Cuộc dạo chơi nên duyên với chèo
“Lúc đầu tôi đến với chèo như cuộc dạo chơi, từ thích thú nên nảy sinh tò mò mà tìm hiểu, học tập...”. Cuộc dạo chơi tưởng chừng nhất thời đó lại khiến Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Như Chi gắn bó 60 năm với chèo. Trở thành một trong những NNƯT đầu tiên của loại hình nghệ thuật chèo trên đất thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa).
NNƯT Nguyễn Như Chi. Ảnh: Vân Anh
Đam mê đến quên ăn
Theo nghệ nhân Nguyễn Như Chi thì lúc bấy giờ chèo, tuồng, chầu văn... là những loại hình giải trí thịnh hành, rất nhiều gánh hát nổi tiếng của đất Hoằng Hóa đi phục vụ khắp nơi trong tỉnh, được người lớn và trẻ nhỏ yêu thích. “Những đứa trẻ thời đó thích chèo, tuồng, cải lương giống như giới trẻ ngày nay yêu thích các thể loại nhạc hiện đại vậy. Khi nào làng có hội diễn, chúng tôi quên ăn đến sớm nhất, chọn chỗ đẹp nhất. Hội diễn tan thì lân la sờ vào nhạc cụ, nói chuyện với anh chị diễn viên, rồi tranh luận xung quanh vở diễn, trích đoạn... Đến khi nào sân đình không còn một ai thì chúng tôi mới chịu về nhà”. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ đầu tiên của ông Chi khi đến với nghệ thuật chèo.
“Quả thật, lúc đầu tôi đến với chèo như cuộc dạo chơi, từ thích thú nên nảy sinh tò mò mà tìm hiểu, học tập... Nhà tôi không ai biết hát chèo, cũng không có ý định cho tôi theo nghề “phường hát”, ông Chi bộc bạch. Tuy nhiên, khi được các nghệ nhân dân gian truyền dạy, chàng thanh niên Chi đã sớm bộc lộ tài năng. 14 tuổi, chàng thanh niên Chi đã có thể nhớ hết bộ nhạc cụ chèo, đánh thành thạo bộ gõ (trống cơm, thanh la, mõ) và nhạc cụ khó như đàn nguyệt, đàn nhị. Không dừng lại ở nhạc cụ, ông Chi còn tự mày mò, học từ các anh chị đi trước về cách hát, cách lấy hơi, nhả chữ đến cách luyến láy sao cho vang, rền, nền, nảy đúng chuẩn hát chèo. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, nghệ thuật chèo dần dần thấm tự nhiên vào con người ông như hơi thở cuộc sống mà chính bản thân ông không nhận ra. “Tôi trở thành kép chính, được đứng trên sân khấu diễn chung với những nghệ nhân mà ngày nào mình cũng từng mong một lần được nói chuyện”, ông Chi cho biết.
Chiến tranh xảy ra, ông Chi đi vào quân ngũ, những tưởng cái “duyên” với chèo sẽ hết, cuộc “dạo chơi” đến hồi kết thúc. Nhưng không, chính ở nơi bom đạn khắc nghiệt nhất thì “tiếng hát” có thể “át tiếng bom”, những buổi diễn văn nghệ sôi nổi, hào hứng là niềm vui để dịu đi những đau thương đối với các chiến sĩ nơi chiến trường. Nhận thấy ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần của “tiếng hát”, ông Chi đã tham gia vào đội văn công, vừa sáng tác vừa biểu diễn.
Chính tiếng hát trong thời kỳ mưa bom bão đạn đã khiến ông Chi nhận ra giá trị đích thực và sức mạnh to lớn của loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian trong đời sống của người Việt. Ông quyết định gắn bó đời mình với nghệ thuật chèo.
Thời điểm ông Chi xuất ngũ cũng là lúc các môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị lãng quên, những người đi trước đã già và mất đi, thế hệ trẻ không tha thiết học. “Điều này khiến tôi đau đáu không nguôi nhiều tháng liền. Phải bằng mọi cách cho tiếng hát truyền thống trở lại” - suy nghĩ đó đã thôi thúc ông Chi tìm và tập hợp những người đang còn “lưu luyến” với chèo vào đội văn nghệ mà sau này là CLB Nghệ thuật dân gian thị trấn Bút Sơn. Để duy trì hoạt động đội văn nghệ lúc bấy giờ, ông Chi đã nhiều lần bỏ tiền túi ra làm kinh phí cho đội đi diễn, mua sắm đầy đủ dụng cụ luyện tập, động viên, khuyến khích tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong lòng mỗi người.
