(Baothanhhoa.vn) - Sáng 25/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề

Sáng 25/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của đoàn giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. Đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay với giá trị gần 350 nghìn tỷ đồng.

ĐBQH Mai Văn Hải khẳng định, việc ban hành và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội. Nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cổ vũ tinh thần người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh sau dịch COVID-19, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nước ta đã mở cửa trở lại nền kinh tế. Các hoạt động kinh tế - xã hội từ trạng thái thích ứng với dịch bệnh nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường, từng bước phục hồi và ổn định; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. An sinh xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh...

Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân và doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được triển khai thực hiện một cách quyết liệt, đạt kết quả rất phấn khởi. Đến nay, trên 2.000 km cao tốc đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Chính phủ, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và từ thực tế giám sát tại địa phương, ĐBQH Mai Văn Hải nhận thấy quá trình tổ chức, thực hiện các chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội bên cạnh những kết quả đạt được là rất quan trọng, thì vẫn còn tồn tại một số vấn đề.

Cụ thể, một số địa phương chưa áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư thuộc lĩnh vực y tế của Chương trình. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình. Tiến độ giải ngân nhiều dự án đầu tư không bảo đảm thời gian theo thời hạn của Nghị quyết mặc dù đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện. Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra, như việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 57%% kế hoạch. Đến hết năm 2023, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa phục hồi được sau tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể. Một số chính sách hỗ trợ người dân, người lao động triển khai còn chậm, lúng túng...

Theo đại biểu Mai Văn Hải, nguyên nhân của những tồn tại nêu trên có cả khách quan, chủ quan, nhưng theo tôi chủ yếu do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt; các văn bản hướng dẫn, phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp, việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Từ những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, nguyên nhân nêu trên, ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình để hoàn thành đúng theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội.

Về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, theo ĐBQH Mai Văn Hải, dù chính sách được kéo dài thực hiện đến hết ngày 30/6/2024, tuy nhiên qua thực tế giám sát cho thấy chính sách này được doanh nghiệp đánh giá cao, vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích sản xuất phát triển. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách này trong thời gian phù hợp do tình hình sản xuất của doanh nghiệp, người dân nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng tự phục hồi và phát triển chưa thực sự bền vững.

Trên cơ sở kết quả giám sát, kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và việc đang triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng Quốc gia như đường cao tốc, mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh. Qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong rút ngắn thủ tục đầu tư, chủ động nguồn cung vật liệu, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư.., giúp giải ngân vốn đầu tư công nhanh và hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quốc Hương


Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]