(Baothanhhoa.vn) - “Chí cứu muôn dân nên phục Việt/ Thân thà có chết chẳng hàng Tây”, câu nói ấy đã thể hiện đầy đủ chí khí của thủ lĩnh Hoàng Bật Đạt, người con của làng Bộ Đầu, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc).

Hoàng Bật Đạt và khởi nghĩa Ba Đình

“Chí cứu muôn dân nên phục Việt/ Thân thà có chết chẳng hàng Tây”, câu nói ấy đã thể hiện đầy đủ chí khí của thủ lĩnh Hoàng Bật Đạt, người con của làng Bộ Đầu, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc).

Hoàng Bật Đạt và khởi nghĩa Ba ĐìnhDi tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nhà thờ Hoàng Bật Đạt, thôn Bộ Đầu, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc). Ảnh: CHI ANH

Năm Tự Đức thứ 21 (1868), Hoàng Bật Đạt (1827 - 1887) đỗ cử nhân, được bổ nhiệm làm Giáo thụ huyện Phong Doanh (nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Sau, ông được cử làm tri huyện Lang Tài (nay là huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh).

Tháng 4-1882, quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, Hoàng Bật Đạt đề nghị tổng đốc Bắc Ninh tổ chức kháng chiến nhưng bị khước từ. Bất mãn, ông tự chiêu binh ngăn quân xâm lược. Bị quan trên ra lệnh giải tán, ông bèn bỏ nhiệm sở trở về quê chiêu tập binh sĩ cùng người anh em đồng hao là Phạm Bành dấy quân khởi nghĩa Ba Đình.

Sau khi vua Hàm Nghi chạy từ kinh thành Huế ra Sơn phòng Tân Sơn (nay là huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) ban bố dụ Cần Vương. Từ một vị quan nhà Nguyễn, Hoàng Bật Đạt đã cùng với Phạm Bành mộ quân, rồi hiệp cùng lực lượng của Đinh Công Tráng, Nguyễn Đôn Tiết... đi đánh quân Pháp.

Tháng 2-1886, để có địa điểm kháng chiến lâu dài, các ông cùng đến cánh đồng chiêm trũng nằm giữa ba làng Mỹ Khê, Mậu Thịnh, Thượng Thọ thuộc huyện Nga Sơn lập căn cứ Ba Đình (vì mỗi làng có một ngôi đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình hai làng kia).

Có thể nói rằng căn cứ Ba Đình có vị trí tiêu biểu nhất, là một chiến tuyến phòng ngự quy mô nhất thời kỳ Cần Vương cuối thế kỷ 19. Lực lượng nghĩa quân Ba Đình có lúc đông tới hai vạn người được trang bị súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ. Từ Ba Đình, nghĩa quân có thể tỏa đi các nơi, kiểm soát các tuyến giao thông quan trọng trong vùng, tổ chức phục kích các đoàn xe vận tải của đối phương đi lại trên con đường Bắc - Nam... Chính vì vậy, mà quân Pháp quyết tâm đánh dẹp sớm.

Ngày 21-1-1887, căn cứ Ba Đình bị quân Pháp phá hủy, Hoàng Bật Đạt tạm lánh về quê, rồi tìm đường sang Trung Quốc với tùy tướng là Lãnh binh Lê Văn Cộc, định củng cố lại lực lượng. Nhưng một thuộc hạ phản bội mật báo với Pháp nên ông đã bị bắt ở Chi Nê (nay thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Quân Pháp giam và tra khảo ông ở nhà lao Thanh Hóa. Không chịu khuất phục, Hoàng Bật Đạt bị quân Pháp giết vào năm 1887 (hưởng dương 50 tuổi) và lấy đầu ông cắm vào ngọn sào đưa về quê để uy hiếp tinh thần dân chúng.

Chí khí anh dũng của Hoàng Bật Đạt thể hiện rõ từ khi bắt đầu khởi nghĩa: Cố ý cứu sinh ư phục Việt/ Cam tâm thệ tử bất thần Tây (Chí cứu muôn dân nên phục Việt/ Thân thà có chết chẳng hàng Tây) cho đến khi lên đoạn đầu đài, ông vẫn còn đọc lên những vần thơ vừa hào sảng vừa giễu cợt:

“Lão Đạt hôm nay trả lại đầu

Trần gian ngoảnh lại nhắc đôi câu

Tấm thân bảy thước sao còn ngắn

Mà chí ngàn thu mãi sống lâu

Viết máu bôi hoen trò đế bá

Nét son sổ toẹt mộng công hầu

Thằng nào chém tớ chém cho đứt

Muốn lấy tiền công tớ trả sau”.

