Doanh nghiệp nhỏ tìm đường lên sàn thương mại điện tử
Trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả và bền vững.
Nhiều sản phẩm của HTX tiểu thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên (xã Hoằng Hóa) đã có mặt trên sàn thương mại điện tử.
Tại Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp nhỏ, nhất là các HTX, cơ sở sản xuất thủ công nghiệp đang từng bước chuyển mình, tìm cách tiếp cận và mở rộng thị trường qua các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiki, Lazada, TikTok Shop hay sàn TMĐT quốc gia Voso, Postmart. Dù còn không ít khó khăn, song đây là hướng đi cần thiết để doanh nghiệp nhỏ bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dài hạn.
Cơ sở sản xuất kẹo lạc Khánh Linh, xã Hà Trung là một trong những cơ sở nổi tiếng với dòng sản phẩm kẹo lạc truyền thống được người tiêu dùng địa phương ưa chuộng. Tuy nhiên, những năm trước đây, sản phẩm chỉ được tiêu thụ thông qua các mối quen, qua đại lý hoặc khách mua trực tiếp tại cơ sở, chưa từng tiếp cận thị trường trực tuyến. “Chúng tôi từng nghĩ việc đưa kẹo lạc lên mạng bán là chuyện xa vời, vì không biết cách chụp ảnh, viết mô tả sản phẩm hay tính toán giá cả cạnh tranh như các cửa hàng online”, ông Lê Bá Trình, chủ cơ sở chia sẻ.
Mọi chuyện chỉ thay đổi khi năm 2023, ông Trình được Sở Công Thương cùng địa phương hỗ trợ tham gia khóa tập huấn kỹ năng bán hàng TMĐT. Từ đó, cơ sở sản xuất kẹo lạc Khánh Linh đã lập gian hàng trên sàn Postmart, sau đó mở thêm tài khoản TikTok Shop và Zalo OA. Ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, đơn hàng lẻ tẻ, nhưng đến giữa năm 2024, trung bình mỗi tháng cơ sở nhận gần 200 đơn hàng qua kênh online, doanh thu tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, HTX tiểu thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, xã Hoằng Hóa từng chủ yếu bán sản phẩm thông qua các hội chợ hoặc gia công xuất khẩu qua trung gian, chưa tận dụng được lợi thế của các kênh tiêu thụ hiện đại. Năm 2023, HTX quyết định mở rộng hướng đi bằng cách xây dựng gian hàng trên TikTok Shop, đồng thời đầu tư thời gian học cách quay video, livestream quy trình đan lát để thu hút khách hàng. Các sản phẩm thủ công từ cói, mây, tre như giỏ đựng đồ, khay, hộp trang trí... mang tính thẩm mỹ cao và đậm nét truyền thống nhanh chóng được ưa chuộng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thị trường phía Nam.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 80 doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm OCOP, nông sản sạch hoặc hàng thủ công mỹ nghệ đủ tiềm năng để đưa lên sàn TMĐT. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 35 đơn vị đang hoạt động hiệu quả trên các nền tảng số.
Ông Lê Văn Khoa, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: “Khó khăn lớn nhất là phần lớn các doanh nghiệp nhỏ chưa quen với thao tác bán hàng online, chưa có kỹ năng xây dựng nội dung hấp dẫn, hình ảnh sản phẩm thiếu chuyên nghiệp. Ngoài ra, vấn đề đóng gói, vận chuyển hàng hóa từ vùng sâu, vùng xa cũng làm tăng chi phí và kéo dài thời gian giao hàng”.
Đặc biệt, nhiều cơ sở vẫn quen tư duy bán hàng truyền thống, chưa coi trọng đầu tư cho TMĐT. Một số còn e ngại rủi ro về thanh toán, lừa đảo qua mạng, hoặc sợ cạnh tranh giá gay gắt trên sàn.
Trước thực tế đó, từ năm 2023 đến nay, Thanh Hóa đã triển khai hàng loạt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận TMĐT. Trong năm 2024, hơn 40 lớp tập huấn được tổ chức tại các địa phương, thu hút hơn 1.000 lượt học viên là đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh còn phối hợp với VNPost, Viettel Post và các chuyên gia để hỗ trợ thực tế về xây dựng gian hàng, livestream bán hàng, đóng gói - vận chuyển.
Tính đến tháng 6/2025, Thanh Hóa đứng thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước về chỉ số TMĐT, theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM). Trong đó, chỉ số giao dịch B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) xếp hạng 9/63, cho thấy tiềm năng tiêu thụ hàng hóa qua sàn rất lớn nếu doanh nghiệp địa phương tận dụng tốt. Một trong những bước đi đột phá gần đây là việc một số doanh nghiệp Thanh Hóa đã chủ động kết nối với các sàn TMĐT xuyên biên giới như Alibaba, Amazon để đưa sản phẩm vươn ra nước ngoài.
Cũng theo ông Khoa, việc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ lên sàn TMĐT không chỉ đơn thuần là đưa sản phẩm lên mạng. Các doanh nghiệp nhỏ cần thay đổi tư duy quản trị, đầu tư bài bản cho thương hiệu, hình ảnh, trải nghiệm khách hàng. TMĐT là cuộc chơi dài hơi, không phải “mì ăn liền”. Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải học cách sáng tạo và thích nghi liên tục.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đi sâu vào môi trường số, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2026, có ít nhất 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các hoạt động TMĐT, trong đó 50% có gian hàng trên sàn TMĐT quốc gia hoặc quốc tế. Đồng thời, tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống logistics, trung tâm xử lý đơn hàng và kho hàng thông minh tại các cụm công nghiệp, giúp doanh nghiệp nhỏ tiết kiệm chi phí vận hành khi bán online.
Sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực đổi mới của chính doanh nghiệp sẽ là “chìa khóa” mở ra cánh cửa TMĐT cho hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ tại Thanh Hóa. Trong dòng chảy kinh tế số, việc lên sàn không chỉ là xu hướng, mà là lối đi tất yếu để doanh nghiệp nhỏ đứng vững và phát triển bền vững trong tương lai.
Bài và ảnh: Chi Phạm
{name} - {time}
-
2025-07-08 09:14:00
Hai tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới ký hợp đồng giá trị lớn
-
2025-07-08 07:31:00
Phát triển kinh tế gia đình hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác
-
2025-07-07 21:28:00
“Cầu nối” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản