(Baothanhhoa.vn) - Nhằm mở rộng quy mô và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu lớn về nguồn lao động. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, các DN đang gặp khó trong công tác tuyển dụng, nhất là tại các DN mới thành lập, DN yêu cầu trình độ tay nghề cao và DN cần nhiều lao động như: May mặc, giày da...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động - Vì sao?

Nhằm mở rộng quy mô và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu lớn về nguồn lao động. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, các DN đang gặp khó trong công tác tuyển dụng, nhất là tại các DN mới thành lập, DN yêu cầu trình độ tay nghề cao và DN cần nhiều lao động như: May mặc, giày da...

Nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động - Vì sao?

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm nhằm tuyển dụng lao động vào làm việc tại các DN, nhưng số lượng tuyển dụng được mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu thực tế của các DN.

Công ty TNHH Minh Lộ có địa chỉ tại Khu Đô thị Bắc Đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên phát triển các phần mềm ứng dụng, đặc biệt là các gói phần mềm trong lĩnh vực y tế. Sau hơn 14 năm đi vào hoạt động, đến nay, công ty vươn lên trở thành 1 trong 10 DN khoa học - công nghệ tiêu biểu của tỉnh với nguồn khách hàng có mặt trên 63 tỉnh, thành phố. Ông Hoàng Ngọc Thanh, giám đốc công ty chia sẻ: Vì hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên yêu cầu về chất lượng nguồn lao động có phần cao hơn so với một số lĩnh vực khác. Hầu hết, các lập trình viên, kỹ thuật viên, nhân viên của công ty đều phải có bằng tốt nghiệp đại học (triển khai dự án) và tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin (sản xuất phần mềm). Do vậy, việc tuyển dụng lao động đáp ứng được tiêu chuẩn là vấn đề khá nan giải. Mặc dù mỗi năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học trên địa bàn tỉnh khá nhiều, nhưng những người có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin thì rất ít. Nếu tuyển lao động ngoài tỉnh thì sẽ khó cạnh tranh vì mức lương họ yêu cầu thường rất cao.

Tương tự, Công ty TNHH South Asia Garments Limited (TP Thanh Hóa) cũng đang gặp khó trong công tác tuyển dụng. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11–2018 với quy mô 900 lao động nhưng hiện nay, đơn vị vẫn trong tình trạng thiếu người làm. Là công ty mới thành lập và cũng là công ty áp dụng công nghệ may len đầu tiên trên địa bàn tỉnh nên công tác tuyển dụng có phần khắt khe hơn so với nhiều DN dệt may khác. Đối tượng được tuyển dụng phải trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi vì đặc thù của công việc là yêu cầu người làm có đôi mắt nhanh nhạy và đôi tay khéo léo. Tuy nhiên, số lượng đáp ứng yêu cầu này không nhiều vì đa số những người trong độ tuổi này đang có công việc ổn định tại những công ty khác. Được biết, đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp khi tuyển dụng như thông qua trung tâm dịch vụ việc làm, phát tờ rơi, đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhưng số lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Công ty TNHH Minh Lộ và Công ty TNHH South Asia Garments Limited chỉ là hai trong rất nhiều DN trên địa bàn tỉnh gặp khó trong công tác tuyển dụng lao động. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng lao động mà các DN cần tuyển dụng thông qua trung tâm lên tới gần 20 nghìn người, trong khi đó, trung tâm mới chỉ kết nối việc làm thành công cho gần 1 nghìn lao động, tức là chỉ đáp ứng được 5% so với nhu cầu tuyển dụng của các DN.

Để bảo đảm đủ nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất, thời gian qua, các DN đã chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho đơn vị. Đồng thời, cử cán bộ làm công tác nhân sự xuống địa bàn để thực hiện xét tuyển, tổ chức treo, dán tờ rơi tuyển dụng, thậm chí đăng tuyển trên cả các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cũng đã luôn hỗ trợ và phối hợp với các DN tổ chức tư vấn tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức như: Tư vấn trực tiếp tại trung tâm, tư vấn qua các phiên giao dịch việc làm, thông tin bằng các bài viết, bản tin, thông báo trên website và thư điện tử của đơn vị, qua các trang mạng xã hội, loa truyền thanh và một số phương tiện thông tin đại chúng khác... Tuy nhiên, lượng lao động được tuyển chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, Ông Vũ Công Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Nhiều DN trên địa bàn tỉnh, mà chủ yếu là các DN mới thành lập gần như chưa có định hướng chính xác về vấn đề đầu tư. Khi mới thành lập, nhiều DN thu hút lao động theo hình thức “câu vợt”, nghĩa là động viên người lao động đến làm việc cho DN mình và sẽ được trả lương cao. Trên thực tế, những DN này thường có chính sách lôi kéo người lao động bằng cách trả lương và các chế độ đãi ngộ cao hơn so với thực tế năng suất họ tạo ra trong 3 tháng đầu. Điều này khiến tư tưởng người lao động đang làm việc tại các DN ổn định khác bị “lung lay” dẫn đến tình trạng “nhảy việc”, đồng thời cũng tạo nên sức ì ở người lao động và làm việc với tâm lý “làm ít vẫn có thu nhập cao”. Sau 3 tháng, DN phải quay lại trả lương đúng thực tế dẫn đến người lao động nếu không làm được việc sẽ bỏ việc để tìm công việc khác, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều DN khó tuyển dụng cũng như “giữ chân” người lao động.

Bên cạnh những DN mới thành lập thường trả lương cao trong 3 tháng đầu vẫn còn nhiều DN, dù đã hoạt động trong một thời gian dài nhưng mức thu nhập cũng như chế độ đãi ngộ cho người lao động chưa hấp dẫn nên chưa thu hút được nhiều lao động. Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Trên thực tế, một số lao động ở những địa phương khác cũng muốn đến các khu công nghiệp trong tỉnh làm việc nhưng e ngại về vấn đề nhà ở vì với mức thu nhập không cao mà phải thuê nhà nữa thì cuộc sống khá chật vật”.

Ngoài những nguyên nhân cơ bản trên, số lượng các DN trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và tăng lên nhanh chóng đã tạo nên sự cạnh tranh lớn về tuyển dụng lao động cũng là lý do khiến nhiều DN gặp khó trong công tác tuyển dụng.

Trước tình trạng trên, ngày 5-3-2018, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có Công văn số 46/CV-LĐLĐ về việc tuyên truyền tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Công văn nêu rõ, công đoàn cơ sở, nhất là công đoàn tại các DN làm tốt công tác tuyên truyền để người lao động thấy được thuận lợi khi làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các DN cần công khai các chế độ tiền lương, thưởng, chế độ làm thêm giờ... để người lao động được biết và ổn định tư tưởng để gắn bó lâu dài với DN. Đồng thời, các DN cũng cần xem đây là điều kiện để ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Không thể phủ nhận, nhu cầu tuyển dụng tăng cao đã cho thấy sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để thu hút và “giữ chân” lao động là các DN cần có định hướng chính xác trong vấn đề đầu tư và tổ chức hoạt động sản xuất nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Đồng thời, cần nỗ lực thực hiện các chính sách về pháp luật lao động, quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống, điều kiện làm việc của người lao động, thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, thu nhập cho công nhân. Có như vậy, DN mới có đủ nguồn nhân lực để ổn định sản xuất, kinh doanh, còn người lao động có được việc làm ổn định và có thu nhập để đảm bảo cuộc sống.

Bài và ảnh: Lê Tình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]