(Baothanhhoa.vn) - Công nghiệp chế biến, chế tạo hiện là ngành sản xuất chủ lực trong sản xuất công nghiệp của tỉnh, chiếm tới khoảng 97% giá trị sản xuất và 90% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng sản xuất luôn được ghi nhận ở mức cao, điển hình như năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 17,42%, cao hơn mức tăng bình quân của ngành và góp phần chủ đạo quyết định mức tăng trưởng của chỉ số ngành công nghiệp.

Tạo động lực phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Công nghiệp chế biến, chế tạo hiện là ngành sản xuất chủ lực trong sản xuất công nghiệp của tỉnh, chiếm tới khoảng 97% giá trị sản xuất và 90% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng sản xuất luôn được ghi nhận ở mức cao, điển hình như năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 17,42%, cao hơn mức tăng bình quân của ngành và góp phần chủ đạo quyết định mức tăng trưởng của chỉ số ngành công nghiệp.

Tạo động lực phát triển công nghiệp chế biến, chế tạoDây chuyền Nhà máy Chế biến Lavina Food của Công ty CP Mía đường Lam Sơn.

Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp với tốc độ nhanh, bền vững, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo hướng CNH, HĐH, ngày 29-1-2022, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

Theo đề án, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa sẽ được tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và có năng suất cao, trong đó trọng tâm là: sản phẩm lọc hóa dầu, khí hóa lỏng, nhựa, hóa chất, điện tử viễn thông, dược phẩm, thiết bị y tế và các ngành công nghiệp khác như may mặc, dệt may, da giày, thức ăn gia súc và chế biến thực phẩm. Hướng phát triển được kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu và ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao như thiết bị và linh kiện điện tử, vật liệu mới, tự động hóa... để tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực.

Các nhóm ngành được xác định tập trung phát triển theo định hướng, bao gồm: Nhóm sản phẩm cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại gắn với ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô, phục vụ ngành cơ khí chế tạo. Các nhóm ngành này sẽ được tập trung phát triển tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, trọng tâm là Cụm công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa, Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng.

Với nhóm ngành hóa chất, cao su, nhựa, sẽ tập trung thu hút các dự án mới, mở rộng các dự án hiện có, như: Đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nâng công suất Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn lên khoảng 20 triệu tấn dầu thô/năm; tiếp tục thu hút các dự án chế biến sản phẩm từ lọc hóa dầu như sản xuất Propylyne, sợi tổng hợp PET, phân bón DAP, Polyethylen, Paraxilene. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án số 1 - Tổ hợp hóa chất Đức Giang tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, công suất 136.000 tấn sản phẩm/năm; đầu tư mở rộng, đầu tư dự án số 2 và dự án số 3, đưa tổng công suất của cả 3 dự án đạt 386.000 tấn sản phẩm/năm. Tạo điều kiện để dự án Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial (giai đoạn 1), công suất 960.960 sản phẩm/năm tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn vào hoạt động ổn định; thúc đẩy mở rộng giai đoạn 2 và 3 đưa tổng công suất của nhà máy cả 3 giai đoạn lên trên 1.960.000 sản phẩm/năm.

Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển nhóm vật liệu xây dựng, với việc hoàn thành đầu tư, đưa vào hoạt động ổn định 5 nhà máy xi măng; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, chế biến đá xuất khẩu, sản xuất gạch; đẩy mạnh phát triển nhóm ngành may mặc, giày da, thực phẩm, đồ uống, chế biến nông – lâm - thủy sản và một số ngành công nghiệp nhẹ, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Để thực hiện hiệu quả đề án, tỉnh Thanh Hóa đã định hướng kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đầu tư kết cấu hạ tầng, chú trọng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời, sẽ có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như PCI, PAPI, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các ngành sản xuất trọng điểm, có thế mạnh và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai.

Với các hoạch định cụ thể và các cơ chế, chính sách tạo động lực, tỉnh Thanh Hóa dự ước giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến - chế tạo đạt 62.092 tỷ đồng vào năm 2025, hơn 110.000 tỷ đồng vào năm 2030, tương ứng mức tăng trưởng bình quân từ 12 đến 16%/năm, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]