(Baothanhhoa.vn) - Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT) nói chung và môi trường trong lĩnh vực du lịch biển nói riêng đã và đang được cấp ủy, chính quyền thành phố (TP) Sầm Sơn quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo đảm vệ sinh môi trường – chìa khóa để phát triển bền vững

Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT) nói chung và môi trường trong lĩnh vực du lịch biển nói riêng đã và đang được cấp ủy, chính quyền thành phố (TP) Sầm Sơn quan tâm.

Đoàn viên, thanh niên TP Sầm Sơn dọn vệ sinh môi trường bãi biển.

Nét nổi bật là các phường, xã đã xây dựng được nhiều mô hình, đoạn đường tự quản, huy động được các đoàn thể chính trị - xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân cùng tham gia công tác bảo đảm VSMT; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn đều trang bị thùng đựng rác, lắp biển báo chỉ dẫn nhằm nâng cao ý thức của du khách trong công tác bảo đảm VSMT. 100% nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, hộ kinh doanh ăn uống... trên địa bàn TP cam kết sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh; các cơ sở lưu trú thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng; thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển rác, không để xảy ra hiện tượng rác tồn đọng tại các trục đường, khu vực bãi biển. Cùng với đó, hàng năm, trước mùa du lịch, UBND TP đều xây dựng phương án bảo đảm VSMT trên địa bàn. Trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng việc quét, duy trì vệ sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nước thải, tuyệt đối không để rác tồn lưu trong khu du lịch, khu vực khuôn viên bãi tắm; chăm sóc cây xanh đường phố; nạo vét cống rãnh, xử lý ngập úng cục bộ; thực hiện nghiêm việc thu gom rác và duy trì vệ sinh tại các khu dân cư và nơi công cộng khác...

Cùng với đó, những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường, nhất là tại khu vực bãi biển đều được TP tập trung giải quyết; những khó khăn đã được TP báo cáo kịp thời để tỉnh hỗ trợ giải quyết, không để ảnh hưởng đến việc tắm biển và các hoạt động khác của du khách. Trong đó, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm 2017 do lượng khách đổ về Sầm Sơn tăng đột biến, cùng với việc gia tăng nhanh chóng các nhà nghỉ, khách sạn... kéo theo đó là lượng rác thải, nước thải tăng lên, do vậy Trạm bơm Hải Âu (phường Bắc Sơn) quá tải, nước thải ứ đọng, chảy tràn qua các cống ra biển. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã đồng ý đầu tư gần 160 tỷ đồng thực hiện dự án xử lý nước thải để nhanh chóng khắc phục triệt để tình trạng trên.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển đô thị du lịch biển, TP Sầm Sơn cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường. Đó là nước thải sinh hoạt không ngừng tăng lên; hạ tầng kỹ thuật phục vụ VSMT còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải... Tại bãi rác của TP đã quá tải, với mức độ gây ô nhiễm môi trường tăng lên theo thời gian. Trước thực trạng đó, năm 2014, tỉnh đã đầu tư 30 tỷ đồng để TP nâng cấp, cải tạo bãi rác với mục tiêu là xử lý ô nhiễm do rác thải tồn lưu và nơi chứa xử lý rác thải đến hết năm 2018. Cùng với đó, để hạn chế đến mức thấp nhất việc ô nhiễm môi trường, TP đã chỉ đạo Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn thường xuyên xử lý mùi hôi bằng phun thuốc chống thối, ít nhất 2 lần/ngày về mùa hè, đồng thời phủ bạt, xây thêm hồ xử lý... Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các giải pháp đó là đổ rác cuốn chiếu theo lớp sau đó lu lèn giảm chiều cao; xử lý bằng chế phẩm sinh học, phun thuốc ruồi muỗi và đặc biệt là phải che phủ bằng bạt HDPE toàn bộ bề mặt bãi rác; phía đông bãi rác cho đổ đất che phủ rác nhằm tạo ra bức tường, đồng thời trồng cây xanh để che chắn và cách ly với khu dân cư; tập trung xử lý tốt nước rỉ rác trước khi đưa về khu xử lý chung. Về lâu dài, TP đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng đề án để các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh xem xét quyết định cho phép TP đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại vị trí mới giáp với khu quy hoạch Nghĩa trang nhân dân xã Quảng Minh bằng công nghệ đốt kiệt, công suất từ 120 đến 150 tấn/ngày đêm nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý hết lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn TP.

Mới đây, trong buổi giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên địa bàn TP, đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế đó là, tình trạng ô nhiễm khí thải, rác thải, nước thải ngày càng nghiêm trọng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền TP chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm tại địa phương... Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, đồng chí đề nghị TP Sầm Sơn đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm, công khai những tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực môi trường; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường; TP nghiên cứu các giải pháp tạm thời xử lý tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường tại bãi rác thải TP Sầm Sơn.


Bài và ảnh: Lê Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]