Sự nhiệt huyết, đam mê của ông Chi và các thành viên trong CLB càng làm cho những làn điệu chèo trở nên say đắm, có hồn, CLB nhận được nhiều lời mời đi diễn. Ông Chi và CLB thường xuyên được tham gia các hội diễn lớn của tỉnh, quốc gia, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh, Trung ương. Tiêu biểu như: HCV vở chèo “Hồi chuông cảnh báo” năm 2005; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho cá nhân ông Chi và CLB vì đã có thành tích xuất sắc về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong XDNTM giai đoạn 2016-2018; Bằng khen của Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Chủ tịch nước tặng danh hiệu NNƯT 2019 ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian...
Đưa “hơi thở” cuộc sống vào chèo
“Niềm vui lớn cho con tim rạo rực, quê hương mình đang náo nức bài ca. Niềm vui như lan tỏa đến muôn nhà, mừng Hoằng Tiến đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu. Bởi đảng bộ và Nhân dân chung lòng phấn đấu, mới mang về thành quả hôm nay”... Đó là lời ca cho hoạt cảnh chèo mà ông Chi sáng tác cùng đồng nghiệp cho đội văn nghệ xã Hoằng Tiến. Những câu hát trong vở chèo, hoạt cảnh chèo được người dân địa phương yêu thích khi nó mang được “hơi thở” cuộc sống, phản ánh hiện thực cuộc sống với những chuyển mình trong NTM, chuyển đổi số, nông thôn thông minh, phong trào hiến đất làm đường... cả những mâu thuẫn, chống tham nhũng... vừa mang hơi thở cuộc sống nhưng vẫn luôn hướng đến các giá trị nhân văn cao đẹp, giá trị truyền thống bao đời nay của người Việt. Sự đa sắc của những vở chèo, hoạt cảnh chèo khiến nghệ thuật chèo trở nên gần gũi và phổ biến hơn với người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho CLB nghệ thuật dân gian thị trấn Bút Sơn, đặc biệt là nghệ thuật chèo trở nên gần gũi hơn với cộng đồng.
“Muốn lưu giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, tôi nghĩ phải vượt qua một số rào cản nhất định. Một trong những nguyên nhân là lời chèo cổ gắn với các tích khá khó hiểu với thế hệ trẻ”, ông Chi cho biết. Bởi vậy, ngày nay bên cạnh các làn điệu chèo cổ, ông và đồng nghiệp thường sáng tác, phổ cập các hoạt cảnh chèo với thời gian ngắn, nội dung tập trung ngay vào vấn đề, giúp các diễn viên dễ nhớ, dễ thuộc.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến tiếng hát chèo của Hoằng Hóa vang xa là sự tận tình trong việc truyền dạy của những nghệ nhân như ông Chi. Ông Chi bắt đầu truyền dạy từ năm 2001, sau 22 năm đến nay học trò của ông đã lên đến con số hàng trăm người ở trong và ngoài huyện Hoằng Hóa. Dù đã 74 tuổi, sức khỏe đã thuyên giảm nhưng bất kỳ ở đâu, bất kỳ ai có nhu cầu thì ông đều mang tấm chân tình đến để truyền dạy và khơi nguồn đam mê.
Vân Anh
{name} - {time}
-
2025-01-10 14:43:00
Thôn Rộc Răm tự hào có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy
-
2025-01-03 10:12:00
Về đất cổ Kẻ Rủn
-
2024-02-10 15:27:00
Nhân kiệt địa linh thiên cổ
Về nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa
Trên đất An Lạc Châu
Người giữ gìn văn hóa dân tộc Thổ
Những “cây cao bóng cả” của nghệ thuật hát bội
Chủ tịch Tập đoàn DVA tặng quà tết cho người nghèo huyện Ngọc Lặc
Những người giữ nghề tò he ở xứ Thanh
Dấu tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên vùng đất Châu Lang
Về làng Như Áng
Tự hào làng Trịnh Điện