(Baothanhhoa.vn) - Nhìn vườn cây dược liệu xanh mơn mởn trên cánh đồng  Trặt của anh Lê Xuân Minh (sinh năm 1972), thôn Thọ Phật, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) ít ai biết rằng, trước kia nơi đây chỉ là một khu đất hoang, cằn cỗi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bắt đất cằn “nở hoa”

Bắt đất cằn “nở hoa”

Vợ chồng anh Lê Xuân Minh chăm sóc cây kim ngân hoa.

Nhìn vườn cây dược liệu xanh mơn mởn trên cánh đồng Trặt của anh Lê Xuân Minh (sinh năm 1972), thôn Thọ Phật, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) ít ai biết rằng, trước kia nơi đây chỉ là một khu đất hoang, cằn cỗi.

Gian nan khởi nghiệp

Minh “dược liệu” là cái tên khá quen thuộc với người dân xã Đông Hoàng vì anh đã tiên phong tạo dựng mô hình kinh tế độc đáo: Trồng và sơ chế cây dược liệu. Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một câu chuyện dài.

Pha ấm nước từ cao cà dây leo vừa mới nấu được, anh Minh bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình. Vốn xuất thân từ một gia đình nghèo, lại đông anh em nên anh phải ngưng việc học và bắt đầu lao động để kiếm sống. Rồi anh lập gia đình, với vài sao ruộng khoán, vợ chồng cố gắng lắm vẫn không thể thoát được cái đói, cái nghèo. “Giữa năm 1994, thấy ngoài đồng Trặt có khu đất sình lầy, bỏ hoang, không ai canh tác, vợ chồng tôi liền bàn nhau ra đó dựng lều, cải tạo trồng rau, cấy lúa... nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều đêm thức trắng rồi tự hỏi: Tại sao người nông dân quê mình luôn cần cù chịu khó mà vẫn không đủ ăn? Mình phải làm điều gì đó để giúp bản thân và bà con thoát nghèo?”, anh Minh nhớ lại.

Đang lúc loay hoay không biết phải làm gì thì năm 2004 huyện có chủ trương phát triển trang trại, anh Minh đã bàn với vợ đi vay mượn tiền nhận thầu 1,7 ha đất để thực hiện kế hoạch làm giàu. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, giọng anh trầm tư: “Khi bắt tay vào “chinh phục” đầm hoang ai cũng bảo mình “gàn”, bởi theo họ khu sình lầy này trước sau gì cũng sẽ nhấn chìm toàn bộ công sức, vốn liếng của gia đình mà thôi... Gia đình 2 bên đều khuyên: “Không có khả năng thì đừng làm”, nghe thấy thế khiến vợ chồng tôi quặn thắt”.

Nhưng rồi, ý chí và quyết tâm của anh đã chinh phục được bố mẹ cùng những người thân trong gia đình. Khó khăn chồng chất khó khăn khi trong tay chỉ là những con số không tròn trĩnh, “không vốn, không kỹ thuật, không kinh nghiệm”... Không có vốn, hàng ngày hai vợ chồng cày cuốc, đào đất, làm gạch vừa để có đồng ra, đồng vào, vừa có ao thả cá. Công cụ của họ chỉ là cuốc, xẻng, quang gánh... và hai bàn tay trắng.

Rồi đất cằn cũng đã khoác lên mình màu xanh của sự sống, lúa đã bắt đầu đơm bông, rau cũng lên xanh tốt nhưng “nếu không có vốn thì mọi công sức cũng đổ sông, đổ biển”. Nghĩ vậy, anh lại chạy vạy khắp nơi vay vốn đầu tư theo mô hình trang trại tổng hợp: Chăn nuôi, thả cá, trồng cây ăn quả, với hình thức “lấy ngắn nuôi dài”.

Đất cằn “nở hoa”

Thành công bước đầu như tiếp thêm sức mạnh cho đôi vợ chồng nghèo. Anh Minh bảo: “Làm được bao nhiêu, một phần trả nợ, phần thì đầu tư quay vòng. Sau một thời gian, mọi thứ tưởng chừng như đã ổn thì trang trại lại phải đối mặt với bệnh dịch, giá cả lên xuống bấp bênh nên những con gà, con vịt hay con lợn... đều không thể giúp tôi thực hiện kế hoạch làm giàu. Sau đó, tôi bàn với vợ đổi hướng sang chăn nuôi bò. Bao nhiêu vốn liếng tích góp được, cùng với số vốn vay mượn của bạn bè tôi đầu tư đàn bò hơn chục con, nhưng khoảng hơn một năm sau bán ra thì vẫn chưa đủ vốn. Có lẽ, đó là vụ thua lỗ lớn nhất kể từ khi bắt tay vào làm kinh tế...”, anh Minh cười hiền.

