(Baothanhhoa.vn) - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, từ năm 2025 sẽ chỉ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn tự chọn do thí sinh tự lựa chọn. Để thích ứng với phương án thi mới, các trường THPT đang có những điều chỉnh trong công tác tổ chức dạy học chính khóa và học thêm buổi chiều.

Đổi mới công tác dạy học, hướng nghiệp sau quy định thi tốt nghiệp THPT 4 môn

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, từ năm 2025 sẽ chỉ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn tự chọn do thí sinh tự lựa chọn. Để thích ứng với phương án thi mới, các trường THPT đang có những điều chỉnh trong công tác tổ chức dạy học chính khóa và học thêm buổi chiều.

Đổi mới công tác dạy học, hướng nghiệp sau quy định thi tốt nghiệp THPT 4 mônCác trường đại học tổ chức hướng nghiệp cho học sinh THPT tại Trường Đại học Hồng Đức.

Việc điều chỉnh phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thay đổi phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Việc đổi mới công tác thi đòi hỏi đổi mới đồng bộ từ công tác giáo dục hướng nghiệp, tổ chức dạy học đến tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Dù tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT được tổ chức theo hình thức như thế nào thì vẫn phải thực hiện Chương trình GDPT 2018 một cách đầy đủ, tránh tình trạng thi gì học nấy, coi trọng môn này, nhẹ môn kia... Việc thay đổi từ 6 môn thi bắt buộc xuống chỉ còn 4 môn thi; môn Ngoại ngữ từ môn thi bắt buộc trở thành môn thi tự chọn... với cách học “thực dụng” thi gì học nấy, thì học sinh sẽ chỉ học 4 môn. Trong khi đó, để phù hợp với phương án thi mới, chắc chắn phương án tuyển sinh đại học cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh việc xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, để đảm bảo chất lượng đầu vào nhiều trường sẽ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy riêng. Đối với môn Ngoại ngữ là môn học để học sinh “hội nhập”, sẽ theo học sinh trong suốt quá trình học tập cũng như cuộc sống sau này... Do đó, đòi hỏi các trường THPT phải làm công tác tư tưởng cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. Phải xác định được quan điểm xuyên suốt và có chiến lược dạy học phù hợp.

“Trong một lớp học sẽ có nhiều học sinh lựa chọn, đăng ký thi các môn thi khác nhau, nhưng dù học sinh thi gì thì vẫn phải đảm bảo mặt bằng kiến thức chung. Xác định lớp 10, 11 học sinh phải học để biết được thế mạnh của mình là gì? Mình có hứng thú, yêu thích đối với môn học, ngành nghề gì? Từ đó dẫn đến việc dạy thêm vào các buổi chiều được tổ chức theo nhu cầu học của học sinh, là cơ sở để học sinh lựa chọn được môn thi phù hợp với năng lực, sở trường và ngành nghề lựa chọn trong tương lai. Ngoài ra, việc các trường đại học, cao đẳng thay đổi tổ hợp xét tuyển, với nhiều môn khác nhau đòi hỏi các nhà trường phải đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà, phải dạy phủ đều các môn”, cô Nguyễn Thị Lê cho biết thêm.

Chương trình GDPT 2018 có mục tiêu phát triển người học theo phẩm chất và năng lực. GDPT chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (bậc tiểu học và THCS) và định hướng nghề nghiệp (bậc THPT).

Với việc đổi mới cách thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT mới từ năm 2025, đòi hỏi học sinh phải xác định được khả năng, năng lực, sở trường, xu hướng nghề nghiệp, nghề nghiệp yêu thích và phù hợp với mình trong tương lai để chọn các môn học và môn thi tốt nghiệp phù hợp nhất. Điều này cũng đòi hỏi công tác giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc THCS, THPT phải được nâng chất và nâng tầm, giúp các em xây dựng phương pháp học tập và chọn các môn học ở cấp THCS và THPT phù hợp nhất với từng cá nhân học sinh. Đồng thời, giúp các em hình thành khả năng đánh giá năng lực bản thân, hiểu mình, hiểu nghề để chọn ngành, nghề phù hợp nhất với bản thân trong tương lai.

Nói về vấn đề này, thầy giáo Lê Việt Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 2 chia sẻ: Công tác phân luồng, hướng nghiệp được nhà trường chú trọng thực hiện theo hướng nắm bắt rõ năng lực của học sinh để phân lớp. Học sinh có học lực từ trung bình trở xuống, nhà trường sẽ tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời định hướng phân luồng học nghề. Đối với lớp học sinh khá trở lên, bên cạnh việc chú trọng ôn thi các môn theo khối thi các em lựa chọn, sẽ có thêm các buổi học bổ trợ kiến thức để các em đủ kiến thức tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học top trên tổ chức.

Với phương án thi 4 môn, về lâu dài sẽ có những hệ lụy như: Việc học sinh sẽ học lệch ngay từ khi đăng ký vào lớp 10; tình trạng quá chú trọng môn này mà xem nhẹ môn khác là khó tránh khỏi; việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ sẽ làm giảm một phần động lực học tập của học sinh... Do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xác định rõ hướng đi phù hợp trong công tác chỉ đạo chuyên môn; có chiến lược tổ chức dạy học đúng hướng... Bộ GD&ĐT cũng nên quy định thêm điều kiện tốt nghiệp dựa trên điểm số học bạ để đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà; các trường đại học top trên cũng cần xây dựng phương án tuyển sinh riêng để đảm bảo chất lượng đầu vào học sinh. Đối với các em học sinh THPT, là bậc học vô cùng quan trọng, do đó các em không những phải học kiến thức mà còn phải hiểu mình để lựa chọn được hướng đi phù hợp nhất với mình trong tương lai.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]