Chính tinh thần kiên trung, chấp nhận hy sinh của ông đã nhen nhóm thêm ý chí căm thù giặc của con trai ông là Hoàng Xuân Viện. Tiếp tục đi theo con đường của bố, ông Hoàng Xuân Viện tham gia phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng.

Bí thư thôn Bộ Đầu, ông Hoàng Sĩ Thọ cho biết: "Hiện tại thôn có 240 hộ/850 khẩu chủ yếu làm nghề nông. Người dân chúng tôi rất tự hào vì trong thôn có 2 di tích cấp tỉnh là bia Tạ Tôn Đài và nhà thờ Hoàng Bật Đạt. Công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản đều được các dòng họ, gia đình chủ động trùng tu, tôn tạo và có trách nhiệm trông coi, bảo tồn”.

Kể với chúng tôi về cuộc đời cụ Hoàng Bật Đạt, chắt đích tôn đồng thời là trưởng họ, ông Hoàng Thanh Tùng khẳng định: “Cụ cố nội tôi suốt cả cuộc đời và sự nghiệp luôn nêu cao tấm gương trung dũng, kiên cường, bất khuất, quyết không hợp tác với thực dân Pháp. Và cụ đã luôn đi theo con đường giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, không chịu áp bức nô lệ. Với khí phách và lòng yêu nước quả cảm của cụ, dòng họ, gia tộc cùng Nhân dân trong thôn không quên tri ân công lao to lớn này. Vì thế, tên cụ không chỉ được đặt cho tuyến phố ở thị trấn Hậu Lộc mà còn là tên những con đường ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) và quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng).

Nhìn dòng chữ “Lương tài tri huyện Hoàng tướng công/ Tán tướng công vụ Hoàng Bật Đạt”, trên bia mộ ông và ngồi trong nhà thờ có kiến trúc 3 gian, phía trước là khoảng sân nhỏ, chúng tôi được những người trong dòng họ Hoàng kể lại những câu chuyện về cụ với một niềm tự hào xen lẫn sự tôn kính. “Năm 1911, anh em họ hàng họp lại và kêu gọi lòng hảo tâm để xây dựng ngôi nhà thờ này. Hằng năm, họ tộc đều làm giỗ cụ vào ngày 24-2 âm lịch, ngày cụ hy sinh. Ngày đó chúng tôi ôn lại lịch sử, nói về sự phát triển của dòng họ cho con cháu nghe. Trong họ có quy định riêng, con cháu dù ít dù nhiều đều phải đóng góp quỹ để hương khói cụ đều đặn quanh năm. Đó là cách để mỗi người có trách nhiệm với cộng đồng, dòng họ”, ông Hoàng Quốc Dân, chắt nội cụ Hoàng Bật Đạt cho biết.

“So với các dòng họ trong xã thì con cháu họ Hoàng có điều kiện về kinh tế và trình độ học vấn hơn hẳn. Vì thế mà việc tôn tạo, bảo quản di tích và công tác khuyến học được dòng họ quan tâm. Hằng năm họ Hoàng đều có trao phần thưởng cho con cháu từ bậc mầm non cho tới đại học. Đến nay, quỹ khuyến học của họ Hoàng là rất lớn”, ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Lộc, khẳng định.

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình kết thúc cách đây 136 năm và đã đi vào lịch sử của dân tộc, được đánh giá là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Trong đó, không thể không nhắc tới vai trò rất lớn của thủ lĩnh Hoàng Bật Đạt, người thôn Bộ Đầu, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc). Dù nhà thờ đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2017, song mong muốn của các thế hệ hậu duệ là nhà thờ cụ sẽ được xây dựng khang trang trên một diện tích rộng hơn để cháu con dẫu đi hay về cũng có thể vào thắp nén nhang cầu được bình an và thật nhiều dũng khí để tự tin xây dựng đời sống gia đình và xã hội phát triển hơn.

CHI ANH

Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (NXB Khoa học xã hội, H,1992).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]