hiện.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, trong những năm vừa qua, hàng chục trận lũ quét, sạt lở đất đã tàn phá nhiều huyện miền núi với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản cũng như môi trường sinh thái. Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 10.538 tỷ đồng. Điển hình như năm 2019, do ảnh hưởng của bão số 3 (từ 30-7 đến 4-8-2019), khu vực Thanh Hóa có mưa to đến rất to, gây thiệt hại về người và tài sản cho các địa phương. Đặc biệt tại các huyện Quan Sơn, Mường Lát đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng làm 16 người chết và mất tích; ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 924 tỷ đồng. Đợt mưa lớn, từ ngày 28-8 đến 31-8-2018, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua trên địa bàn nhiều huyện như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy... làm 10 người chết, 2 người mất tích, 233 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 239 hộ có nhà phải di dời khẩn cấp... ước giá trị thiệt hại khoảng 1.882 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ xây dựng được 13 khu TĐC tập trung theo lệnh khẩn cấp để ổn định cho 581 hộ trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa.

Sau khi đề án được phê duyệt, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án và ban hành Kế hoạch số 137/KH-BCĐ ngày 17-5-2022 về việc thực hiện đề án giai đoạn 2022-2025; đồng thời có nhiều văn bản triển khai, hướng dẫn UBND các huyện miền núi. Năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai và hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư 3 khu tái định cư tập trung sắp xếp, ổn định cho 112 hộ, gồm: Khu TĐC bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát); Khu TĐC Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh (Quan Sơn); Khu TĐC bản Lở, xã Nam Động (Quan Hóa). Năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước sắp xếp ổn định cho 389 hộ dân với tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng là 97.950 triệu đồng và vận động 183 hộ dân thực hiện TĐC xen ghép. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tiếp tục phối hợp với UBND các huyện miền núi hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án sắp xếp dân cư năm 2023 theo ý kiến thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Nét nổi bật trong chương trình bố trí, sắp xếp dân cư là đã gắn việc di dân với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Điều chỉnh, kết cấu lại các điểm dân cư gắn với quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi cộng đồng, từ đó đảm bảo việc đầu tư cơ sở hạ tầng được thuận lợi và tiết kiệm, nhiều bản làng mới được hình thành, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Đặc biệt, việc lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh tại các địa phương. “Việc triển khai sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện miền núi có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, sản xuất cho người dân khu vực miền núi, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giảm thiểu được những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra” - ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thanh Hóa nhận định. Khi đời sống của các hộ dân dần được ổn định sẽ góp phần yên tâm phát triển sản xuất, không còn tình trạng di cư tự do và chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, diện tích rừng được khôi phục và phát triển, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái và phát huy được sức mạnh quốc phòng toàn dân trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bài 2: Điểm tựa từ những công trình ý Đảng - lòng dân.

Thùy Dương – Hương Thảo


Thùy Dương – Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]