Nhưng vợ chồng anh không nản lòng. Anh bảo vợ: “Đất quê mình tốt lắm, trồng lúa, lúa tốt, trồng rau, rau xanh thì hẳn là có thể trồng nhiều loại cây khác nữa. Tính đi tính lại, cứ trồng hai vụ lúa với rau màu như thế này thì không thể giàu lên được. Phải làm một điều gì đó để thoát khỏi cảnh này?”. Cứ có thời gian rảnh, hai vợ chồng lại lên mạng tìm tòi học hỏi các mô hình, những cây con có thể giúp người dân thoát nghèo, chợt anh nghĩ đến cây dược liệu. Thấy rõ những lợi thế của cây dược liệu trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều công ty thậm chí còn đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc về thì tại sao mình lại không phát triển các loại cây này ở đất xứ Thanh? Qua tìm hiểu, anh thấy nhiều nơi người ta đã trồng và thành công với những cây lạ này.

Nghĩ là làm! Anh Minh khăn gói ra Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tìm cây giống, mặt khác cũng để học hỏi cách làm của những người đi trước. Trước những thất bại vừa mới trải qua, anh cũng không giám “liều”. Ban đầu, anh chỉ trồng một vài luống nhỏ, thấy có hiệu quả anh cứ nhân dần lên. Từ những thành công này, anh Lê Xuân Minh tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển mô hình trồng cây dược liệu quý cũng như tìm hướng đi cho mô hình của mình.

Để mở rộng vùng nguyên liệu, anh khăn gói lên đường đến các tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu, mặt khác, anh cũng tăng cường và mở rộng liên kết với các công ty dược để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ gia đình trồng dược liệu. Đến nay, gia đình anh đã thầu thêm, mở rộng diện tích ra hơn 2,2 ha, ngoài một ít diện tích trồng lúa và cây ăn quả còn lại là trồng các loại cây thảo dược như: Kim ngân hoa, cà dây leo, cây khôi nhung, cây xạ can, cây xạ đen.

Nói về những tháng ngày đến với loài cây lạ, chị Lê Thị Đức (sinh năm 1975), vợ anh Minh bộc bạch: “Lúc mới bắt tay vào làm, tôi lo lắm, nhất là thị trường đầu ra. Nhưng thấy chồng quyết tâm, tôi cũng chẳng dám can. Vậy là một lần nữa anh lại phải chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm thị trường, tôi ở nhà những khi có thời gian rảnh lại lên mạng tìm kiếm... Đến nay, thị trường đầu ra đã tương đối ổn định. Nghĩ lại những gì mình đã trải qua, nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi: Tại sao có những thời kỳ cơm chan nước mắt vậy mà mình lại có thể vượt qua được? Giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình”, chị Đức nhớ về những ngày đầu lập nghiệp.

Hàng năm, mô hình cây dược liệu của gia đình anh Minh thu hoạch được khoảng 15 tấn khô, với giá bán hiện nay, trừ các loại chi phí, thu được khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình, mô hình này còn giải quyết việc làm cho 4 lao động chính với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng và 7-8 lao động thời vụ.

“Đầu năm 2019, tôi đã đi Bình Thuận mấy tháng trời để học cách nấu cao cà dây leo và đã thử nghiệm thành công. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị nấu cao, đăng ký nhãn mác... để đưa ra thị trường. Tháng 10-2019, chúng tôi sẽ thành lập HTX cây dược liệu với quy mô khoảng 20 hộ trên địa bàn xã Đông Hoàng. Theo kế hoạch, gia đình tôi sẽ mở rộng mô hình cây dược liệu lên khoảng 5 ha, đồng thời tăng thêm một số cây trồng khác nữa”, anh Lê Xuân Minh chia sẻ.

Sau bao năm gây dựng sự nghiệp, vườn cây dược liệu của anh Lê Xuân Minh đã tồn tại vững chắc. Và những đơn đặt hàng liên tiếp như một minh chứng cho sự thành công sau bao nỗ lực của anh, hứa hẹn một hướng đi mới giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]