(Baothanhhoa.vn) - Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội XDNTM tại các địa phương.

Đổi mới hoạt động của kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội XDNTM tại các địa phương.

Đổi mới hoạt động của kinh tế tập thể

Mô hình nuôi ong lấy mật của HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Dạ xã Xuân Bình (Như Xuân).

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các HTX, tổ hợp tác đang là những nhân tố tích cực nhất tại mỗi địa phương về thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong XDNTM. Từ đó, thúc đẩy hình thành các mô hình kinh tế tập thể, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với những sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn và có sức lan tỏa, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Dạ, xã Xuân Bình (Như Xuân) được thành lập năm 2022 với 24 thành viên. Ngay từ khi thành lập, HTX đã tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong Quản Dạ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Năm 2023, mật ong Quản Dạ của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã và các biện pháp quảng bá sản phẩm nên sản phẩm từng bước chiếm lĩnh được thị trường, được đông đảo khách hàng đón nhận. Nhờ thế, doanh thu HTX đạt từ 3 đến 3,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân hộ thành viên 10 đến 12 triệu đồng/tháng...

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực triển khai Luật HTX và các văn bản hướng dẫn thi hành; cùng với đó, đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX, thành viên HTX, tổ hợp tác, các hộ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn về thành lập mới HTX, giải quyết các vướng mắc về tiếp cận chính sách thuế, đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng và chế biến nông sản, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ các HTX tham gia Chương trình OCOP... Hiện nay, 100% HTX trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Số lượng HTX nông nghiệp có xu hướng ngày càng tăng, được duy trì và tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của tỉnh (sản phẩm cam, dược liệu, chè, homestay); nhiều HTX tích cực tham gia hình thành mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; chú trọng tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết, hợp tác sản xuất. Qua đó, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; tạo điều kiện từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao. Điển hình như: HTX DVNN Thiệu Hưng (Thiệu Hóa) đã thực hiện tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng dưa vàng và trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, có dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mô hình trồng lan hồ điệp và trồng dưa chuột, dưa vàng của HTX Nông nghiệp Định Thọ (Quảng Xương) cũng cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Mô hình liên kết thành viên, hộ nông dân trồng cây chè trên diện tích 30ha và sản xuất sản phẩm chè OCOP chất lượng cao của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm. HTX Sản xuất, thương mại Nông nghiệp sạch Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất phân bón hữu cơ, cung ứng cho thành viên và hộ nông dân trên địa bàn hoạt động; tạo thu nhập bình quân của cán bộ, thành viên, lao động đạt 9 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX còn thấp, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm; tư duy phát triển sản xuất, kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và vốn quỹ của HTX còn nhiều khó khăn. Nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, thiếu nhiều điều kiện để sản xuất, kinh doanh dịch vụ và tiến tới là thực hiện chuyển đổi số. Các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung, tích tụ ruộng đất. Số HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp...

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hồng Hải cho biết: “Để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh đang tập trung tuyên truyền về chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về kinh tế tập thể và HTX; tham mưu cho các cấp có liên quan xây dựng và triển khai các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX. Cùng với đó, tiếp tục nâng nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên; thường xuyên bám sát, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của HTX để hướng dẫn xử lý hoặc đề xuất các cấp, ngành giải quyết. Đồng thời, huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của cá nhân, các tổ chức trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng thu nhập cho các thành viên".

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]