Đã cao quý, càng thêm cao quý
Người thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ, mà còn là hiện thân cho nhân cách, đức độ, được ví như người chèo đò trên dòng sông tri thức. Bức tranh giáo dục ở mỗi giai đoạn phát triển của đất nước dù có sự thay đổi khác nhau, thì người thầy vẫn là những nhân vật trung tâm truyền cảm hứng trong một nghề cao quý được xã hội tôn vinh, trọng vọng nhất trong những nghề cao quý.
Cô giáo Lương Thị Thủy trong giờ dạy các em học sinh lớp 1, Trường TH&THCS Hoằng Đức 1 (Hoằng Hóa). Ảnh: Chi Anh
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Dân tộc ta từ xưa đã có truyền thống tôn sư trọng đạo: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Trong Nhân dân luôn lưu truyền câu ca: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Những điều đó nhắc nhớ mỗi học sinh, phụ huynh và từng giáo viên luôn phải soi sửa mình để có sự chuẩn mực trong ứng xử, cho nghề dạy học ngày càng trở nên cao quý hơn.
Nghề dạy học dù có những lúc thăng trầm, biến động. Nhất là trong những năm gần đây một số nhà giáo vì không chịu được áp lực của nghề đã xin chuyển công tác, nghỉ dạy học, gây ra sự thiếu hụt cục bộ nhân lực ở một số địa phương, môn học. Điều đó ít nhiều tạo áp lực lên xã hội, lên người học, nhưng cũng cho thấy, những người chấp nhận ở lại và tiếp tục gắn bó với nghề thực sự là những người yêu trường, mến trẻ, chia sẻ với những khó khăn của ngành. Vượt lên sự thúc giục mưu sinh, trên hết ở những người thầy ấy là một tình yêu học trò, sự thấu cảm về nghĩa vụ, trách nhiệm của nghề dạy học đối với sự vận động đi lên của đất nước.
Tuy nhiên, trước những áp lực xã hội, cũng như nhiều ngành nghề khác, trong lấp lánh tình yêu và sự hiến dâng cũng còn đó sự thực dụng, tính toán của một bộ phận người thầy và sự chệch hướng của cơ sở giáo dục. Những sai phạm trong ngành giáo dục như báo chí và dư luận xã hội phản ảnh gần đây là có. Điều đó cần phải đấu tranh loại bỏ để trong sạch môi trường học đường, nhưng việc góp ý, đấu tranh của xã hội với những sai phạm này cần đúng mức và có phương pháp. Không nên cảm tính, thổi phồng, bôi đen, vơ vào những sai phạm, thậm chí là ngụy tạo thông tin... để quy kết cho toàn ngành chỉ nhằm thỏa mãn bức xúc với một cơ sở giáo dục hay chỉ một cá nhân giáo viên, một cán bộ quản lý trường học nào đó.
Là nghề cao quý, nhưng nghề dạy học cũng là một trong những nghề dễ bị tổn thương. Xã hội càng phát triển với những góc nhìn khác nhau, sự tác động khác nhau, khiến cho nguy cơ tổn thương của người thầy càng trở nên nhiều hơn, mức độ lớn hơn. Điều cần là hãy tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tốt để những điều tốt đẹp của nghề dạy học được nhân lên và đấu tranh ngăn chặn đúng cách với những biểu hiện lệch lạc trong ngành, để nghề cao quý tiếp tục có thêm nhiều việc làm cao quý, đơm hoa hạnh phúc, kết trái vinh quang.
Trong báo cáo tổng kết đánh giá năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết trong bức tranh toàn cảnh không tránh khỏi tình trạng có một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên năng lực còn hạn chế, thiếu tinh thần vượt khó, còn vi phạm quy định pháp luật và đạo đức nhà giáo. Thế nhưng, nhìn một cách đại cục, báo cáo khẳng định, với quan điểm luôn đề cao sự nghiệp trồng người, xác định đổi mới giáo dục là một trong những khâu đột phá quan trọng, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có nhiều người thầy đã trở thành mẫu hình cho học sinh, mẫu mực cho xã hội.
Giáo viên trong hệ thống giáo dục công lập được xác định là những viên chức đặc biệt. Họ cần được hưởng mọi quyền lợi và chính sách đối với viên chức trong hệ thống pháp luật, đồng thời có một số chính sách đặc thù để có cơ hội phát triển tốt hơn. Đó là sự đầu tư để thu hút nguồn lực cho nghề, cũng góp phần vào việc dưỡng liêm nhà giáo. Bộ Chính trị gần đây đã có ý kiến thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Điều đó cho thấy sự nhìn nhận, quan tâm rất lớn đối với nghề dạy học. Hiện tại, Luật Nhà giáo đang được Quốc hội thảo luận để ban hành trong thời gian sớm nhất. Với nhiều nội dung đột phá, Luật Nhà giáo là một bước cụ thể tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với nghề dạy học, người giáo viên, hy vọng sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng góp phần vào việc chăm lo chế độ, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, quản trị đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững, từ đó phát triển đội ngũ nhà giáo xứng tầm với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024 vừa diễn ra với rất nhiều cảm xúc, lấp lánh niềm vui khi điểm xét tuyển vào các ngành học sư phạm tiếp tục rất cao, nhiều ngành trong nhóm dẫn đầu. Điều đó cho thấy sự ngưỡng vọng của xã hội với nghề dạy học rất lớn. Học sinh chọn nghề dạy học không hẳn vì chính sách ưu đãi trong đào tạo, mà lớn hơn vì muốn kế tục sự nghiệp mà những người thầy của mình đang cống hiến và đã truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho các em.
Không chỉ tháng 11 có Ngày nhà giáo Việt Nam cả xã hội mới tôn vinh nghề dạy học, biết ơn những người “chèo đò trên dòng sông tri thức”, mà lúc nào cũng thế, xã hội luôn dành điều tốt đẹp nhất cho nghề “trồng người”. Nhưng để điều thiêng liêng đó được nhân lên, thì mỗi nhà trường, mỗi nhà giáo ngày càng phải làm thật tốt các công việc của mình, sao cho nghề dạy học đã cao quý càng thêm cao quý.
Tuệ Minh
- 2024-11-19 09:43:00
Đạo thầy - trò và truyền thống “tôn sư trọng đạo”
- 2024-11-18 16:25:00
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam
- 2024-11-18 14:14:00
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiếp tục củng cố, tăng cường chất lượng đào tạo và đội ngũ
Tìm kiếm tài năng học đường “Thanh Hoa City’s Got Talent”, lần thứ I năm 2024
Trường THPT Hậu Lộc 3 kỷ niệm 20 năm thành lập và Đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1
Vươn tầm cao mới trong sự nghiệp “trồng người”
Kỷ niệm 15 năm thành lập Trường Cao đẳng Y dược Hợp Lực
Tuyển sinh lớp 10: Phó Thủ tướng chỉ đạo xem xét sớm công bố môn thi thứ ba
Chung kết hội thi học sinh, sinh viên thanh lịch TUCST năm 2024
Trường Tiểu học Thái Hòa: Nỗ lực vượt khó vươn lên
Sự chăm lo cần thiết