(Baothanhhoa.vn) - Tiết kiệm cả đời, thậm chí mang cả gia sản để tham gia vào chương trình huy động vốn của Công ty CP Thương mại Hậu Lộc, nay chưa thể đòi lại khiến nhiều gia đình đảo lộn cuộc sống, không tiền chữa bệnh, mâu thuẫn vợ chồng. Hàng chục người dân mong lấy lại tiền gửi, trong khi phía doanh nghiệp huy động kêu khó khăn về tài chính...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng chục hộ dân bất an khi không đòi được tiền gửi vào doanh nghiệp

Bài 2: Hệ lụy và những lý giải từ các bên liên quan

Bài 2: Hệ lụy và những lý giải từ các bên liên quan

Một số mặt bằng thương mại tại trụ sở chính (thị trấn Hậu Lộc) đã được Công ty CP Thương mại Hậu Lộc nhượng quyền.

Tiết kiệm cả đời, thậm chí mang cả gia sản để tham gia vào chương trình huy động vốn của Công ty CP Thương mại Hậu Lộc, nay chưa thể đòi lại khiến nhiều gia đình đảo lộn cuộc sống, không tiền chữa bệnh, mâu thuẫn vợ chồng. Hàng chục người dân mong lấy lại tiền gửi, trong khi phía doanh nghiệp huy động kêu khó khăn về tài chính...

Nhẹ dạ, nhiều người lâm cảnh khốn khó

Nói về khoản nợ 190 triệu đồng cho Công ty CP Thương mại Hậu Lộc huy động vốn kinh doanh, hiện chưa lấy lại được, nước mắt chị Trịnh Thị Phương ở khu Tống Ngọc, thị trấn Hậu Lộc luôn trực trào ra. Người phụ nữ sinh năm 1978 nhưng nom già hơn cả chục tuổi vì lam lũ và bệnh tật. Khốn nỗi, từ giữa năm 2020, chị phát hiện bị ung thư dạ dày đã vào giai đoạn 2 nên hằng tháng phải ra Bệnh viện K Trung ương cơ sở 2 ở Hà Nội để xạ trị. Tiền viện phí, đi lại, ăn uống hàng tháng đã làm gia đình khuynh gia bại sản, hiện đang phải đi vay lãi để điều trị bệnh. Trong khi đó, toàn bộ số tiền dành dụm của gia đình bao năm đã được chị đem gửi theo chương trình huy động vốn kinh doanh của Công ty CP Thương mại Hậu Lộc trước đó.

“Hiện nay tôi là lao động chính, một thân một mình nuôi 2 con nhỏ đang đi học, mẹ già 92 tuổi và người bác bị bại não. Nay phát hiện bị bệnh hiểm nghèo, không biết tương lai gia đình thế nào nữa. Rất cần tiền trang trải nên từ nửa cuối năm 2020, tôi đã lên Công ty CP Thương mại Hậu Lộc xin lấy lại số tiền nhưng họ cứ hứa loanh quanh. Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tôi lên gặp ông Chính giám đốc để xin lấy mấy triệu đồng mua sắm đồ ăn tết mà cũng không được” - chị Phương buồn tủi trải lòng.

Theo chị, thấy nhiều người gửi công ty, hằng tháng được trả lợi nhuận 1% số tiền gửi nên chị đã đem toàn bộ số tiền dành dụm đến gửi để gia đình có thêm nguồn thu. Ban đầu, chị gửi 50 triệu đồng vào tháng 11–2016, sau đó cứ bán nông sản, vật nuôi rồi làm lụng tiết kiệm lại gửi thêm. Đến nay, gia đình chị đã 6 lần gửi với tổng số tiền 190 triệu đồng, mỗi lần gửi đều có giấy tờ khế ước và “Sổ tiền gửi hưởng ưu đãi cổ tức” do công ty tự phát hành.

Gia đình bà Trịnh Thị Chung, trú tại Khu Trung tâm, thị trấn Hậu Lộc là hộ nghèo từ năm 2016-2018. Năm 2019-2020 gia đình bà Chung cũng thuộc hộ cận nghèo. Vợ làm ruộng, chồng đi phụ hồ, nuôi 4 đứa con ăn học, từ năm 2017 đến nay, bà Chung góp nhặt từng đồng tiền đi làm thuê để mỗi tháng gửi vào Công ty CP Thương mại Hậu Lộc từ 5 đến 15 triệu đồng... Tính đến tháng 5-2020, bà Chung đã gửi vào công ty này số tiền 140 triệu đồng. Uất nghẹn kể với chúng tôi, bà Chung khóc lóc: “Giờ lãi không có, rút gốc cũng không cho, mới đây tôi lại phát hiện bệnh tháo đường. Tiền chữa bệnh không có, con cái nheo nhóc, vợ chồng cãi nhau vô cùng khổ sở. Chỉ mong công ty sớm có cách giải quyết, không thì tôi không biết phải sống tiếp như thế nào”.

