(Baothanhhoa.vn) - Từ nhiều năm nay, câu chuyện về xử lý rác thải luôn là một thử thách đối với môi trường sống của toàn xã hội. Việc phân loại rác thải tại nguồn là một trong những cách làm hay nhằm giảm lượng rác về bãi xử lý cũng như hạn chế những tác hại từ những loại rác thải độc hại ra môi trường tự nhiên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ môi trường từ mô hình phân loại rác thải tại nguồn

Từ nhiều năm nay, câu chuyện về xử lý rác thải luôn là một thử thách đối với môi trường sống của toàn xã hội. Việc phân loại rác thải tại nguồn là một trong những cách làm hay nhằm giảm lượng rác về bãi xử lý cũng như hạn chế những tác hại từ những loại rác thải độc hại ra môi trường tự nhiên.

Bảo vệ môi trường từ mô hình phân loại rác thải tại nguồn

Thùng rác thông minh giúp người dân phân loại rác thải tại nguồn.

Hiệu quả thiết thực từ những hành động nhỏ

Từ nhiều năm nay, hằng ngày, bà Lê Thị Đào ở thôn Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) luôn thực hiện phân loại rác ngay từ nhà bếp. Những phế phẩm bà dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; rau, củ, quả bà bới gốc cây lấp đất lại để tự phân hủy thành phân vi sinh; với các loại lọ, chai nhựa... lại được bà thu gom để bán.

“Trước đây, cũng như nhiều gia đình khác, tôi thường gom tất cả rác thải sinh hoạt vào túi nilon rồi bỏ hết lên xe chở rác chứ chưa hề nghĩ đến chuyện phân tách ra từng loại. Từ ngày được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tôi mới hiểu ra và thấy việc làm này thực sự không hề khó mà lại mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo vệ môi trường” – bà Đào chia sẻ.

Tại huyện Hà Trung, mô hình “phân loại rác thải tại hộ gia đình” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hà Ninh triển khai đã từ nhiều năm nay và thu được những kết quả tích cực. Cùng với việc vận động chị em phụ nữ duy trì phong trào dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm hàng tuần, hội còn vận động người dân làm lò xử lý rác tại nhà đồng thời thực hiện phân ra từng loại rác thải. Với những loại lá, cành cây mục dễ cháy, người dân chủ động cho vào lò đốt tại nhà để giảm lượng rác cho bãi tập kết. Còn với rau, củ, quả phế phẩm thì được tận dụng để ngâm ủ làm phân vi sinh tưới cho rau màu. Quy trình này được thực hiện rất đơn giản: Băm nhỏ lượng rau củ dư thừa, trộn với đường hoặc mật mía theo tỉ lệ 3/1 rồi cho vào thùng kín trong khoảng thời gian một tháng sẽ cho ra một loại phân vi sinh để pha loãng bón đất rất tốt cho cây trồng. Đây là cách làm hay không chỉ làm giảm lượng rác thải ra môi trường mà còn giúp người nông dân tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình này đã được nhân rộng tại nhiều xã trên địa bàn huyện.

Chị Đoàn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Ninh phấn khởi cho biết: Một ngày, mỗi hộ nông dân địa phương sẽ có một số lượng rau củ dư thừa từ việc chế biến bữa ăn trong gia đình đến sản xuất nông nghiệp. Thay vì họ bỏ vào thùng rác đưa đến bãi tập kết thì chúng tôi hướng dẫn người dân cách làm phân vi sinh từ những rác thải hữu cơ của gia đình mình. Kết quả là xã chúng tôi đã giảm được rất nhiều lượng rác thải ra môi trường, từ trong nhà, ngoài ngõ chỗ nào cũng sạch đẹp, thoáng đãng, đồng thời người dân lại tự tạo được loại phân bón thực sự an toàn và rất tốt cho quá trình phát triển của cây trồng.

Hiện nay, việc phân loại rác thải tại nguồn cũng được xã hội hóa một cách rộng rãi. Trên các tuyến phố chính của TP Thanh Hóa như: Phan Chu Trinh, Đại lộ Lê Lợi,... có nhiều thùng rác thông minh được đặt cố định để người dân có thể phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ. Tại một số trường học, ban giám hiệu nhà trường và các thầy, cô giáo cũng rất coi trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn học sinh tham gia bảo vệ môi trường. Nhiều em rất có ý thức trong việc phân loại rác thải không chỉ trên trường lớp mà còn thực hiện chính ngay tại gia đình mình. Hành động thu gom riêng các loại rác thải điện tử từ đồ chơi và các loại pin đèn, pin điều khiển để giao lại cho những điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí là việc làm tuy nhỏ nhưng thể hiện ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường của thế hệ trẻ.

Còn nhiều bất cập

Thực tế hiện nay việc phân loại rác từ đầu nguồn tuy đã được tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn chưa được người dân thực hiện triệt để. Phần lớn mọi người vẫn có thói quen dồn tất cả rác thải sinh hoạt vào thùng hoặc túi nilon rồi bỏ lên xe thu gom rác của các đơn vị làm công tác môi trường.

Theo chị Trần Thị Hương, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), trước đây gia đình chị cũng phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ ra làm hai thùng riêng biệt nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy vì “rác trong nhà đã được phân loại nhưng khi thu gom, công nhân vệ sinh môi trường lại bỏ chung hết vào xe chở rác thì việc chúng tôi phân loại cũng không có ích gì”.

Bảo vệ môi trường từ mô hình phân loại rác thải tại nguồn

Điểm thu hồi pin đã qua sử dụng là một mô hình phân loại rác tại nguồn hiệu quả đối với việc bảo vệ môi trường.

Đối với các thùng rác thông minh nơi công cộng tuy rất tiện lợi nhưng chưa phát huy được hết hiệu quả trong việc phân loại rác thải. Nguyên nhân là bởi trên mặt thùng do không có hướng dẫn bằng tiếng Việt mà chỉ thể hiện bằng màu sắc và hình ảnh khiến nhiều người lúng túng khi muốn bỏ riêng từng loại rác ra mỗi ngăn. Vì vậy, tình trạng bỏ rác lẫn lộn vẫn thường diễn ra ở hầu hết các thùng rác trên đường.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 2.100 tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày và có xu hướng ngày một tăng, đa dạng chủng loại, khó xử lý. Trong khi đó Thanh Hóa chưa có nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại, công tác thu gom, xử lý rác thải mới chỉ dừng lại ở chôn lấp, đốt. Việc triển khai phân loại rác tại nguồn trên diện rộng và tổ chức thu gom, xử lý riêng chưa thực hiện được. Vì vậy, rất cần sự tự giác, nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc phân loại rác tại nguồn. Thay vì dồn hết cho đơn vị thu gom, xử lý rác, người dân tách lượng rác hữu cơ này ủ phân vi sinh bón cho cây cối; thức ăn thừa có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; túi nilon, chai nhựa bán ve chai để tái chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chính quyền các địa phương cũng cần nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải để cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài Và Ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]