(Baothanhhoa.vn) - Tai nạn đường sắt vẫn hết sức nhức nhối, nhất là tại các đường ngang, đường ngang dân sinh tự phát khiến nhiều số phận phải “rẽ ngang” theo những “kịch bản” không hề mong muốn.

Để những số phận không còn phải “rẽ ngang”

Tai nạn đường sắt vẫn hết sức nhức nhối, nhất là tại các đường ngang, đường ngang dân sinh tự phát khiến nhiều số phận phải “rẽ ngang” theo những “kịch bản” không hề mong muốn.

Để những số phận không còn phải “rẽ ngang”

Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt, trong đó 31 vụ tại lối đi tự mở, 10 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động. Mới nhất, ngày 28/7 tàu hỏa SNT5 khi tới vị trí đường ngang giao cắt với đường Phạm Văn Thuận, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã va chạm với xe ô tô từ trong ngõ đi ra, khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt phần lớn do người tham gia giao thông không chú ý quan sát khi lưu thông qua đường ngang dù có tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Tại nhiều điểm giao cắt, dù có nhân viên gác rào chắn cảnh báo khi tàu chạy qua nhưng nhiều người vẫn băng qua đường sắt. Một số nơi thì đèn tín hiệu hư hỏng, xuống cấp khiến người qua đường ngang không nhận được cảnh báo, không xác định được tình trạng.

Thanh Hóa có tuyến đường sắt chạy qua dài hơn 101km với 147 điểm giao cắt, trong đó có 69 đường ngang hợp pháp, 78 lối đi tồn tại lâu năm do người dân tự mở, là nỗi ám ảnh với nhiều người. Trong những năm qua đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang giao cắt đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Đường ngang, nhất là những đường ngang dân sinh còn tồn tại thì chắc chắn sẽ còn tai nạn đường sắt, thậm chí là tai nạn thảm khốc. Tuy nhiên nếu phá bỏ đường ngang thì nhiều khu dân cư sẽ không còn lối đi. Thay cho việc xóa bỏ đường ngang dân sinh, giải pháp được xem là hữu hiệu ở thời điểm hiện tại là nâng cấp, hiện đại hóa các đường ngang.

Ngày 25/7/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 350/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020.

Thực hiện quyết định này, từ nguồn ngân sách Nhà nước, Bộ Giao thông - Vận tải đã bố trí hơn 1.600 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 1.060 đường ngang. Tuy nhiên, số đường ngang còn lại vẫn khá nhiều, trong đó nhiều đường ngang chưa đảm bảo hệ thống tín hiệu. Tại Văn bản số 350/TB-VPCP, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 566 đường ngang còn lại là rất cần thiết nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn chạy tàu, và phải hoàn thành trong năm 2025.

Đây là vấn đề bức thiết, đòi hỏi ngành đường sắt phải khẩn trương, trách nhiệm, đảm bảo chất lượng, tiến độ, với mục tiêu cao nhất là góp phần ngăn lại những vụ tai nạn thương tâm. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của Chính phủ và ngành đường sắt, để hạn chế thấp nhất tai nạn tại các khu vực có đường ngang giao cắt đường sắt, đòi hỏi các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành các quy định, quy tắc giao thông khi đi qua đường ngang. Cùng với đó, lực lượng chức năng các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn từ sớm các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn. Có thế mới hy vọng không còn nhiều số phận phải “rẽ ngang”.

Tuệ Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]