Trên quê hương anh hùng Nguyễn Bá Ngọc
Xã Quảng Trung (Quảng Xương) là nơi sinh ra và lớn lên của người thiếu niên anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, cũng là nơi ghi dấu cuộc chiến đấu quật cường gần 3.000 ngày đêm giữ vững phà Ghép - mạch máu trên trục Bắc - Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đài tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Bá Ngọc trong khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Trung. Ảnh: Vân Anh
Chúng tôi về Quảng Trung trong một sáng cuối xuân. Đi tới đâu nhắc đến tên Nguyễn Bá Ngọc, tất thảy đều vanh vách kể câu chuyện dũng cảm của anh như là chuyện mới hôm qua. Ấy là bởi hình ảnh Nguyễn Bá Ngọc luôn ở trong tim mỗi người dân nơi này.
Cụ Lê Thị Khoát, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Trung lúc bấy giờ, người đã trực tiếp băng bó vết thương cho Nguyễn Bá Ngọc kể lại câu chuyện trong rưng rưng xúc động: Đúng 8 giờ sáng 4/4/1965, hàng chục tốp máy bay Mỹ đánh phá khu vực bến phà Ghép. Bến phà Ghép - sông Yên phút chốc trở thành chiến trường mịt mù khói lửa bom đạn, càng về trưa càng quyết liệt, tiếng máy bay gầm rú, bom đạn nổ không ngớt. Cuộc chiến đấu đánh trả máy bay giặc Mỹ diễn ra trên bầu trời phà Ghép, sông Yên hết sức quyết liệt... Lúc đó nhà Nguyễn Bá Ngọc đã xuống hầm trú ẩn, nhưng những em nhỏ nhà hàng xóm chưa kịp xuống hầm. Tiếng bom đạn khiến các em sợ hãi, khóc thét lên trong vô vọng. Nghe thấy, Nguyễn Bá Ngọc đã rời hầm trú ẩn, lấy thân mình che chắn, bảo vệ an toàn cho các em vào hầm. Nhờ đó, hai em Oong và Đơ an toàn vào hầm... Khi tiếng máy bay xa dần thì Nguyễn Bá Ngọc đã bị thương rất nặng. Sau khi băng bó vết thương, em được đưa lên Bệnh viện Chuối (Nông Cống) nhưng đã không qua khỏi. Lúc đó Ngọc mới 13 tuổi, đang học lớp 4.
Câu chuyện về sự dũng cảm, hy sinh cao cả của liệt sĩ thiếu niên Nguyễn Bá Ngọc khiến không chỉ người dân Quảng Trung khi ấy cảm động mà hành động dũng cảm ấy đã lan tỏa và trở thành niềm cảm hứng thôi thúc sự dâng hiến cho Tổ quốc của bao thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam. Tên Nguyễn Bá Ngọc được đặt cho những con đường, những ngôi trường không chỉ trên quê hương Quảng Trung mà trong khắp cả nước. Tự hào hơn khi liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Nguyễn Bá Ngọc là một trong những người con anh hùng của quê hương Quảng Trung trong cuộc chiến gần 3.000 ngày đêm chống chiến tranh leo thang ở miền Bắc của đế quốc Mỹ. Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung: “Đồng chí Nguyễn Bá Bôi, Phó Chủ nhiệm HTX Nhân Nghĩa được tin con trai Nguyễn Bá Ngọc cứu các em nhỏ ở nhà bên bị thương vẫn nén đau thương trực tiếp chỉ huy chiến đấu; đồng chí Bùi Văn Tinh, con bị bom Mỹ sát hại vẫn chỉ huy bắn máy bay Mỹ; em Nguyễn Văn Thịnh đã xé áo của mình để băng bó vết thương cho bộ đội pháo cao xạ; em Ca dũng cảm tiếp đạn cho bộ đội chiến đấu, sau được tặng Huy hiệu Bác Hồ. Làng mạc ở Quảng Trung bị bom đạn Mỹ tàn phá, nhiều người đã bị thương vong... Làng Ngọc Trà không còn mấy nóc nhà nguyên vẹn. Nhiều người dân Quảng Trung đã thiệt mạng vì bom đạn Mỹ, có gia đình 4 người đều bị bom đạn Mỹ sát hại như gia đình ông Hồng (Mỹ Thạch), gia đình ông Châu (Đại Lộc) có 8 người thì chỉ còn 1 người sống sót; gia đình ông Thới (Ngọc Trà) có 6 người thì bị chết 5 người".
