(Baothanhhoa.vn) - Một ngày đầu tháng 6, mới khoảng hơn 15h30, mặc cho cái nắng như đổ lửa cùng hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường nhựa, những người bán hàng rong trên đoạn đường vào Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam và Công ty TNHH Giầy Hong Fu Việt Nam trong Khu Công nghiệp Hoàng Long, thuộc phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) vẫn tất bật dọn hàng xuống lòng, lề đường để bán.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chợ cóc tại Khu Công nghiệp Hoàng Long cần được dẹp bỏ

Một ngày đầu tháng 6, mới khoảng hơn 15h30, mặc cho cái nắng như đổ lửa cùng hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường nhựa, những người bán hàng rong trên đoạn đường vào Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam và Công ty TNHH Giầy Hong Fu Việt Nam trong Khu Công nghiệp Hoàng Long, thuộc phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) vẫn tất bật dọn hàng xuống lòng, lề đường để bán.

Chợ cóc tại Khu Công nghiệp Hoàng Long cần được dẹp bỏ

Chợ cóc họp trong Khu Công nghiệp Hoàng Long.

Ban đầu chỉ vài người, lúc sau hàng chục rồi đến hàng trăm người nào gánh, nào thồ, nào xe đẩy với vô số hàng hóa túa ra. Từ rau, củ, quả đến thịt, cá, trứng, quần áo, giầy dép, đồ nhựa..., mỗi người một chỗ ngồi hoặc đứng mà không cần phân khu hàng hóa. Hàng rau bán lộn với hàng quần áo, hàng cá bán cùng với hàng giầy dép, hàng tôm bán bên cạnh hàng hoa quả... Cứ thế chỉ trong vòng 30 phút trên trục đường vào cổng 2 công ty nói trên được phủ kín đồ, hàng hóa.

Khoảng 16h20 phút, hàng trăm công nhân của 2 công ty bắt đầu tan ca. Lúc này đoạn đường trở nên nhốn nháo, người mua cứ mua, người bán cứ bán, công nhân cứ thế phải len lỏi để ra về. Em Hạnh – công nhân Công ty TNHH Giầy Hong Fu Việt Nam, cho biết: “Khoảng 3 năm trước, trên đoạn đường này chỉ có một số người bán quần áo trên những chiếc xe đẩy đứng ven đường nên công nhân tan ca ra về cũng thông thoáng. Còn giờ đây, mỗi lần tan ca, công nhân muốn về nhanh thì phải “vượt qua” 3 dãy hàng hóa bày bán dưới lòng đường. Nhiều hôm muốn nhanh cũng không nhanh được”.

“Không chỉ hàng hóa được bày bán dưới lòng đường mà trên đoạn đường này còn là bãi gửi xe, là nơi các xe ô tô đậu, đưa đón công nhân nên nhiều hôm đoạn đường bị ùn tắc. Hơn nữa, hàng hóa bán ở chợ cóc này thường là giá rẻ nên chất lượng hàng hóa cũng không được bảo đảm, gần như quần áo, hoa quả, thực phẩm tươi sống không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên khi mua về ăn cũng rất lo lắng cho sức khỏe nhưng vì tiện lợi lại tan ca muộn nên vẫn phải mua về ăn” - chị Hằng, công nhân Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam cho biết thêm.

Để tìm hiểu giá cả, chất lượng các loại mặt hàng mà theo chị Hằng phản ánh là không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tôi đi đến chỗ người phụ nữ trung tuổi đang ngồi sắp lại đống quần áo trẻ con đổ đống trên chiếc bạt nhựa giữa lòng đường hỏi giá cả và xuất xứ của quần, áo. Chị bán hàng trả lời: “Đồ đổ đống thì lấy đâu ra nhãn mác hả em, giá một cái áo bán ở các chợ truyền thống lãi từ 20 đến 25 ngàn đồng nhưng bán ở chợ này chỉ lãi từ 5 đến 10 ngàn thôi. Hơn nữa, hàng hóa có nhiều loại lắm. Cùng mẫu mã nhưng giá cả chênh lệch thì chất lượng cũng như vậy. Nếu bán hàng chất lượng, có xuất xứ thì giá cao, công nhân lại không có tiền mua”.

Quan sát cách bày bán hàng hóa, thậm chí đề luôn giá trên mặt hàng, chúng tôi thấy hàng hóa được bán tại chợ cóc này toàn là các mặt hàng giá rẻ, rẻ hơn chợ truyền thống từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/một món đồ, thậm chí có cả loại quần áo người lớn giá chỉ từ 20 đến 35 ngàn đồng/cái được bày bán tràn lan trên trục đường vào khu công nghiệp.

Qua trò chuyện với công nhân chúng tôi được biết, chợ cóc họp ở ngay cổng ra vào công ty đôi khi cũng tiện lợi cho công nhân vì đi làm từ sáng sớm đến hơn 4 giờ chiều mới tan, có hôm 7 giờ tối mới tan ca. Cứ ra khỏi công ty cần mua cái gì là có cái đó, chỉ có điều là thực phẩm không được tươi, ngon. Ví như thịt lợn, có người bán ế buổi sáng ở các chợ, đến chiều họ lại mang lên đây bán cho công nhân. Hay như các loại quả, không biết nguồn gốc xuất xứ ở đâu mà cứ hàng xe một bày bán tràn lan khắp đường. Có hôm tan ca muộn, trời tối, vội vàng, nhiều công nhân mua phải hàng ôi, thiu.

Được biết, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ tại Khu Công nghiệp Hoàng Long đã tồn tại nhiều năm nay không có sự quản lý của chính quyền địa phương nên cũng còn nhiều bất cập như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quản lý, chợ họp ngay bên lòng, lề đường gây cản trở giao thông. Vừa qua, UBND tỉnh đã có Công văn số 5733/UBND-KTTC ngày 8-5-2020 về việc tiếp tục tập trung xóa bỏ các chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những tiểu thương lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh. Các công ty, tổ chức đoàn thể nên tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân thay đổi thói quen mua, bán tại chợ cóc, lề đường để tránh mua phải những hàng hóa không bảo đảm chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]