Dạy thêm không thu tiền, các trường học miền núi tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh thế nào?
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (gọi tắt là Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, để việc ôn thi tốt nghiệp THPT của học sinh khối 12 không bị gián đoạn, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp ôn thi cho học sinh.
Cô trò Trường THPT Như Thanh trong giờ học môn Tiếng Anh.
Năm học 2024-2025, Trường THPT Như Thanh (Như Thanh) có tổng số 1.290 học sinh, trong đó có 421 học sinh khối 12. Để việc ôn thi cho học sinh khối 12 đạt hiệu quả cao nhất, nhà trường đã điều chỉnh kế hoạch dạy thêm ở tất cả các khối lớp theo đúng tinh thần Thông tư 29. Chỉ bố trí dạy thêm cho 3 đối tượng học sinh theo quy định bắt đầu từ đầu tháng 3/2025.
Trường THPT Như Thanh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên nâng cao tinh thần tự nguyện giúp đỡ học sinh trong công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, yêu cầu các tổ bộ môn điều chỉnh kế hoạch ôn thi tốt nghiệp cụ thể, chi tiết, bám sát nội dung trọng tâm, xây dựng ngân hàng các dạng bài tập theo chủ điểm, chủ đề và theo đề giới thiệu của Bộ GD&ĐT, phù hợp với thời lượng ôn thi theo quy định mới (2 tiết/tuần/môn).
Ngoài ra, nhà trường cũng yêu cầu các thầy cô dạy các môn thi tốt nghiệp gửi bài tập, đề thi, các nội dung gợi ý cho học sinh hoàn thành ở nhà nhằm tăng cường thói quen, kỹ năng tự học của học sinh. Khuyến khích học sinh trao đổi các nội dung khó, chưa hiểu qua việc học nhóm, thảo luận nhóm ngoài thời gian học chính khóa, học thêm.
Trường THPT Như Thanh cũng tăng cường khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 theo dạng đề giới thiệu của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, tiếp tục cộng điểm thi đua cuối năm cho giáo viên đạt và vượt chỉ tiêu giao về chất lượng đầu ra của lớp 12. Để khuyến khích, động viên giáo viên chuyên tâm vào nhiệm vụ giảng dạy, Trường THPT Như Thanh có chính sách hỗ trợ giáo viên ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh với định mức bằng tiền dạy tăng giờ (theo quy chế chi tiêu nội bộ năm 2025 của đơn vị là 55.000 đồng/tiết).
Đã có 19 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Nguyễn Bá Long, giáo viên Toán, Trường THPT Như Thanh chia sẻ: “Thông tư 29 với nhiều đổi mới tích cực khuyến khích tinh thần tự học của học sinh, rèn luyện cho các em cách tự học, tự lập kế hoạch cá nhân để đạt mục tiêu đề ra. Từ khi áp dụng Thông tư 29, chúng tôi đã nhanh chóng lập kế hoạch ôn tập mới theo đúng quy định để giảng dạy chính khóa và ôn thi vào buổi chiều. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giao bài tập về nhà, giao đề ôn tập theo từng đối tượng học sinh, yêu cầu học sinh thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc. Đồng thời, tận dụng tối đa thời gian trên lớp để chấm bài, chữa bài cho học sinh”.
Thầy giáo Nguyễn Bá Long kiến nghị: “Để việc thực hiện Thông tư 29 thực sự có hiệu quả, phát huy tối đa khả năng tự học của học sinh, cần điều chỉnh cách đánh giá thi đua của các nhà trường. Trong vài năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đang đánh giá kết quả tốt nghiệp của các nhà trường bằng việc tính điểm trung bình chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT, cách làm này phần nào tạo áp lực không nhỏ cho các nhà trường trong công tác ôn tập, đặc biệt là với đối tượng học sinh chỉ có nguyện vọng đậu tốt nghiệp mà không có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng. Sau khi Thông tư 29 được áp dụng, nên bỏ cách đánh giá điểm trung bình chung mà chỉ đánh giá thông qua tỷ lệ đậu tốt nghiệp và trượt tốt nghiệp của các nhà trường. Nếu dùng điểm số thì chỉ nên đánh giá với nhóm các học sinh có kết quả xuất sắc như thủ khoa, á khoa, điểm từ 27 trở lên...”.
Tại Trường THPT Cầm Bá Thước (Thường Xuân), thực hiện nghiêm túc Thông tư 29 theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, nhà trường đã bố trí giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy lớp 12 để hỗ trợ học sinh; tổ chức ôn tập miễn phí cho học sinh theo khối thi đã đăng ký và theo các nhóm học sinh có năng lực khác nhau.
Thầy trò Trường THPT Cầm Bá Thước trong giờ học môn Toán.
Hiệu trưởng Trường THPT Cầm Bá Thước, Hoàng Văn Lan chia sẻ: “Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch học tập hài hòa, đảm bảo thời lượng chính khóa và thời lượng dạy thêm theo quy định. Các tổ nhóm chuyên môn đã họp bàn để xây dựng kế hoạch giảng dạy khoa học, hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc, tự nghiên cứu một cách có hệ thống, giúp học sinh tự chủ hơn trong việc học. Tuy nhiên, nhà trường hiện vẫn còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên dạy ôn thi vào buổi chiều và một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ trong học tập”.
Tương tự, các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với quy định mới tại Thông tư 29, trong đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, coi đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng kịp thời hướng dẫn các nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, hướng dẫn và giám sát việc tự học của học sinh để đạt hiệu quả, khuyến khích học sinh tự nghiên cứu học tập thông qua các phần mềm, các video bài giảng, website ôn luyện... Thực hiện tốt việc phân hóa đối tượng học sinh, từ đó ưu tiên bố trí giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ học sinh tự học tập và ôn luyện theo cá nhân hoặc nhóm học tập. Ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt dạy ôn thi cuối cấp cho học sinh, hạn chế việc phân công những giáo viên này đảm nhiệm các nhiệm vụ kiêm nhiệm khác. Trường hợp không bố trí được nguồn kinh phí động viên, khuyến khích giáo viên dạy bổ sung kiến thức, đáp ứng nguyện vọng của học sinh (nhất là học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt) nhưng không thu tiền của học sinh, đổi mới cách thức tổ chức, hướng dẫn học sinh nghiên cứu tài liệu, cung cấp nguồn tài liệu, đề thi cho học sinh tự ôn luyện. Phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý học sinh, đặc biệt là quản lý giám sát học sinh tự học, tự nghiên cứu trong thời gian không học tại trường...
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2025-04-16 10:49:00
Ứng dụng AI trong giáo dục mầm non: Đồng hành cùng thế hệ số
-
2025-04-16 07:52:00
Hội đồng Anh khởi động Giải thưởng IELTS Prize năm 2025
-
2025-03-06 15:13:00
Phấn đấu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học từ năm 2035
4 trường quân đội giảm chỉ tiêu hệ quân sự năm 2025
Trường Tiểu học Thiệu Đô: Xứng danh trường chuẩn
Dự kiến 7 điểm mới trong quy chế tuyển sinh sửa đổi năm 2025
“Gieo mầm” tình yêu văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ
Bộ GD&ĐT tiếp nhận 17 trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp từ Bộ LĐ-TB&XH
Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm đến năm 2030: Xoá cao đẳng, giảm đại học
Lễ hội Bút Nghiên năm 2025 sẽ diễn ra trong 3 ngày
Miễn học phí cho học sinh: Phù hợp xu thế phát triển, tăng chất lượng giáo dục
Hình thành thói quen đọc sách cho học sinh