Những người con đất Quảng Trung ấy dù đau thương, mất mát vẫn kiên trì bảo vệ phà Ghép tới cùng, bảo vệ vị trí trọng yếu, để mạch máu giao thông vận chuyển từ miền Bắc vào miền Nam không bao giờ bị đứt. Trong hai năm 1966-1967, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay, tàu chiến liên tục bắn phá, ném bom vào bến phà Ghép. Mức độ đánh phá ngày càng ác liệt, có ngày chúng đánh 18 - 20 trận. Có tháng cao điểm như tháng 8/1965, tháng 6/1967, tháng 3/1968, máy bay Mỹ đánh phá liên tục không kể ngày đêm. Từ ngày 4/4/1965 đến ngày 3/11/1968 máy bay Mỹ bắn phá 867 trận (có 391 trận đánh ban đêm), trong đó có 321 trận đánh phá trực tiếp vào Quảng Trung, trút xuống 3.296 quả bom các loại, 265 quả thủy lôi, 383 quả tên lửa. Ngoài ra, pháo tầm xa của địch từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn 770 lần vào mảnh đất Quảng Trung.
Nhớ lại những năm tháng chiến đấu tại phà Ghép, cụ Hoàng Quý Trang từng là Bí thư Đoàn thanh niên xã Quảng Trung, quyền xã đội trưởng, nói: “Người ta nói phà Ghép lúc đó là “tọa độ lửa”, “túi bom” không hề sai. Địch đã huy động một lực lượng hải quân và không quân cao nhất từ trước đến nay với các loại máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ để đánh phá, có những thời điểm chúng đánh phá cả ngày lẫn đêm”. Ở tuổi 95, cụ Trang đã quên nhiều điều trong cuộc sống, duy những năm tháng chiến đấu tại phà Ghép vẫn được cụ nhớ thật rõ. Để mỗi lần có người hỏi chuyện, cụ vẫn kể được từng mốc thời gian, nhớ từng tên người đồng đội cùng chiến đấu. Nhớ về những năm tháng oanh liệt chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm xưa, không chỉ có cụ Khoát, cụ Trang và những người đã từng trực tiếp chiến đấu năm xưa, mà các thế hệ con cháu hôm nay vẫn luôn nhắc nhở, lưu giữ và trân trọng những hồi ức, câu chuyện anh dũng của cha ông - những người đã không tiếc máu xương hy sinh cho độc lập dân tộc. Đặc biệt là trên những vùng đất cách mạng như Quảng Trung.
Chính bởi thế, sau khi hòa bình lập lại, chính quyền và Nhân dân xã Quảng Trung đã phát huy tinh thần hào hùng phà Ghép năm xưa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng xã đạt chuẩn NTM năm 2016, đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021 và cuối năm 2023 đạt NTM kiểu mẫu. Trong công cuộc XDNTM, xã đã huy động được trên 1.200 tỷ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng, các thiết chế văn hóa - xã hội, chỉnh trang nhà cửa dân cư, phát triển các mô hình sản xuất, xây dựng vườn hộ. Trong đó, Nhân dân đóng góp trên 840 tỷ đồng, hiến gần 19.000m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động.
Chủ tịch UBND xã Quảng Trung Mai Ngọc Tứ khẳng định: Phát huy truyền thống của quê hương Quảng Trung anh hùng, trong thời gian tới xã tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học cũng như sinh hoạt văn hóa ở địa phương ngày một tốt hơn.
Vân Anh
(Bài viết có sử dụng tư liệu sách Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung).
{name} - {time}
-
2024-12-20 09:32:00
Cha con danh sĩ Lê Quát - Lê Giốc trên đất Kẻ Rỵ xưa
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
-
2024-03-22 18:06:00
Tướng quân Phan Độc Giác trên đất Đông Hoàng
Quận công Lê Phúc Hoạch
Lễ hội truyền thống Đền Nưa - Am Tiên, Xuân Giáp Thìn 2024
Trên đất làng Quan Nội
Cuộc dạo chơi nên duyên với chèo
Nhân kiệt địa linh thiên cổ
Về nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa
Trên đất An Lạc Châu
Người giữ gìn văn hóa dân tộc Thổ
Những “cây cao bóng cả” của nghệ thuật hát bội