Tiếng nói từ những người trong cuộc

Khi biết có phóng viên về tìm hiểu sự việc, gần chục người dân có tiền gửi theo chương trình huy động vốn của Công ty CP Thương mại Hậu Lộc đã đến phản ánh. Các “nạn nhân” chủ yếu ở thị trấn Hậu Lộc, các xã: Tuy Lộc, Phú Lộc, Lộc Sơn, thậm chí cả xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa)... Nhiều người dân cho rằng, lúc đầu phía công ty không nói vay lãi mà phát “Sổ tiền gửi hưởng ưu đãi cổ tức” nên nhầm tưởng góp vốn kinh doanh, hằng tháng lấy phần trăm tiền lợi nhuận. Đây là doanh nghiệp lớn trên địa bàn huyện, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực nên nhiều người tin tưởng. Nhưng nay, những người gửi tiền mới ngộ ra, đây chính là hình thức vay lãi để công ty huy động vốn trong giai đoạn khó khăn. Không những chưa thể đòi lại tiền gửi, từ nửa cuối năm 2020 đến nay, các hộ dân còn không nhận được tiền lợi nhuận hằng tháng nên càng bất an.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thương mại Hậu Lộc thừa nhận có huy động vốn của người dân trong nhiều năm nay. Tổng số tiền huy động đến thời điểm hiện tại chưa trả được, ông không nhớ cụ thể, nhưng khoảng 15 tỷ đồng. “Thời gian gần đây do kinh doanh khó khăn, trong khi phía ngân hàng không giải ngân cho vay theo kỳ hạn nữa nên chúng tôi bị động. Người nọ bảo người kia, bà con lại đến xin rút tiền hàng loạt nên chúng tôi chưa thể xoay được, đành hứa trả sau. Chúng tôi hứa sẽ trả nợ cho bà con, nhưng phải từng bước, dần dần” - ông Chính cam kết.

Về nguồn trả nợ, ông Chính cho hay, các khách hàng đang nợ tiền hàng hóa công ty khoảng 13 tỷ đồng, hiện đang cho người đi thu nợ. Tổng số hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng trị giá khoảng 10 tỷ đồng nữa. Công ty có 1 trụ sở giữa trung tâm thị trấn Hậu Lộc, 2 siêu thị tại các xã Hoa Lộc và Văn Lộc (nay đã sáp nhập vào xã Thuần Lộc - PV), 1 nhà máy sản xuất rượu nhãn hiệu Chi Nê, 1 kho phân bón, 1 cửa hàng xăng dầu tại xã Hà Long (Hà Trung)... Doanh nghiệp cũng đang cho nhượng quyền thương mại một số cửa hàng kinh doanh và thanh lý một số tài sản để lấy tiền cân đối nợ.

Lý giải việc phát hành “Sổ tiền gửi hưởng ưu đãi cổ tức” gần giống sổ tín dụng ngân hàng, ông Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Hậu Lộc, cho rằng: “Phát hành sổ là để thuận lợi cho giao dịch hằng tháng, bộ phận thủ quỹ sẽ ghi trực tiếp số tiền trả lợi nhuận cho người dân vào phía sau. Việc này đã được chúng tôi thực hiện từ nhiều năm nay. Nó chỉ mang tính chất là theo dõi số tiền nợ thôi. Nhìn nó giống sổ tiết kiệm nên người dân hiểu sai thôi (!?)”.

Tuy nhiên, khi được hỏi những người cho vay tiền có phải cổ đông của công ty không, ông Chính trả lời không. Như vậy, cụm từ “hưởng ưu đãi cổ tức” trong sổ huy động vốn là sai bản chất, gây hiểu nhầm cho người cho vay. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Công ty CP Thương mại Hậu Lộc có 105 cổ đông, nhưng đa phần những người gửi tiền tại công ty không phải cổ đông. Một số người cho vay đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng của huyện Hậu Lộc, hiện đang được gọi đến để “hòa giải”...

Báo Thanh Hóa sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PV Kinh tế


Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]