(Baothanhhoa.vn) - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là giá đỡ của người lao động bị mất việc làm. Nhất là trong thời điểm hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, chính sách BHTN đã phát huy rõ vai trò, tính ưu việt của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo hiểm thất nghiệp - giá đỡ của người lao động bị mất việc làm

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là giá đỡ của người lao động bị mất việc làm. Nhất là trong thời điểm hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, chính sách BHTN đã phát huy rõ vai trò, tính ưu việt của mình.

Bảo hiểm thất nghiệp - giá đỡ của người lao động bị mất việc làm

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tăng so cùng kỳ năm ngoái.

Giá đỡ giúp người lao động vượt qua khó khăn

Vào Nam lập nghiệp và đã từng làm nhiều công việc khác nhau, tháng 8-2018 chị Tô Thị Thương ở xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa) xin vào làm công nhân tại Công ty Saitex International Đồng Nai. Do phải cắt giảm lao động nên công ty cho chị nghỉ việc từ cuối tháng 4-2020. Cùng thời điểm chồng chị là Vi Văn Nhất, làm tại Công ty TNHH Kim khí Fuji Việt Nam (Đồng Nai) cũng bị nghỉ việc vì dịch COVID-19. Chị Thương chia sẻ: Sống và làm việc ở Đồng Nai được hơn 10 năm, khi chưa có dịch COVID-19 tổng thu nhập bình quân của 2 vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nếu làm tăng ca thu nhập khoảng 17-18 triệu đồng/tháng. Từ ngày nghỉ việc, cuộc sống bị đảo lộn, không có thu nhập nhưng vẫn phải trả tiền thuê nhà, vẫn phải chi tiêu ăn uống, sinh hoạt. Thấy không có khả năng để bám trụ nên vợ chồng, con cái dắt díu nhau về quê. Ngày 1-6 vừa qua, 2 vợ chồng tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để làm thủ tục hưởng trợ cấp BHTN. Theo chị Thương, số tiền 2 vợ chồng nhận được trong 3 tháng rất có giá trị đối với gia đình để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Cùng cảnh “bất đắc dĩ” phải nghỉ việc là vợ chồng anh Lê Văn Sơn - chị Bùi Thị Hồng, ở xã Thạch Bình (Thạch Thành). Trước đây cuộc sống của gia đình 4 thành viên tương đối ổn định, chị làm công nhân may ở Công ty TNHH Giầy Antonia Việt Nam, tỉnh Ninh Bình, anh thì làm lái xe đưa đón công nhân cùng công ty. Từ ngày 1-4, chị Hồng bị nghỉ việc do công ty cắt giảm nhân công, anh Sơn tuy không bị thuộc diện cắt giảm nhưng cũng làm đơn nghỉ việc, về quê cùng vợ con. Qua tư vấn, giới thiệu việc làm, anh Sơn hiện đã tìm được công việc mới ở gần nhà. Chị Hồng cho biết: Trong thời gian chờ tìm việc làm mới, nhờ có số tiền trợ cấp thất nghiệp tuy không nhiều nhưng cũng đủ giúp gia đình trang trải mấy tháng qua.

Với chị Vi Thị Chiều, người dân tộc Thái, ở xã Xuân Chinh (Thường Xuân) làm việc tại Công ty TNHH MTV 78 (Binh đoàn 15) ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và đã đóng BHTN được 6 năm, 6 tháng. Do bố mẹ già thường xuyên đau ốm, nhà lại neo người nên chị Chiều xin nghỉ việc về quê tìm công việc phù hợp, gần nhà để tiện việc chăm sóc bố mẹ. Không có việc làm đồng nghĩa với việc thu nhập bị giảm sút. Số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp chính là “cần câu cơm” trong thời gian chị Chiều chờ đợi tìm công việc mới phù hợp.

Thực hiện nhiều giải pháp, sớm đưa người lao động tái hòa nhập thị trường

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và báo cáo đánh giá từ các địa phương về tình hình lao động việc làm, tính đến giữa tháng 4- 2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tại Thanh Hóa, lượng người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm làm đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 4 khoảng 3.806 người. Đến nay, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đã lên tới 12.601 người. Để sớm đưa người lao động tái hòa nhập thị trường, bên cạnh việc thực hiện chính sách chi trả trợ cấp thất nghiệp, trung tâm đã chủ động lên phương án và triển khai các giải pháp để thực hiện. Đa dạng hóa, đổi mới hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, dạy nghề. Đồng thời phát huy hiệu quả chức năng kết nối “cung-cầu” lao động, đổi mới cách thức tổ chức sàn giao dịch việc làm và thông tin thị trường lao động, kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt về vị trí việc làm trống cần tuyển dụng và cập nhật lên website, fanpage, niêm yết tại bảng tin của trung tâm, để người lao động dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm trước yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hệ thống sàn giao dịch việc làm đã làm tốt vai trò tư vấn cho người sử dụng lao động về công tác tuyển dụng, về xác định chỉ tiêu tuyển dụng, đưa ra chế độ, quyền lợi phù hợp cho người lao động. Đối với doanh nghiệp khi đến với hệ thống sàn giao dịch việc làm được tư vấn về công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực, sử dụng lao động và phát triển việc làm. Thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm, người lao động được tư vấn để định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, công việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân, cũng như nắm rõ hơn thông tin của thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn, chính sách về bảo hiểm. Ngoài ra người lao động còn được tư vấn về kỹ năng thi tuyển, phỏng vấn để sẵn sàng tham gia quá trình tuyển dụng của các doanh nghiệp. Thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm đã góp phần phát triển mạng thông tin việc làm, hoàn thiện cơ sở dữ liệu “Người tìm việc, việc tìm người”. Ông Phạm Văn Viện, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chia sẻ: Qua thực thi chính sách BHTN đã giúp người lao động bảo đảm một phần cuộc sống, vượt qua những khó khăn lúc đại dịch, góp phần an sinh xã hội. Cũng từ chính sách hỗ trợ cho lao động thất nghiệp mà rất nhiều lao động đã xin được việc làm mới với mức lương ổn định; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh ngày càng tăng cao...

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]